FLC: Giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng vọt xa 10,000 đồng?
Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 13/02/2014
Dòng tiền đầu cơ đang “đánh” cổ phiếu FLC?
Kết quả kinh doanh đột biến trong 9T/2013 đã giúp cổ phiếu FLC có sự trở lại ấn tượng trong những tháng cuối năm 2013. Tuy kết quả kinh doanh này vẫn có nhiều điểm cần chú ý nhưng dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh vào cổ phiếu FLC này và giúp giá cổ phiếu này tăng hơn 2.8 lần từ 4,400 (10/09/2013) lên 12,500 đồng (20/12/2013).
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu FLC chịu áp lực chốt lời và sụt giảm khá mạnh. Tuy nhiên, dường như làn sóng đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại cổ phiếu này trong thời gian gần đây.
Dòng tiền đầu cơ hoạt động trở lại ở FLC có thể xuất phát việc giới đầu tư đang nhắm đến kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2013 của cổ phiếu này sẽ tiếp tục đột biến. Theo thông tin từ công ty thì doanh thu hợp nhất năm 2013 đạt gần 1,784 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 185% so với năm 2012.
Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý nhất phải kể đến là kế hoạch phát hành 77.18 triệu cổ phiếu giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Với thông tin này, cổ phiếu FLC đã tăng trở lại liên tục trong thời gian gần đây và hiện đang đứng ở quanh mức 10,000 đồng/cổ phiếu (12/02).
Giá cổ phiếu sẽ tiếp tục dễ dàng tăng vọt?
Với mức giá thị trường hiện chỉ đang xoay quanh giá phát hành và người mua đối diện rủi ro phải nắm giữ trong thời gian dài (trước khi lượng cổ phiếu phát hành mới được phép niêm yết) thì rõ ràng là cổ phiếu phát hành thêm không hề hấp dẫn. Câu hỏi đặt ra là liệu giá cổ phiếu FLC có tiếp tục tăng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy việc phát hành thành công?
Cần chú ý rằng, thời điểm trước khi thông tin được công bố, nhiều thành viên quan trọng trong Hội đồng Quản trị của FLC đã đăng ký mua vào cổ phiếu. Cụ thể, Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT đến đầu tháng 01/2014 đã mua hơn 2.2 triệu cp trong tổng số 6 triệu cp đăng ký. Bên cạnh đó, Thành viên HĐQT Nguyễn Tiến Đức đã "mua chui" hơn 86,000 cp và thành viên HĐQT Doãn Văn Phương đăng ký mua 100,000 cp.
Rủi ro pha loãng và áp lực lợi nhuận rất cao
Việc phát hành thêm 77.18 triệu cổ phiếu sẽ đẩy lượng cổ phiếu lưu hành của FLC tăng gấp đôi. Điều này khiến áp lực pha loãng cổ phiếu và tạo lợi nhuận trong năm 2014 cũng như những năm tiếp theo là rất lớn, đặc biệt là khi kế hoạch kinh doanh năm nay của FLC không có nhiều đột biến.
Theo đó, FLC đặt kế hoạch năm 2014 với tổng doanh hợp nhất 2,060 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bất động sản 700 tỷ đồng, doanh thu thương mại dịch vụ 1,310 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu lao động và hoạt động khác 50 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đặt ra tại mức 120 tỷ đồng, chỉ tăng 9% so ước tính thực hiện trong năm 2013.
Dự kiến vốn thu được từ đợt chào bán 77.18 triệu cổ phiếu sẽ được đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất bao bì carton cao cấp tại Vĩnh Phúc và góp vốn đầu tư CTCP Golf & Resort để thực hiện dự án Khu du lịch vui chơi giải trí Hồ Cẩm Quỳ (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Nhà máy sản xuất bao bì carton cao cấp dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2014, với thông tin trên Bản cáo bạch cho thấy có tỷ suất sinh lợi nội bộ (IRR) chỉ vào khoảng 12%, cao hơn chút ít so với lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay, và thời gian hoàn vốn gần 8 năm.
Trong khi đó, dự án Khu du lịch vui chơi giải trí Hồ Cẩm Quỳ hiện đang đàm phán và thỏa thuận mức giá đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án bất động sản này ước tính có IRR đến 18.88% với thời gian hoàn vốn cũng hơn 7 năm.
Duy Nam