FCM: Triển vọng tiếp tục khả quan nhờ các hợp đồng lớn của FCN?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:56, 03/01/2014

Nhiều khả năng kết quả kinh doanh của FCM sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới nhờ hưởng lợi khi FCN vẫn còn hợp đồng thực hiện các dự án lớn.

Doanh thu 9T/2013 tăng đột biến giúp cho LNST cải thiện

Doanh thu 9T/2013 của CTCP Khoáng sản FECON (HOSE: FCM) theo BCTC hợp nhất công bố đạt 253.6 tỷ đồng, tăng mạnh tới 2.1 lần so với giai đoạn 9T/2012. Lợi nhuận gộp của FCM đạt 81.4 tỷ đồng, gấp 2.9 lần so với cùng kỳ 2012; giúp tỷ suất lợi nhuận gộp lên mức 32% so với 23% trong 9T/2012.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng bất ngờ tăng mạnh tới 4.4 lần so với cùng kỳ 2012 lên mức 36.2 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng tăng mạnh tới 56% lên 7.8 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu tăng mạnh đã giúp cho lợi nhuận sau thuế đạt 16.4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2012 lỗ 166 triệu đồng. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra đầu năm 2013 là 96 tỷ đồng thì FCM chỉ mới đạt được 17% kế hoạch. Cuối tháng 10, FCM đã có chủ trương lấy ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013.

Cung cấp tín dụng trở lại cho FCN, tiền mặt chỉ còn 23 tỷ đồng

FCM đang có chủ trương hoàn trả các khoản vay dài hạn nhưng tăng cường vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu vốn lưu động. Cụ thể, khoản mục nợ ngắn hạn của FCM vào cuối quý 3/2013 đã tăng mạnh 54% (32 tỷ đồng) so với đầu năm lên gần 91 tỷ đồng; trong khi vay nợ dài hạn giảm gần 30 tỷ đồng xuống 91.5 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 24.6%.

Tổng cộng khoản vay phải trả lãi đến cuối quý 3 đạt 182.5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 180.5 tỷ đồng vào đầu năm.

Việc FCM tăng cường vay ngắn hạn nhiều khả năng là do công ty đang thiếu hụt vốn lưu động khá lớn. Có thể thấy rõ điều này khi dòng tiền hoạt động kinh doanh của FCM âm hơn 94 tỷ đồng trong 9T/2013; trong khi cùng kỳ năm trước, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương 34.5 tỷ đồng.

FCM thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh xuất phát từ việc công ty này đã đẩy mạnh bán chịu và tăng cường đầu tư vào hàng tồn kho. Cụ thể, khoản phải thu khách hàng của FCM tăng gần 91 tỷ đồng so với đầu năm 2013 (số dư 184.5 tỷ đồng) và hàng tồn kho cũng tăng mạnh tới 49 tỷ đồng (103.7 tỷ đồng).

Đáng lưu ý là khách hàng mà FCM bán chịu nhiều nhất trong kỳ đó là CTCP Kỹ Thuật Nền Móng & Công Trình Ngầm FECON (HOSE: FCN), công ty đang nắm giữ 36% vốn của FCM. Theo công bố giao dịch liên quan, khoản phải thu của FCN đạt 178.1 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 2 lần so với đầu năm và chiếm tới 91% tổng khoản phải thu của FCM. Việc cung cấp tín dụng cho FCN đã khiến cho tiền mặt của FCM chỉ còn vỏn vẹn 23.1 tỷ đồng.

Như vậy, rõ ràng hoạt động kinh doanh của FCM tăng đột biến trong kỳ phần lớn là nhờ cung cấp sản phẩm (cọc bê tông dự ứng lực) cho FCN. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi trong bản cáo bạch, công ty này cũng cho biết khoảng 90% sản phẩm sẽ cung cấp cho FCN.

Thông tin đáng chú ý là FCN cũng có kết quả khả quan trong 9T/2013 khi lợi nhuận sau thuế đạt 68.3 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của FCN, việc kết quả kinh doanh khả quan là do công ty hoàn thành đúng tiến độ các hạng mục dự án lớn như ”Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2”, Tổ hợp siêu dự án Formosa Hà Tĩnh..

Triển vọng tiếp tục khả quan nhờ các hợp đồng của FCN?

Tháng 6/2013, FCN công bố thông tin trên website rằng FCN và công ty liên kết FCM đã được chấp thuận nguyên tắc cung cấp và thi công khoảng 60% khối lượng cọc cho hạng mục cung cấp cọc xử lý móng cho Dự án xây dựng nhà máy Samsung. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho hạng mục nền móng của dự án này là 1,500 tỷ đồng.

Sau đó trong tháng 7, FCN tiếp tục công bố được Samsung Everland Inc. – nhà thầu chính thứ hai của dự án Samsung chấp thuận chọn là nhà thầu gói thầu khoan dẫn và thi công cọc PHC 500A cho hạng mục xây dựng khu nhà ở chuyên gia SEVT Yen Binh Dormittory. Giá trị hợp đồng ước tính của giai đoạn 1 trên 20 tỷ đồng với tiến độ cam kết từ 22/7 đến hết 31/8. Đây là hạng mục xây dựng chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 9 tòa nhà cao 6-10 tầng, có diện tích 1,800 m2/tòa, dành chỗ ở cho khoảng 3,000 nhân viên của SEV.

Như vậy, hai trong số ba nhà thầu chính của dự án Samsung Thái Nguyên đã chọn FCN là nhà thầu cung cấp và thi công cọc cho các hạng mục của dự án. Nhiều khả năng kết quả kinh doanh của FCM sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới nhờ hưởng lợi khi FCN vẫn còn hợp đồng thực hiện các dự án lớn.

Tính từ ngày 11/12 đến nay, giá cổ phiếu FCM đã tăng mạnh 23.3% từ mức 8,600 đồng/cp (11/12) lên đến 10,600 đồng/cp (26/12).

Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của FCM trong giai đoạn này đạt 715,586 đơn vị, tăng 65% so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 434,916 đơn vị.

Biểu đồ giao dịch của FCM từ ngày 01/07-26/12 (Nguồn: VietstockFinance)

FCM: Triển vọng tiếp tục khả quan nhờ các hợp đồng lớn của FCN?

Hữu Trọng