CEO MBKE: Năm 2014, VN-Index chinh phục đỉnh cũ 600 - 630

Kinh tế - Ngày đăng : 10:00, 16/01/2014

Ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, theo tính toán bằng phân tích kỹ thuật kết hợp với xu hướng kinh tế phục hồi, thông tin kinh tế hỗ trợ và chính sách của Nhà nước thì VN-Index năm 2014 có thể đạt đến 600-630 điểm, bằng với đỉnh cũ năm 2009.

CEO MBKE: Năm 2014, VN-Index chinh phục đỉnh cũ 600 - 630

Ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Thị trường chứng khoán đã khá tích cực trong những phiên đầu năm, theo ông, diễn biến này có duy trì đến hết năm? Và những yếu tố nào sẽ được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2014?

Theo tôi, xu hướng nửa đầu năm lẫn cả năm 2014 sẽ là tích cực. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, kênh tiết kiệm dù an toàn nhưng kém hấp dẫn, trong khi kênh chứng khoán đang lên mạnh.

Tôi nghĩ kênh tiết kiệm dành cho những người ưa an toàn nhưng một khi thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh thì những người thích an toàn nhất cũng như ngồi trên lửa và họ cũng sẽ dần chuyển sang chứng khoán. Ví dụ như giai đoạn 2005-2007, khi mà người người mua chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán.

Theo tính toán bằng phân tích kỹ thuật (PTKT) kết hợp với xu hướng kinh tế phục hồi, thông tin kinh tế hỗ trợ và chính sách của Nhà nước thì VN-Index năm 2014 có thể đạt đến 600-630 điểm, bằng với đỉnh cũ năm 2009.

Xét về những yếu tố hiện đang được các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm, theo tôi, sẽ bao gồm các vấn đề sau:

  • Nợ xấu và hiệu quả của Công ty quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong vai trò giải quyết nợ xấu
  • Sức khỏe của hệ thống Ngân hàng khi nợ xấu vẫn là bài toán khó giải thời gian qua
  • Hiệu quả của các chính sách (đối với các chính sách cũ như gói 30,000 tỷ có thật sự hiệu quả khi việc giải ngân rất chậm và rất khó để tiếp cận vay vốn), có thêm các chính sách kích cầu kinh tế mới không?
  • Mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh, chậm hay suy thoái thông qua những số liệu kinh tế
  • Dòng tiền từ các tổ chức đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở, việc cơ cấu của các quỹ ETFs, dòng vốn ngoại, dòng vốn nội đang mạnh mẽ trên thị trường có thể tiếp tục duy trì hết năm hay không cũng rất được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu
  • Mức độ sinh lợi của các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, ngoại tệ nếu tăng đột biết có thể hút bớt tiền từ chứng khoán
  • Lãi suất và tỷ giá có được duy trì ổn định, Nhà nước có kiểm soát tốt điều này?
  • Việc nới room ngoại đã được đệ trình lên Chính phủ nhưng thời gian được thực thi là khi nào?
  • Kết quả của TPP – Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Có nhận định cho rằng “Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua mặt nhiều thị trường mới nổi ngang tầm trong năm nay”, ông nghĩ sao về điều này?

Nếu chỉ tính về mức độ tăng giá thì điều này là chính xác, không những mới nổi mà cả những TTCK ở những quốc gia lớn, thậm chí tăng điểm mạnh như Nhật Bản vẫn có thể so sánh về mức độ tăng giá. Bởi, dù tính về mức tăng giá thì TTCK Nhật tăng gấp đôi TTCK Việt Nam (khoảng 22%) trong năm qua nhưng nếu lấy đồng đô la Mỹ của một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hai thị trường thì mức sinh lời là ngang bằng khi Yên Nhật mất giá hơn 20% so với đồng USD trong khi VNĐ chỉ mất giá khoảng 1%.

Với kinh nghiệm của mình ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường trong khu vực, theo MBKE thì Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn ngoại trên thị trường chứng khoán?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào việc Chính phủ cho phép nới room đối với khối ngoại. Tôi tin rằng nếu điều này xảy ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia đầu tư vào thị trường nhiều hơn nữa, từ đó hi vọng làn sóng đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng.

