Vietinbank – Một năm đáng nhớ

Kinh tế - Ngày đăng : 13:31, 18/02/2014

Năm 2013 khép lại với nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ với cổ đông CTG.
Kỷ niệm 25 năm Xây dựng và phát triển, VietinBank tự hào là ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có quy mô vốn lớn nhất, chất lượng tài sản tốt nhất, là ngân hàng Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách 2000 doanh nghiệp lớn toàn cầu với giá trị thương hiệu cao nhất trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Kết thúc năm tài chính 2013, Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank (HOSE: CTG) tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận của toàn ngành. Kết quả hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. VietinBank tiếp tục đổi mới sâu rộng về cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành, quản lý rủi ro, đầu tư nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng thương hiệu VietinBank ngày càng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vị thế một NHTM chủ lực. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và ngành ngân hàng trong năm 2013.

Vietinbank – Một năm đáng nhớ

VietinBank – ngân hàng có cơ cấu cổ đông mạnh nhất

Thương vụ bán gần 20% vốn cho The Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ (BTMU) thu về xấp xỉ 750 triệu USD được đánh giá là thương vụ M&A lớn nhất và thành công nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đánh dấu một mốc quan trọng đối với VietinBank kể từ sau khi ngân hàng thực hiện cổ phần hóa vào năm 2008. Nguồn vốn này giúp củng cố tiềm lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn dài hạn phục vụ cho các kế hoạch phát triển và nâng cao hình ảnh của VietinBank với các hỗ trợ từ kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu của BTMU. Sự kiện này không chỉ nâng uy tín, vị thế, sức mạnh của VietinBank lên tầm cao mới mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trước các nhà đầu tư quốc tế.

Ngay trong tháng 5/2013, VietinBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược BTMU. Sự kiện này đã đưa VietinBank chính thức trở thành NHTM có vốn lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất Việt Nam bao gồm cổ đông Nhà nước (64,46%) và hai nhà đầu tư định chế tài chính nước ngoài mạnh là BTMU (19,73%) và IFC (8,03%).

Đại hội đồng cổ đông VietinBank đã nhất trí bầu bổ sung 02 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2009-2014 đến từ BTMU. Như vậy trong số 10 thành viên HĐQT VietinBank đã có 2 đại diện BTMU và 1 đại diện IFC.

BTMU cam kết hỗ trợ VietinBank trở thành ngân hàng hàng đầu, có chất lượng dịch vụ và năng lực quản trị mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ đa dạng hơn với chất lượng tốt hơn cho những khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các khách hàng Nhật Bản. 2 bên đã thành lập Ủy ban điều phối hợp tác chiến lược để làm đầu mối hợp tác và ngay trong năm 2013, Ủy ban điều phối hợp tác chiến lược đã họp 2 lần với mục tiêu chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho VietinBank nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh VietinBank có vị thế trên toàn cầu.

Đánh giá lạc quan của các tổ chức xếp hạng

Ngay đầu năm 2013, Moody's ra thông báo giữ nguyên các mức xếp hạng nợ và tiền gửi cũng như triển vọng tín nhiệm “ổn định” của VietinBank. Đáng chú ý, Moody’s đã đưa xếp hạng sức mạnh Tài chính Ngân hàng (BFSR) và BCA của VietinBank vào diện xem xét nâng bậc. Đồng thời, Moody’s nhận định Xếp hạng BFSR của VietinBank có thể nhận được ảnh hưởng tích cực sau khi đợt phát hành để bán 20% cổ phần cho BTMU hoàn tất. Thương vụ góp phần gia tăng đáng kể hệ số CAR của VietinBank lên xấp xỉ 17% nếu VietinBank giữ lại số tiền thu được từ đợt phát hành. Theo Moody’s, VietinBank có thể trở thành tổ chức có mức độ an toàn vốn cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam được tổ chức này xếp hạng tín nhiệm. Những thông tin tích cực này thực sự là tin vui cho cổ đông CTG.

VietinBank chi trả cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt cao nhất hệ thống

Tháng 9/2013, VietinBank chia cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 16% vốn điều lệ tính theo thời điểm trước khi BTMU chính thức là cổ đông chiến lược của VietinBank (tương đương mức vốn điều lệ 26.217 tỷ đồng). Tổng số tiền mặt chi trả là 4.195 tỷ đồng. Tổng số cổ tức cổ đông Nhà nước được chia là 3.368,68 tỷ đồng. Đây là mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất so với các ngân hàng khác trong hệ thống.

