DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Kinh tế - Ngày đăng : 10:57, 15/01/2014

Liên tục từ xuất khẩu tôm đến cá tra, cá basa của Việt Nam đều gặp rào cản về thuế khi xuất sang Mỹ trong năm 2013.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ, năm 2012-2013 ngành tôm chịu “khủng hoảng kép” khi vừa bị dịch bệnh gây thiệt hại lớn vừa bị áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp khiến rất ít doanh nghiệp có lời. Trong khi đó ngành cá còn bi đát hơn nhiều và hiện không còn lối thoát do “1 mình 1 chợ”.

DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Doanh nghiệp Tôm “thoát gông”

Vào tháng 8/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có công bố cuối cùng cho đợt xem xét lần 8 về việc áp mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam. Trong đó, Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC) chịu mức thuế khi xuất khẩu vào Mỹ là 7.88% (tăng mạnh so với mức 5.08% tại quyết định sơ bộ hồi tháng 5).

Ngoài ra, cùng đợt này còn có Công ty thủy sản Nha Trang Seaproduct với mức thuế 1.15%, giảm mạnh so với mức 7.05% trước đó. Mức thuế chung đối với các doanh nghiệp tôm khác của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là 4.52%. Dù giảm so với mức thuế sơ bộ 6.07% nhưng đây cũng là khó khăn của các doanh nghiệp tôm Việt Nam khi hai đối thủ chính là Thái Lan và Indonesia không phải chịu thuế.

Theo đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm phải chịu 2 loại thuế khi xuất vào Mỹ là thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Quá bất bình với quyết định trên, các doanh nghiệp Việt và Vasep đã lên tiếng phản đối và đề nghị Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) đưa ra quyết định đúng đắn nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.

Tuy nhiên, sau đó 1 tháng (tháng 9/2013), DOC đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuất vào Mỹ giai đoạn từ đầu năm 2011 đến đầu 2012 với mức 0%. Cũng trong tháng này, ITC cũng phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp của DOC đối với tôm Việt Nam và 6 nước khác trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Minh Phú cho biết, dù thời điểm 2011-2012 được áp thuế 0% nhưng thời gian tới làm việc với thị trường Mỹ cũng vẫn rất khó đoán.

Tuy nhiên, Minh Phú cũng sẽ cố gắng hết sức để chứng minh không được trợ cấp và bán phá giá để tiếp tục hưởng mức thuế 0%”, ông chủ Minh Phú chia sẻ.

Với thị trường Mỹ nhiều rào cản, MPC dường như đã có chiến lược mở rộng thị trường để tránh rủi ro bằng cách bán hơn 30% vốn Minh Phú Hậu Giang cho Mitsui (một tập đoàn đa ngành lớn tại Nhật, hoạt động chủ yếu trong ngành năng lượng, thực phẩm, hóa học, hệ thống vận tải, tài chính…). Ngoài ra, MPC cũng sẽ phát hành thêm cổ phần cho đối một đối tác nữa để huy động vốn. Để đảm bảo kế hoạch “kết duyên” với đối tác ngoại thành công, MPC đã quyết định hủy niêm yết trên HOSE. Một quyết định khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng và tiếc nuối bởi MPC là doanh nghiệp nhiều tiềm năng. Công ty đặt kế hoạch vào năm 2020 xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tuy nhiên nếu việc huy động vốn nhanh và sớm thành công thì chỉ tiêu đó sẽ được thực hiện vào năm 2016.

Trên thị trường, giá cổ phiếu MPC trong năm qua giảm khá mạnh từ mức 31,400 đồng hồi đầu năm lao xuống còn 24,000 đồng vào cuối năm.

Biến động giá cp MPC trong vòng 1 năm qua

DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Cũng là một doanh nghiệp ngành Tôm đang niêm yết trên HOSE, nhưng Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) chưa bị “liệt” vào danh sách chống bán phá giá và đang hoạt động khá thuận lợi khi có ông lớn Thủy sản Hùng Vương (HOSE: HVG) “đỡ đầu”. Cụ thể, trong năm 2013, tổng sản lượng tôm chế biến của FMC đạt hơn 8,700 tấn, nông sản 551 tấn; doanh số tiêu thụ chung 103 triệu USD, trong đó tôm chiếm 101 triệu USD đều vượt xa kế hoạch. Riêng sản lượng nuôi tôm đạt 565 tấn. Điều này có nghĩa là cả chế biến tôm, nông sản và nuôi tôm của FMC đều có lãi. Và theo kế hoạch, HVG sẽ tiếp tục bơm vốn cho FMC để mở rộng vùng nuôi tôm và trại giống trong thời gian tới. FMC cũng sẽ bổ sung một xưởng chế biến tôm chuyên sản xuất cung ứng tới thị trường Hoa Kỳ.