Việc Chính phủ Việt Nam cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu 100% vốn tại công ty chứng khoán (CTCK) thể hiện cam kết của Chính phủ đối với tiến trình hội nhập, thực hiện các cam kết WTO. Điều này cũng gửi đi một thông điệp rất tích cực đối với NĐT nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư có ý định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Một minh chứng rất cụ thể là Maybank Kim Eng đã tổ chức thành công nhiều đoàn khách nước ngoài trong đó đặc biệt là đoàn gồm hơn 30 nhà đầu tư có tiếng tại Thái Lan qua tìm hiểu về TTCK Việt Nam trong tháng 9/2013. Các NĐT Thái cho rằng PE thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 10.3 lần khá thấp so với Thái Lan (11.8 lần) đồng thời thông tin nới room khiến NĐT Thái Lan muốn sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nói về MBKE, năm qua có thể nói là năm đánh dấu bước ngoặt lớn khi MBKE chính thức trở thành công ty TNHH MTV 100% vốn nước ngoài, ông có thể chia sẻ về những thay đổi hiện nay của công ty?

Với cam kết kết đồng hành lâu dài với sư phát triển của thị trường vốn Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc chuyển đổi ngay khi Chính phủ Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại CTCK. Ngày 03/01/2014, UBCKNN đã cấp Giấy phép thành lập và hoạt động số 117/GP-UBCK cho Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kimeng. Theo đó, Maybank Kim Eng đã chính thức là công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam.

Trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài là một cột mốc đặc biệt đối với quá trình phát triển của công ty. Tuy nhiên điều này đã được vạch ra rất rõ ràng trong mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của Maybank Kim Eng tại Việt Nam. Từ trước đó, các cổ đông đã thông qua kế hoạch phát triển trong ngắn, trung và dài hạn. Việc trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài, vì vậy, không có tác động gì nhiều tới mục tiêu và chiến lược phát triển đã được xác định của MBKE trong thời gian tới.

Chiến lược trong thời gian tới của MBKE là gì? Trong năm 2014 tới, công ty có kế hoạch phát triển sản phẩm hay dịch vụ gì khác biệt nhằm thu hút nhà đầu tư không?

Hiện tại vốn của chúng tôi đang ở mức thấp nhất so với các công ty chứng khoán nằm trong Top 10 nên việc đầu tiên là chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn lên 600 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh các hoạt động khác, đặc biệt là bảo lãnh phát hành.

Hoạt động môi giới vẫn là mục tiêu phát triển hàng đầu của chúng tôi. Việc tăng vốn sẽ giúp chúng tôi phát triển tốt hơn về mảng này.

Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ chưa đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều CTCK đã mất tiền vào hoạt động cho vay ký quỹ, kể cả các công ty được hỗ trợ từ ngân hàng mẹ. Còn về mảng tự doanh, trong cả hệ thống tập đoàn chúng tôi không có chủ trương hoạt động tự doanh, hơn nữa đây cũng là mảng hoạt động rất khó.

Với sự hỗ trợ của Maybank chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển các nền tảng công nghệ, chuẩn hóa các quy trình dịch vụ, phát triển các sản phẩm về công nghệ, hoàn thiện các cơ chế quản lý rủi ro. Theo đó, tạo nền tảng để khi thị trường tốt trở lại thì chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình cũng như gia tăng thị phần.

Việc tăng vốn sắp tới chắc chắn sẽ giúp chúng tôi phát triển tốt hơn hoạt động môi giới.

Chúng tôi sẽ giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ đã được Maybank Kim Eng triển khai thành công tại một số thị trường khu vực cho nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai. Đó cũng là cam kết của Maybank Kim Eng trong việc cung cấp toàn bộ giá trị kinh doanh trong khu vực đến mỗi khách hàng trên toàn cầu.

Trở thành thành viên của tập đoàn tài chính hùng mạnh như Maybank, chúng tôi sẽ có sự tin tưởng nhiều hơn từ phía khách hàng tổ chức, các định chế tài chính. Chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn mảng ngân hàng đầu tư, nâng cao năng lực và khả năng hỗ trợ quản l‎ý tài chính cho khách hàng. Chúng tôi hiện được trang bị tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường vốn và chúng tôi đã đặt các mục tiêu để gia tăng mạnh mẽ doanh thu từ mảng ngân hàng đầu tư.

Cảm ơn ông!

Mỹ Hà thực hiện