Giờ G, doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:14, 19/02/2014

Cận kề thời điểm trước và kể cả sau khi kết thúc năm tài chính 2013, một số doanh nghiệp trên sàn đã công bố thay đổi lại kế hoạch kinh doanh của năm “cũ”.

Bảng các doanh nghiệp ĐCKHKD sát thời điểm cuối năm 2013 và đầu năm 2014

Giờ G, doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính?

Có những doanh nghiệp đẩy con số kế hoạch lên cao, gần khớp với kết quả đã thực hiện, giúp kế hoạch và thực hiện sát sườn nhau hơn. Cũng có những doanh nghiệp khi khoảng cách giữa hoạch định và thực tế quá cách xa đã tiến hành kéo lùi chỉ tiêu kế hoạch năm “cũ”, giúp tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm ấn tượng hơn.

Đồng loạt hạ chỉ tiêu doanh thu vào giờ G

Tiêu biểu cho doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh khi thời gian kết thúc năm chỉ còn tính bằng ngày là CTCP Bột giặt Lix (HOSE: LIX). Ngày 25/12, HĐQT thông qua việc điều chỉnh giảm doanh thu từ 1,540 tỷ đồng xuống 1,465 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 5%. Trước đó, ngày 23/12, HĐQT của CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) cũng thông qua điều chỉnh kế hoạch, giảm hơn 30% doanh thu và gần 7.5% lợi nhuận sau thuế về còn lần lượt 176 tỷ đồng và 2.9 tỷ đồng.

Ở LIX, doanh thu thuần cả năm 2013 đạt 1,493 tỷ đồng, tăng gần 6.5% so với cùng kỳ và vượt gần 2% kế hoạch doanh thu điều chỉnh. Lợi nhuận trước thuế của LIX đạt 92.12 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2013 và vượt 8.5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (85 tỷ đồng).

Bên cạnh NGC, LIX, trong tháng 12 (17/12), HĐQT của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) cũng thông báo điều chỉnh giảm hơn 30% doanh thu về còn 1,214 tỷ đồng nhưng điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế lên vỏn vẹn chỉ 0.1%, tương ứng lên 53.86 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, qua 9 tháng đầu năm thì BTP đã đạt được mức lợi nhuận sau thuế 80.57 tỷ đồng, tức vượt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nhưng đến gần thời điểm cuối năm, BTP vẫn làm lại kế hoạch năm “cũ”, dẫn đến một nghi vấn lớn về kết quả kinh doanh quý 4/2013.

Quả thật, trong vòng 1 tháng sau đó, ngày 18/01, kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm đã hé lộ với khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm BTP vẫn đạt 70.43 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch điều chỉnh.

Vào đúng phút chót, ngày 31/12, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HNX: CTS) công bố đã được ĐHĐCĐ chấp nhận phương án điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận từ 115 tỷ đồng xuống 85 tỷ đồng.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, CTS đạt 114.2 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với mức lợi nhuận này, công ty chỉ thực hiện được hơn 72% kế hoạch lợi nhuận chưa điều chỉnh nhưng lại gần như hoàn thành kế hoạch năm (sau điều chỉnh) chỉ trong 3 quý đầu năm.

 

Giờ G, doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính?

Hình minh họa (nguồn: Báo Người lao động)

Khi kế hoạch quá an toàn hay… xa rời thực tế

Một số đơn vị với kết quả kinh doanh có phần “đột biến” vào thời điểm cuối năm cũng thực hiện “chữa cháy vào phút chót”. Đây là trường hợp của CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (HOSE:VTO) và CTCP đầu tư F.I.T (HNX: FIT).

Tại VTO, mặc dù đã qua năm mới, ngày 16/01, HĐQT công ty thống nhất tăng kế hoạch doanh thu năm trước đó (2013) từ 1,284 tỷ lên 1,505 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cũng bất ngờ phi mã cao gấp 6 lần so với con số ĐHĐCĐ thường niên 2013 đã thông qua lên 59.4 tỷ đồng.

Đến ngày 20/01, VTO công bố BCTC hợp nhất quý 4/2013, trong đó, kết quả doanh thu cả năm đạt 1,564 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% so với kế hoạch chưa điều chỉnh nhưng chỉ tăng 4% so với kế hoạch điều chỉnh. Còn nhuận trước thuế cả năm 2013 của VTO đạt 59.7 tỷ đồng, vượt 518% kế hoạch chưa điều chỉnh nhưng đúng bằng 100% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh. Việc điều chỉnh kế hoạch lơi nhuận cả năm về sát con số thực tế cho thấy VTO không tự tin vào khả năng hoạt động của mình nên chỉ đưa ra chỉ tiêu khiêm tốn, thậm chí là sự sụt giảm rất mạnh so với kết quả kinh doanh những năm liền trước.

Còn tại FIT, rất đặc biệt, sau khi công bố kết quả kinh doanh cả năm 2013 thì đơn vị này tiến hành chỉnh lại kế hoạch của năm này .Theo đó, ngày 09/01 vừa qua, FIT công bố kết quả kinh doanh năm 2013 với lãi ròng đạt 34 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm trước và vượt 45% chỉ tiêu kế hoạch. Nhưng tới ngày 18/01, FIT công bố nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường về việc điều chỉnh kế hoạch, với lợi nhuận sau thuế kế hoạch tăng từ 23.67 tỷ lên 33.65 tỷ đồng,. rất sát với mức lợi nhuận đạt được.

Cuối năm, doanh nghiệp ngành cao su chiếm ưu thế về điều chỉnh kế hoạch

Trong số các công ty điều chỉnh kế hoạch sát giờ G, ngành cao su chiếm ưu thế với 2 công ty là Cao su Phước Hòa (PHR) và Cao su Tây Ninh (TRC). Trong đó, PHR điều chỉnh giảm mạnh hơn với 10% doanh thu, gần 30% lợi nhuận trước thuế và sau thuế, tương ứng về còn 1,663 tỷ đồng, 354 tỷ đồng và 272 tỷ đồng.

Ngày 27/12, PHR công bố kết quả ước lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 456 tỷ đồng, vượt gần 30% kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh và tương ứng chỉ hơn 91% kế hoạch chưa điều chỉnh (500 tỷ đồng). Với hai thông báo được đưa ra chỉ cách nhau trong vòng 1 tháng.

Tương tự PHR, ngày 16/12, TRC cũng điều chỉnh giảm 15% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng về còn 768 tỷ đồng và 197.5 tỷ đồng. Và gần 1 tháng sau đó (13/01), TRC cũng công bố ước kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 255 tỷ đồng, vượt 29% so với kế hoạch điều chỉnh và tương đương hoàn thành kế hoạch chưa điều chỉnh (256 tỷ đồng).

Có thể thấy, việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế của TRC giúp cho BCTC của hai đơn vị này trở nên “hoành tráng” hơn trong mắt các cổ đông.

Tổng kết lại, tính đến thời điểm 15/02/2014, trên tổng số gần 700 doanh nghiệp niêm yết có tất cả 29 doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, con số này đã suy giảm đáng kể so với năm 2012 (48 doanh nghiệp).

Duy Hoàng