BID: Ấn tượng với việc mạnh tay kiểm soát chi phí và “xử lý” nợ xấu!
Kinh tế - Ngày đăng : 10:56, 10/02/2014
Thu nhập 9T/2013 tăng trưởng nhẹ 7.3% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2013, tổng thu nhập hoạt động của Ngân Hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (HOSE: BID) đạt 12,865 tỷ đồng, tăng 7.3% so với 9T/2012.
Ngoại trừ doanh thu từ kinh doanh ngoại hối và vàng, doanh thu mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm so với cùng kỳ, các mảng hoạt động khác của BID đều tăng trưởng khá tốt. Trong đó, Mua bán chứng khoán kinh doanh, hoạt động khác và Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng trưởng mạnh mẽ, dù mức đóng góp không lớn. Hai mảng hoạt động chính của BID là tín dụng (thu nhập lãi thuần) và dịch vụ cũng duy trì được đà tăng trưởng đáng kể.
Thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu 9T/2013 với 76.7% đạt 9,869 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của thu nhập lãi cho vay khách hàng và thu lãi từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán nợ (xem thêm bên dưới).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ 9T/2013 đạt 1,791 tỷ đồng, tăng 12.7% so với cùng kỳ. Khác với nhiều ngân hàng, hoạt động dịch vụ của BID đóng góp đến hơn 13.9% vào tổng doanh thu. Đây là tỷ trọng khá lớn, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào hoạt động cho vay, giảm bớt rủi ro hoạt động trong bối cảnh triển vọng kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Bảng 1: Kết quả kinh doanh 9T/2013 của BID (Nguồn: VietstockFinance)
Kiểm soát chi phí giúp LNST tăng hơn 55%. Chi phí hoạt động trong 9T/2013 được kiểm soát khá tốt khi gần như giữ nguyên mức chi phí cùng kỳ với chỉ 4,783 tỷ đồng. Điều này giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 12.2% so với cùng kỳ đạt 8,082 tỷ đồng.
Cùng với việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9T/2013 giảm 12.1% so với cùng kỳ xuống 4,022 tỷ đồng đã giúp cho LNTT đạt con số ấn tượng 4,060 tỷ đồng, tăng đến 54.5% so với cùng kỳ năm trước. LNST cổ đông ngân hàng mẹ đạt 3,102 tỷ đồng, tăng 55.3% so với cùng kỳ năm 2012.
Hoạt động cho vay tăng trưởng 9.8%. Dư nợ cho vay của BID tăng trưởng 9.8% từ gần 340 ngàn tỷ đồng cuối năm 2012 lên hơn 373.2 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 9/2013. Cơ cấu dư nợ cho vay theo kỳ hạn gồm 206.5 ngàn tỷ đồng nợ ngắn hạn (chiếm tỷ lệ 55.3%), 45.2 ngàn tỷ đồng nợ trung hạn (12.1%) và 121.5 ngàn tỷ đồng nợ vay dài hạn (32.6%). Cơ cấu nghiêng về cho vay nợ ngắn hạn giúp sức ép về thanh khoản đối với BID khá thấp.
Trong bối cảnh hoạt động tăng trưởng tín dụng khó khăn trong 9T/2013, cùng với quy mô hoạt động cho vay lớn thì mức tăng trưởng 9.8% của BID có được là một thành công lớn. Nhiều khả năng hoạt động tín dụng của BID sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ và hoạt động tín dụng với các doanh nghiệp lớn thuộc cả khối Nhà nước và tư nhân.
Tuy vậy, đáng lưu ý là cùng với đà tăng trưởng tín dụng, khoản mục dự phòng rủi ro cho vay và cho thuê tài chính của BID cũng tăng 23.6% từ 5,915 tỷ đồng cuối năm 2012 lên 7,314 tỷ đồng cuối tháng 9/2013; trong đó, dự phòng chung là gần 2,518 tỷ đồng và dự phòng cụ thể là 4,796 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục được cải thiện? Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu của BID là 8,755 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2.5%; dù tổng nợ xấu đầu năm ở mức 9,161 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 2.9%.
Nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu của BID được cải thiện đến chủ yếu từ việc xóa nợ xấu. Theo thuyết minh BCTC hợp nhất soát xét 6T/2013, BID đã xóa gần 1,367 tỷ đồng nợ xấu trong kỳ. Cũng theo báo cáo này, BID vẫn còn dư nợ cần chú ý (nhóm 2) khoảng 3,687 tỷ đồng của Vinashin, một số công ty thành viên chuyển sang PetroVietnam và Vinalines, và 326 tỷ đồng của Vinalines.
Thông tin cho thấy BID dự kiến bán 1,500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong thời gian tới (xem thêm thông tin tại đây http://vietstock.vn/2013/11/bidv-ban-khoang-1500-ti-dong-no-xau-cho-vamc-757-323077.htm). Nếu thông tin này trở thành hiện thực thì nhiều khả năng chất lượng dư nợ cho vay của BID sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Bảng 2: Chất lượng dư nợ cho vay 9T/2013 (Nguồn: BCTC BID)
Gia tăng hoạt động đầu tư vào chứng khoán nợ. Theo đó, tổng giá trị khoản mục chứng khoán đầu tư của BID vào cuối tháng 09/2013 là 74,163 tỷ đồng, đã tăng mạnh hơn 1.5 lần so với con số đầu năm. Giá trị đầu tư của BID tập trung chủ yếu vào khoản mục chứng khoán nợ (nhiều khả năng là trái phiếu Chính phủ), do đó rủi ro với khoản mục đầu tư này là không quá lớn.
Dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tính đến cuối tháng 9/2013 chỉ là 384 tỷ đồng.
Huy động tiền gửi trên thị trường 1 trong 9 tháng đầu năm tăng 12.4%. Hoạt động huy động tiền gửi của BID vẫn duy trì khá tốt. Theo đó, tổng lượng tiền huy động 9 tháng đầu năm trên thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp) đạt gần 341 nghìn tỷ đồng, tăng 12.4% so với cuối năm 2012.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cận biên đã tăng trưởng trở lại nhưng vẫn đứng ở mức thấp. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) của BID đang có sự cải thiện mạnh sau khi sụt giảm trong năm 2012, khi đạt 2.04% trong 9T/2013, tương ứng với 2.72% ước tính cho cả năm 2013.
Bảng 3: Tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) của BID (Nguồn: VietstockFinance)
Hiệu quả hoạt động tương đối cao. So với một số ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì hiệu quả hoạt động của BID nằm trong nhóm khá hiệu quả. ROA và ROE trong 9T/2013 của BID đạt lần lượt 0.6% và 10.7%.
Biểu đồ: So sánh ROA và ROE của một số ngân hàng niêm yết 9T/2013 (Nguồn: VietstockFinance)
Chỉ số định giá cơ bản. Hiện cổ phiếu BID đang được giao dịch với P/E và P/B lần lượt ở mức 11.53 và 1.63 lần.
BID chưa công bố BCTC chi tiết cho năm 2013. Thông tin từ BID cho biết tính đến ngày 31/12/2013, nguồn vốn huy động đạt 472 ngàn tỷ đồng, trong đó huy động vốn trên thị trường 1 đạt 417 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so năm 2012; dư nợ tín dụng đạt 391 ngàn tỷ đồng, tăng 16.7% so năm 2012, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2.3%, LNTT đạt 5,233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012, đạt 110.8% kế hoạch đề ra.
Bảng 4: Kết quả kinh doanh hàng quý và Chỉ số tài chính cơ bản của BID (Nguồn: VietstockFinance)
Duy Nam