ACBS: Sản phẩm phái sinh và nới room sẽ giúp thị trường phát triển mạnh hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 10:13, 15/01/2014

Ông Phạm Phú Khôi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng 2 điểm trọng tâm mà thị trường đang kỳ vọng về năm 2014 là sản phẩm phái sinh và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hai yếu tố này sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển mạnh hơn.

ACBS: Sản phẩm phái sinh và nới room sẽ giúp thị trường phát triển mạnh hơn

Ông Phạm Phú Khôi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)

Theo ông, các chính sách trên TTCK trong năm 2013 có đạt như kỳ vọng của nhà đầu tư không? Ông kỳ vọng đâu sẽ là những điểm sáng về chính sách trên TTCK cho năm 2014?

Ông Phạm Phú Khôi: Năm 2013 là năm thắng lợi của chính sách tiền tệ hợp lý. Tốc độ tăng trưởng chậm, lãi suất giảm đáng kể từ 10% xuống 7% trong bối cảnh kinh tế Mỹ và Châu Âu hồi phục nhanh hơn dự đoán nhưng tỷ giá VNĐ so với USD ổn định là môi trường rất tốt để gây dựng lòng tin cho nhà đầu tư nội địa và quốc tế vào TTCK Việt nam.

Ngoài điểm sáng đó, thị trường chuyển đổi quá chậm, chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư. Các sản phẩm phái sinh như "mua bán tương lai (future)", quyền chọn mua/bán (coverred warrant)"... đã được đề cập từ cuối năm 2012 nhưng chưa ra đời, và cũng chưa có thời điểm xác định để ra thị trường. Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành cổ phiếu không quyền biểu quyết cũng chưa được quyết định.

Năm 2014, thị trường kỳ vọng vào những chính sách cởi mở của chính phủ để TTCK có cơ hội phát triển mạnh hơn. Đặc biệt là 2 điểm trọng tâm mà thị trường đang kỳ vọng nói trên là sản phẩm phái sinh và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hai yếu tố này sẽ giúp giá trị giao dịch của thị trường tăng đáng kể, tạo thanh khoản tốt và sẽ thu hút được nhiều vốn ngoại đổ vào TTCK.

Ngoài ra quy định mới về Niêm yết bắt buộc đối với các công ty đại chúng cũng sẽ là yếu tố tích cực làm cho thị trường sôi động hơn do có thêm nhiều hàng hóa để giao dịch.

Những rào cản lớn trong việc hút vốn vào TTCK hiện nay là gì, thưa ông? Vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất là gì?

Hiện nay dòng vốn ngoại đóng vai trò rất quan trọng trên TTCK. Những điểm bất lợi chính là:

1. Rủi ro cao và khó quản lý: TTCK Việt Nam đã có lịch sử 14 năm phát triển nhưng tầm cỡ vẫn đang ở cấp thị trường non trẻ và đơn giản. Sản phẩm trên thị trường bị quản lý chặt bởi Ủy ban chứng khoán (UBCK) nên không có cơ hội để các CTCK phát triển các tiện ích cho nhà đầu tư (NĐT). Các NĐT chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua hay không mua. Các NĐT có tổ chức giao dịch với khối lượng lớn phải chịu quá nhiều rủi ro và khó kiểm soát.

Ngoài hai rủi ro chính mà NĐT phải chịu khi đầu tư vào TTCK Việt nam là Tỷ giá (FX) và Giá trị doanh nghiệp (fundamental), rủi ro về thanh khoản cũng quá lớn. Do không có sản phẩm phái sinh nên NĐT không có công cụ để quản lý rủi ro khi cần chốt lời hoặc cắt lỗ.

2. Ít hàng hóa tốt : Các cổ phiếu tốt có giá trị lâu dài trên TTCK không nhiều. Đa số những cổ phiết đó đều hết room cho khối ngoại.

Ông dự báo gì về TTCK năm 2014, thưa ông?

TTCK năm 2014 vẫn sẽ tăng nhưng sẽ có nhiều biến động. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, lãi suất khả năng tiếp tục giảm và lạm phát thấp là những yếu tố tích cực cho TTCK.

Sự phục hồi của kinh tế Mỹ và Châu Âu đi cùng với tăng lãi suất tiền USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ là yếu tố không thuận lợi cho các thị trường mới nổi - Emerging markets - trong đó có Việt Nam. Dòng vốn ngoại có thể sẽ tiếp tục rút khỏi các thị trường mới nổi và sẽ tạo những biến động bất ổn. Ngược lại nguồn nội lực của Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong năm 2014.

Thị trường Vàng kém hấp dẫn với rủi ro giảm giá cao. Thị trường Bất động sản chưa có cơ hội lên giá. Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm. Do vậy TTCK là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2014.

Về quá trình thực hiện tái cơ cấu của các Công ty chứng khoán (CTCK) trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào? Riêng bản thân ACBS thì sao?

Quá trình tái cơ cấu các CTCK năm qua là cần thiết và sự vận động tự nhiên của thị trường cũng sẽ buộc các CTCK phải tự tái cơ cấu. Các công ty nhỏ, yếu kém về nghiệp vụ sẽ lần lượt rời sân chơi và thị trường sẽ tập trung vào khoảng không quá 20 CTCK lớn, chuyên nghiệp.

ACBS do đặc thù là CTCK của ngân hàng nên đã thực hiện từ khi thành lập, trước cả khi UBCK yêu cầu, cơ chế quản lý tiền của NĐT đều tại tài khoản của ngân hàng. Các tiêu chí khác về quản lý rủi ro, đầu tư, tự doanh, quản lý vận hành... cũng đã được triển khai sớm hơn yêu cầu.

Là công ty gặp khá nhiều sự cố trong vài năm gần đây, kể cả ảnh hưởng từ công ty mẹ lẫn bản thân ACBS. Tình hình khách hàng tại ACBS có biến động gì trong năm qua không?

Mặc dù gặp nhiều sự cố trong năm qua nhưng ACBS vẫn giữ được vị trí số 3 trên tổng giá trị giao dịch của toàn TTCK năm 2013. Điều này khẳng định được giá trị của thương hiệu ACB/ACBS và tính trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Mặc dù có sự sụt giảm vào đầu năm, chất lượng dịch vụ với đội ngũ nhân viên ACBS lành nghề thân thiện và trung thực đã khôi phục lại được niềm tin của khách hàng và khách hàng đã quay trở về ACBS.

ACBS đã có những quyết định cơ bản về đầu tư để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đặc biệt là mảng công nghệ thông tin cả phần cứng và phần mềm. Năm 2014, chất lượng dịch vụ của ACBS sẽ tiếp tục được nâng cao và chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục thắng lợi trong việc củng cố lòng tin của khách hàng cả cũ và mới.

Xin cám ơn ông!

Sanh Tín thực hiện