Gần 90% tài sản tham nhũng chưa thu hồi được
Chính trị - Ngày đăng : 17:40, 15/09/2014
Nội dung liên quan việc thu hồi tài sản tham nhũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Nhiều lĩnh vực có tham nhũng
Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng; chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác giám định tư pháp, thu hồi tài sản tham nhũng và tăng cường chủ động phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật như vụ án: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam… Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó có 4 giải pháp (cải cách hành chính; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp) được đánh giá có hiệu quả.
Tuy nhiên, việc kê khai tài sản thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán và nộp lại quà tặng hiệu quả thấp. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình vướng mắc, các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Nhất là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp (trên 10%). Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành. Còn người dân thì chưa tin vào việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng, trong khi người tố cáo vẫn bị trù dập, trả thù…
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp…
Khó kiểm soát tài sản người có chức vụ
Thảo luận vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhận xét, công tác PCTN năm 2014 còn nhiều hạn chế, việc phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thậm chí hiệu quả thấp, trong đó việc kê khai, công khai tài sản thu nhập dường như không đem lại kết quả như mong muốn. Trong thời gian dài chưa làm rõ và xử lý triệt để trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mà chưa khắc phục được, cơ chế để kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và CBCC còn rất yếu; Việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp…Trong khi Nhà nước, xã hội đầu tư rất nhiều cho công tác tuyên truyền, PCTN nhưng vẫn có bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, người dân vẫn có tâm lý “hối lộ để được việc”, coi việc phát hiện, tố cáo tham nhũng là việc của Nhà nước…
Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, tham nhũng vẫn phổ biến nhưng nguyên nhân khiến việc phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được Chính phủ đề cập cụ thể mà “vẫn như mọi năm” nên khó tạo được sự đột phá trong công tác này. Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị thu hồi được 10% tài sản tham nhũng thì có nghĩa là 90% tài sản do tham nhũng không được thu hồi như vậy có phải kiến nghị chưa phù hợp hay không?
Ông Đương đề nghị, Thanh tra, Kiểm toán cần làm rõ biện pháp, giải pháp để thu hồi triệt để được tài sản vi phạm, không thể chỉ chung chung. Kết nối giữa thanh tra, kiểm sát, điều tra chưa rõ. Nhiều vụ tham nhũng phát hiện thì bị cáo bị tâm thần như vụ ở Hậu Giang nên liệu có cho phép giám định tâm thần của bị cáo trong các vụ án tham nhũng?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Tài sản tham nhũng thu hồi được 10% liên quan đến các vụ án mà Tòa án tuyên là có tội. Việc thu hồi tài sản qua kiểm toán và thanh tra đối với những vi phạm do có hành vi vụ lợi có tăng lên, năm sau cao hơn năm trước (năm 2013: 50,2%, 2014: 68,5%). Tuy nhiên, hiện việc quản lý tài sản, thu nhập của CBCC rất khó khăn và cơ chế kiểm soát chưa hiệu quả, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng khó kiểm soát, vì vậy Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Đề án này.
Phía Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xem xét, bổ sung vào Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi, bổ sung các tội danh về tham nhũng, chức vụ, bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Phòng chống tham nhũng với Bộ luật Hình sự; quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; quy định nghĩa vụ giải trình của người bị khởi tố, điều tra, truy tố về về tội tham nhũng - ông Lượng cho biết.
Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. VKSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội phạm tham nhũng. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm 2013 là 31,2%).
|