Đồng thời, VietinBank cũng phát hành thêm cổ phiếu theo mệnh giá cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 14% trên vốn điều lệ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả phát hành quyền mua cho BTMU). Tổng số vốn phát hành thêm là 4.573 tỷ đồng, tương đương 457,3 triệu cổ phiếu. Theo đó, mức vốn điều lệ của VietinBank tăng từ 32.661 tỷ đồng lên 37.234 tỷ đồng, khẳng định vị trí ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất trong toàn hệ thống.

Việc tăng vốn chủ sở hữu và số tiền thặng dư thu được từ đợt chào bán riêng lẻ cho BTMU đã tạo cơ sở vững vàng cho VietinBank tăng cường tín dụng, mở rộng mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, mở rộng hoạt động đầu tư, góp vốn...

Thanh khoản tăng mạnh

Thanh khoản cổ phiếu CTG trong năm 2013 được cải thiện đáng kể so với năm 2012. Tính đến 31/12/2013, thanh khoản CTG tăng 50,8% so với năm 2012. Mặc dù nguyên nhân chính xuất phát từ việc các Quỹ ETF phải cơ cấu lại danh mục khi VietinBank thực hiện khống chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) để chào bán cổ phiếu cho BTMU và dù các ngân hàng niêm yết khác cũng được hưởng lợi khi các quỹ ETF thoái CTG để mua vào cổ phiếu các ngân hàng khác, nhưng so với cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết thì thanh khoản của CTG vẫn tăng trưởng cao nhất, trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tăng trưởng âm như VCB -21,06%; ACB -38,4%; EIB -56,05% so với năm 2012.

Vietinbank – Một năm đáng nhớ

Thực tế đã chứng minh, dù 2 quỹ ETF là Market Vector Vietnam Index và FTSE Vietnam Index thoái một lượng rất lớn cổ phiếu CTG trong khoảng thời gian ngắn, nhưng trái với dự đoán của nhiều nhà đầu tư rằng CTG sẽ giảm giá kéo dài, giá cổ phiếu CTG đã hồi phục rất nhanh, cho thấy CTG thực sự là một cổ phiếu tốt.

Như vậy có thể thấy, ngoài những lợi ích VietinBank có được trong dài hạn khi bán cổ phần cho đối tác BTMU, ngay cả trong ngắn hạn, CTG vẫn khẳng định được giá trị là cổ phiếu chất lượng cao và đặc biệt rất thu hút nhà đầu tư vì CTG đang ở mức giá hấp dẫn khi chưa phản ánh đầy đủ giá trị thật của VietinBank. Thêm vào đó, CTG thực sự là cổ phiếu tiềm năng, giá CTG đang ở mức hợp lý để đầu tư trung và dài hạn trong giai đoạn thị trường chưa khởi sắc như hiện nay nhằm đem lại một khoản sinh lời hiệu quả trong tương lai.

Phân tích kỹ thuật và dự báo

CTG hiện đang giao dịch tích lũy ở vùng giá 16.000 – 18.000 đồng/CP. Kênh giá tích lũy này đã kéo dài từ đầu năm 2013 đến nay và đây cũng là khoảng giá trùng với mức 23,8% - 38,2% của Fibonacci, cho thấy CTG đang trong đà tích lũy.

Vietinbank – Một năm đáng nhớ

Ngoài ra, với việc đường giá đã cắt lên đường MA200 thì hiện tại đường MA200 và đường trendline nối các đáy đang hỗ trợ rất tốt cho CTG. Cùng với kết quả kinh doanh được dự báo tiếp tục đạt mức cao và dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng, kịch bản chúng tôi đưa ra là CTG sẽ tiếp tục giao động trong mẫu hình tam giác trước khi bứt phá ra khỏi mẫu hình và bắt đầu tăng trưởng. Mức giá 18.000 tương ứng với mức 50% của Fibonacci có thể là mức giá gần nhất CTG chinh phục. Trong năm 2014, CTG có thể quay trở lại mức trên 20.000 đồng/cổ phiếu khi nền kinh tế tăng trưởng rõ rệt hơn khi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ được thẩm thấu (nới margin, giảm phí lưu ký, mở biên độ thị trường, nới room ngân hàng…) và việc tái cấu trúc hệ thống tài chính của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cho thấy những hiệu quả tích cực.

Tổ Quan hệ Nhà đầu tư VietinBank