Những yếu tố thuận lợi trên khiến giá cổ phiếu FMC leo lên mốc 2 con số so với hồi đầu năm chỉ hơn 9,000 đồng/cp.

Biến động giá cp FMC trong năm qua

DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Khác với MPC và FMC, Chế biến thủy sản & XNK Cà Mau (HOSE: CMX) dường như đang khá lao đao khi lợi nhuận 9 tháng chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch. Công ty này cũng vừa có quyết định giải thể Camimex Kiên Giang.

Cá tra, cá basa gặp khó

Với việc chọn Indonesia làm nước để căn cứ tính toán, tháng 3/2013, DOC quyết định áp mức thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ giai đoạn tháng 8/2010 đến tháng 7/2011, tăng khá mạnh so với POR7. Theo đó, HVG chịu mức 0.77 USD/kg, Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) là 0.19 USD/kg, Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD) là 0.77 USD/kg, Việt An (HOSE: AVF) tới 1.34 USD/kg… Riêng Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) chỉ 0.02 USD/kg.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 9/2013, DOC lại có quyết định sơ bộ POR9 cho giai đoạn từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2012 với hai công ty có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ là VHC là 0.42 USD/kg, còn HVG tới 2.15 USD/kg bao gồm cả AGF. Phán quyết cuối cùng sẽ được ban hành vào tháng 3/2014 nhưng cũng khiến các doanh nghiệp như ngồi trên lửa.

Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 12/2013, khi được hỏi về việc HVG và AGF đã có định hướng gì khi phải chịu mức thuế cao xuất khẩu vào Mỹ thì ông chủ HVG cho biết cũng chỉ biết chờ phán quyết cuối cùng và tìm hướng dịch chuyển dần sang thị trường mới. Điển hình là việc chào bán tối đa 30 triệu cp cho đối tác Singapore là Tael Two Partners và Tael Management để dễ dàng thâm nhập vào nước này. Ngoài ra, công ty cũng đang khảo sát thị trường Indonesia, chờ điều kiện nhập khẩu thuận lợi từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, HVG cũng tìm cách “bán buôn” các loại hàng hóa của Việt Nam sang 16 chợ tại Mỹ bằng cách đầu tư chiếm từ 30-51% cổ phần tại chợ này.

Với kế hoạch 2013, HVG dự kiến đạt 12,000 tỷ đồng về doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 500 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch.

Biến động giá cp HVG trong năm qua

DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Đối với VHC, doanh nghiệp này chỉ lên tiếng “trấn an” cổ đông số liệu tài chính sẽ không bị ảnh hưởng sau khi POR8 được công bố. Theo VHC, POR8 ở mức 0.19 USD/kg tương đương khoảng 3 triệu USD, trong khi đó lần POR6, 7 công ty được hoàn lại khoảng hơn 3 triệu USD nhưng vẫn chưa nhận. Do đó POR8 sẽ không ảnh hưởng đến số liệu tài chính của VHC.

VHC cũng cho biết, từ tháng 4/2013, VHC phải tạm đóng mức thuế 0.19 USD/kg khi xuất hàng vào Mỹ. Đây là khoản bảo hiểm rủi ro về thuế chống phá giá nếu có phát sinh trong tương lai.

Theo số liệu gần nhất, 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của VHC đạt hơn 163 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2012. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra là 140 triệu USD, bột và mỡ cá khoảng 17 triệu USD, gạo là 6 triệu USD.

Đến thời điểm này chưa thấy VHC “nhắm” đối tác ngoại nào như MPC và HVG.

Biến động giá cp VHC trong năm qua

DNNY ngành Thủy sản: 1 năm nhiều lao đao

Với Nam Việt (HOSE: ANV), đầu năm công ty này đặt kế hoạch khá “sốc” với tổng doanh thu 2,297 tỷ đồng và lãi trước thuế 106 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng ANV mới thực hiện được 24 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch.

Minh An