PGS. TS. Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương: TAND có vị trí, vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền XHCN

Chính trị - Ngày đăng : 09:21, 12/09/2014

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng và sự thể chế hóa Cương lĩnh đó trong Hiến pháp 2013...

Trong đó đã đề cập đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương về vấn đề này.

PV: Bản chất, phạm vi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa như thế nào trong việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước ta, thưa ông?

PGS. TS. Trần Văn Độ: Điều 2 Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực là thống nhất, thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Lần đầu tiên ở nước ta, Hiến pháp 2013 xác định rõ: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp (Điều 69), Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Điều 94) và TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Mỗi cơ quan được Hiến pháp quy định phân công thực hiện một loại quyền lực khác nhau với chức năng minh bạch, rõ ràng.

Ngoài sự phân công, Hiến pháp cũng khẳng định yêu cầu phối hợp trong tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, sự phối hợp là cần thiết để bảo đảm cho mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp không được tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Sự minh bạch, rạch ròi trong phân công thực hiện quyền lực Nhà nước, sự phối hợp ở mức độ cần thiết là bảo đảm quan trọng cho việc kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

PGS. TS. Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương: TAND có vị trí, vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền XHCN

PGS. TS Trần Văn Độ

Vì vậy, có thể nói, để tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp 2013, việc thống nhất nhận thức về bản chất cũng như phạm vi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước.

PV: Vậy vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần được xác định như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Trần Văn Độ: Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa các nội dung còn giá trị của các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ngay trong Điều 2, Hiến pháp đã khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Với quy định này và các quy định khác có liên quan, Hiến pháp 2013 không chỉ nói rõ, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, TAND thực hiện quyền tư pháp, mà còn hiến định nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là lần đầu tiên, TAND được coi là chủ thể thực hiện một nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy Nhà nước của nước ta.

PV: Thưa ông, Điều 102 Hiến pháp quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, chức năng này của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền được hiểu như thế nào cho phù hợp?

PGS. TS. Trần Văn Độ: Mặc dù có thể còn có những ý kiến ít nhiều khác nhau, nhưng theo chúng tôi, tinh thần của Hiến pháp đã thể hiện rõ ràng quyền tư pháp đồng nghĩa với quyền xét xử của TAND. Quyền tư pháp, chức năng xét xử của TAND thể hiện ở chỗ: TAND là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của Nhà nước pháp quyền.

Quyền con người là quyền thiêng liêng, quan trọng nhất đối với con người, do Hiến pháp quy định và thực hiện trực tiếp mà không cần thông qua luật định. Vì vậy, TAND là cơ quan phán quyết duy nhất phán quyết những vấn đề về quyền con người (như tuyên bố một người đã chết, xác định cha, mẹ cho con, tuyên bố tước, hạn chế tự do, áp dụng các hình phạt liên quan đến quyền con người…).

Khác với việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, các hoạt động nêu trên của TAND được thực hiện theo một thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, vô tư, khách quan, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và mang tính độc lập tuyệt đối.

Bằng các quy định như trên, về thực chất, có thể hiểu, tư pháp chính là xét xử; thực hiện chức năng xét xử chính là thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử trong các hoạt động tư pháp.

PV: Vậy, việc kiểm soát của cơ quan tư pháp (Tòa án) đối với cơ quan lập pháp, hành pháp sẽ phải được thực hiện như thế nào?

PGS. TS. Trần Văn Độ: Theo quy định của Hiến pháp, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, TAND có quyền kiểm soát các cơ quan khác trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp. Theo chúng tôi, phạm vi kiểm soát của Tòa án thể hiện cơ bản trong các điểm sau đây:

Đối với hoạt động lập pháp, thông qua hoạt động xét xử của mình, Tòa án phải có quyền: Phán quyết tính hợp hiến của các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, của các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ chế phán quyết đó có thể là bằng Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp hoặc bằng một cơ chế hữu hiệu, khả thi khác phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia; giải thích luật, pháp lệnh. Luật, pháp lệnh được ban hành có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Đặc trưng của việc giải thích luật của Tòa án thể hiện ở chỗ việc giải thích đó thông qua các phán quyết cụ thể có hiệu lực pháp luật (án lệ), thông qua các văn bản của cơ quan xét xử cao nhất (như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) và thông qua các biện pháp bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khác.

Đối với hoạt động hành pháp, trước hết, TAND thụ lý, giải quyết các khiếu kiện hành chính, phán quyết về các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử hành chính của TAND là xu thế tất yếu của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, TAND phán quyết về các vi phạm pháp luật mà cơ quan hành pháp, khi thực hiện chức năng thi hành luật, phát hiện và truy cứu ra trước Tòa án để Tòa án phán quyết có vi phạm pháp luật hay không và biện pháp chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đó.

PV: Để hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp thực sự có hiệu lực, hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Trần Văn Độ: Theo tôi, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án, hoạt động tố tụng tư pháp cũng như các thẩm quyền khác của Tòa án cần được tiến hành theo các hướng chính sau đây:

Mở rộng thẩm quyền của Tòa án, giao cho TAND thẩm quyền phán quyết về mọi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; đặc biệt là thẩm quyền xử lý, xử phạt hành chính.

Để thực hiện được nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp, cần có các quy định cho phép TAND thực hiện việc kiểm soát các hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp. Nếu các chủ thể thực hiện quyền lập pháp, hành pháp được thực hiện quyền của mình đối với bất cứ lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nào của đất nước cũng không nên có “vùng cấm” trong việc thực hiện quyền tư pháp. Việc chỉ cho phép TAND xem xét lại các quyết định cá biệt của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước là chưa đủ. Cần luật định một cách cụ thể, rõ ràng cơ chế bảo vệ Hiến pháp đã được quy định tại khoản 2 Điều 119 Hiến pháp 2013 theo hướng, giao cho Tòa án thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp các văn bản quy phạm pháp luật.

Với thực tiễn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong thời gian qua, đồng thời với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao cho TANDTC thẩm quyền giải thích luật là hợp lý. Khi cần ban hành văn bản liên tịch giữa TAND với các cơ quan hành pháp, chủ thể phối hợp soạn thảo, ký kết phải là Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không nên là các Bộ, ngành như quy định hiện hành.

Đồng thời, ngoài giải thích luật, TANDTC cần có thẩm quyền sử dụng các biện pháp khác nhau để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như phát triển án lệ; tổng kết thực tiễn xét xử; ban hành văn bản giải đáp vướng mắc, thống nhất nhận thức về luật áp dụng trong xét xử của các TAND…

Các kiến nghị trên cần nghiêm túc nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng các dự án luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013, nhất là các Luật về tổ chức và hoạt động của TAND, VKSND; các luật, bộ luật tố tụng tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

Quốc Huy (thực hiện)