VISE: Được hoãn thi hành án vụ tự ý vào tài khoản khách hàng mua bán CK và rút tiền

Kinh tế - Ngày đăng : 10:29, 15/02/2014

CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE) vừa công bố quyết định của Toàn phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM về tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn ông Phan Đức Chiến và bị đơn là VISE.

Theo đơn khởi kiện của ông Phan Đức Chiến, ngày 16/09/2009 ông mở tài khoản 020C102779 tại VISE chi nhánh TPHCM để mua bán chứng khoán. Trong thời gian từ ngày 28/09 đến 29/10/2009 ông đã nộp vào tài khoản tổng số tiền là 4.8 tỷ đồng.

Ông bắt đầu thực hiện mua bán chứng khoán từ ngày 30/09/2009, quá trình giao dịch trên sàn ông có ủy quyền cho bà Huỳnh Kim Thủy Tiên đặt lệnh mua bán. Tính đến ngày 03/11/2009 (là ngày cuối cùng ông đặt lệnh), ông cùng bà Tiên đã đặt tổng cộng 17 lệnh (gồm 10 lệnh mua và 7 lệnh bán) bằng hình thức trực tiếp tại sản hoặc qua điện thoại.

Đến ngày 03/11/2009, tài khoản của ông Chiến còn 4.8 tỷ đồng và gần 80 triệu đồng tiền lãi.

Theo ông Chiến, VISE đã nhiều lần tự ý vào tài khoản của ông mua bán chứng khoán và rút tiền. Cụ thể, ngày 13/10/2009, VISE đã bán 26,080 cp TTF (công ty đã nhận lỗi là bán nhầm và bù tiền lãi cho ông 118 triệu đồng). Ngày 17/11/2009, VISE đã bán 10,000 cp DIG trị giá 1.33 tỷ đồng (công ty đã nhận bán). Ngày 17 và 18/12/2009 VISE tiếp tục vào tài khoản của ông lấy tiền và chứng khoán.

Theo đó, ông Chiến đã khiếu nại đến công ty, tại cuộc họp ngày 22/12/2009 công ty thông báo tài khoản của ông bằng 0. Sau đó ông đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo chi nhánh VISE yêu cầu chứng minh việc đặt lệnh mua bán chứng khoán xuất phát từ ông nhưng công ty không chứng minh được. Đã có 5 biên bản cuộc họp giữa ông với VISE được xác âập với tư cách ông là nhà đầu tư chứ không đề cập gì đến tư cách khách hàng VIP.

Sau nhiều lần ông Chiến khiếu nại đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM, đến ngày 26, 27/05/2010 VISE đã thực hiện phục hồi chứng khoán trên tài khoản của ông Chiến và số tiền phục hồi trên tài khoản là 2.53 tỷ đồng. Sau đó VISE cũng tự ý bán chứng khoán lấy tiền không được sự đồng ý của ông.

Trong khi đó, VISE cho rằng, ông Chiến và bà Tiên được hưởng chính sách hỗ trợ vốn của công ty để mua bán chứng khoán với số lượng lớn bao gồm việc được chậm trả số tiền đã hỗ trợ từ ngày 01/10/2009. Đến ngày 21/10/2009 tổng số tiền VISE ứng trước cho ông Chiến là hơn 13.3 tỷ đồng. Sau đó VISE đã nhiều lần yêu cầu ông Chiến và bà Tiên nộp tiền vào tài khoản và đến ngày 29/10/2009 ông Chiến đã nộp tổng cộng 4.8 tỷđoồng. Nếu đối trừ số tiền được ứng thì ông Chiến còn nợ VISE 8.5 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 17/11/2009 VISE đã bán 10,000 cp DIG trong tài khoản của ông Chiến giá 116,000 đồng/cp để thu hồi số tiền chậm trả. Sau đó đúng 1 tháng, VISE tiếp tục lệnh bán 8 mã chứng khoán của ông Chiến và thu đủ số tiền ứng trước cho ông Chiến là 2.95 tỷ đồng.

Vì thế, VISE cho rằng, giữa công ty và ông Chiến không còn khoản nợ nào liên quan đến mua bán chứng khoán nữa.

Tuy nhiên theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm ngày 27/09/2012, việc VISE cho rằng ông Chiến là khách hàng VIP để hưởng chế độ ưu đãi được ứng tiền mua bán chứng khoán là không có, bởi không có một thỏa thuận hoặc văn bản nào liên quan đến việc ứng vốn vay của ông Chiến. Ngoài ra, VISE cũng không cung cấp đầy đủ các file ghi âm đặt lệnh của ông Chiến, bà Tiên trong trường hợp đặt lệnh qua điện thoại, không cung cấp đầy đủ các phiếu đặt lệnh chữ ký xác nhận...

Theo đó, VISE phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chiến ngoài số tiền 4.8 tỷ đồng trong tài khoản cộng thêm tiền lãi kể từ ngày 22/12/2009, tổng số tiền là 5.98 tỷ đồng.

Tại phiên phúc thẩm, Tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của VISE và giữ nguyên bản sơ thẩm.

Đếm ngày 28/06/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được đơn kháng nghị của VISE theo thủ tục giám đốc thẩm và Đơn đề nghị hoãn thi hành án trên. Theo đó, để có thời gian xem xét đơn đề nghị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định hoãn thi hành án trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

Thanh Nụ