Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán 2014
Kinh tế - Ngày đăng : 08:59, 20/01/2014
Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) và đặc biệt là các công ty chứng khoán trong năm qua?
Trong thời gian qua, quá trình tái cấu trúc TTCK trong nước được thực hiện khá triệt để. Khởi đầu từ ngày 01/03/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó đặt ra những mục tiêu để phát triển TTCK.
Ngay sau đó, Chỉ thị 08/CT- TTg ngày 02/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, các Bộ, ngành tăng cường công tác giám sát để thúc đẩy và tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK.
Trước đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK (Ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10/01/2012). Có thể nói đây là những văn bản pháp lý quan trọng để các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thực hiện một số biện pháp để từng bước tái cấu trúc thị trường.
Ngoài ra Theo “Đề án tái cấu trúc TTCK” ban hành kèm theo Quyết định số 1826/2012/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó Đề án đã xác định các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hoạch định các giải pháp để tái cấu trúc TTCK trên tất cả các phương diện từ cơ sở hàng hóa trên thị trường, tái cấu trúc thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Tuy nhiên nhìn lại các mục tiêu này thì rõ ràng chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm, thị trường vẫn thiếu các lọai hàng hóa có chất lượng, chưa có hàng hóa phái sinh, các loại chứng chỉ quỹ chưa phong phú… thị trường Trái phiếu được coi là tiềm năng nhưng chưa phát triển đúng mức, chưa thu hút được sự quan tâm cùa nhà đầu tư, chưa có thị trường giao dịch riêng cho trái phiếu doanh nghiệp. Đối với cơ sở nhà đầu tư vẫn chưa có nhiều thay đổi khi thiếu vắng nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức, nhà tạo lập thị trường. Hơn nữa việc sáp nhập hai Sở GDCK Hồ Chí Minh và Hà Nội thành một sở giao dịch thống nhất vẫn chưa có thời gian và tiến độ cụ thể… Ngoài ra quá trình tái cơ cấu các chủ thể kinh doanh chứng khoán vẫn chưa quyết liệt, chủ yếu một số công ty tự cơ cấu do gặp khó khăn trong hoạt động và cạnh tranh trên thị trường tự rút lui và giải thể.
Tóm lại, theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại các biện pháp tái cấu trúc TTCK, dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thị trường vẫn còn nhiều tồn tại như đã nêu, quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán diễn ra còn rất chậm.
Như vây theo ông thì TTCK trong năm 2014 tới có thể xảy ra theo những kịch bản nào? Điều gì sẽ là liều thuốc “doping” cho thị trường trong thời gian tới, thưa ông?
Tiếp nối thành công đã đạt được trong năm 2013 của thị trường chứng khoán cùng với một số kết quả tích cực từ kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, nợ xấu từng bước được xử lý… chúng ta có thể kỳ vọng vào một kịch bản khả quan hơn của nền kinh tế trong năm 2014. Và theo đó thị trường chứng khoán trong nước cũng kỳ vọng tiếp tục theo chiều hướng lạc quan hơn. Tôi cho rằng đà tăng trưởng 15-20% có thể đạt được, với dự báo cho 2 kịch bản của chỉ số VN-Index theo diễn biến của kinh tế vĩ mô, nhưng với xác suất cao hơn nghiêng về kịch bản 1:
Kịch bản 1: Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định VN-Index có thể đạt từ 551-580 điểm;
Kịch bản 2: Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực và đạt được các mục tiêu kế hoạch của Chính phủ, VN-Index có thể đạt từ 600 - 633 điểm.
Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước đã có sự thành công trong năm qua, tuy nhiên để có thể bứt phá được trong thời gian tới theo tôi cần có sự thay đổi lớn từ ba yếu tố cơ bản sau.
Thứ nhất là thay đổi từ cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động cho thị trường, từng bước nâng cao tính minh bạch, hoàn chỉnh các khuôn khổ pháp lý có liên quan đến hoạt động và hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và quy mô thị trường để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm từ bên ngoài.
Thứ hai chính là sự thay đổi từ nội tại kinh tế vĩ mô trong nước, tiếp tục ổn định kinh tế từng bước khắc phục các khó khăn và sớm đưa kinh tế trở lại đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thay đổi cải thiện tình hình hoạt động của các chủ thể kinh tế, là cơ sở tích cực cho sự phát triển của thị trường.
Thứ ba, cần thay đổi nguồn lực tham gia vào thị trường cả bên trong và bên ngoài, hướng đến thu hút nhiều hơn các nguồn lực dài hạn và chuyên nghiệp. Đây cũng là những thay đổi mang tính hệ quả phản ánh kết quả của việc thay đổi các nhân tố đã nêu trên.
Ông nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn sẽ ra sao? Nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào, thưa ông?
Hiện tại thị trường đang bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, sau một năm giao dịch khá thành công. Trong ngắn hạn, không có nhiều thông tin tác động đến diễn biến của thị trường ngọai trừ kết quả kinh doanh cả năm được công bố với dự báo sẽ không có nhiều bất ngờ đối với nhà đầu tư và dường như đã phản ánh vào giá của cổ phiếu trong thời gian qua. Đồng thời, dự kiến lạm phát những tháng đầu năm có thể trở lại tăng cao hơn tháng cuối năm với đặc thù vào thời điểm tết âm lịch. Do đó, tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường vào đầu năm nay sẽ không có nhiều biến động và đột biến như vào đầu năm vừa qua, giao dịch sẽ diễn ra chậm hơn và thị trường sẽ có sự dao động và đi ngang trong biên độ hẹp.
Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại không phù hợp cho các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn mà nên chờ đợi thêm thời gian để xác định tín hiệu từ xu hướng. Việc đầu tư dài hạn có thể xem xét và nhà đầu tư chấp nhận rủi ro có thể cân nhắc đến nhóm các cổ phiếu dự báo sẽ có nhiều thông tin tác động trong thời gian tới như lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.
Minh Hằng thực hiện