Xây dựng – Bất động sản 2014: 3 yếu tố giúp tránh “đổ vỡ”

Kinh tế - Ngày đăng : 09:20, 03/01/2014

Giới chuyên gia nhận định ngành Xây dựng- Bất động sản sẽ tiếp tục đối diện khó khăn trong năm 2014. Tuy vậy, vẫn tồn tại những kỳ vọng giúp ngành này vượt khó.

Doanh thu và Lợi nhuận đang biến động trái chiều

Tổng doanh thu của ngành xây dựng và bất động sản trong 9T/2013, theo thống kê của Vietstock, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước với mức tăng trưởng 37.5% đạt 74,286 tỷ đồng. Trong đó, VIC đứng đầu bảng doanh thu với 11,601 tỷ đồng trong 9T/2013, tiếp theo là VCG với 8,423 tỷ đồng, CTD với 3,763 tỷ đồng và PVX với 3,426 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của ngành cũng có bước đột phá khi tăng mạnh hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt 6,686 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu loại bỏ doanh thu đột biến từ VIC thì kết quả lợi nhuận của ngành không thực sự tích cực khi chỉ đạt 752 tỷ đồng và sụt giảm gần 9% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận thực tế lại không mấy khả quan chủ yếu xuất phát từ:

(i) Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên tổng doanh thu gia tăng. Trong bối cảnh thị trường năm 2013 thì nhiều khả năng: (1) Do ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá nhiên liệu (điện, xăng); (2) Giảm giá bán để kích thích tiêu thụ trong hoàn cảnh khó khăn, (3) Cũng có thể do việc chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản sang xây dựng đã diễn ra ở nhiều công ty trong năm qua.

(ii) Chi phí lãi vay gia tăng. Tổng chi phí lãi vay của ngành vẫn gia tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến khoản thu nhập tài chính. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay của ngành trong 9T/2013 là 5,280 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 4,348 tỷ đồng.

Việc lãi suất đi vay giảm xuống nhưng chi phí lãi vay của ngành vẫn gia tăng xuất phát từ việc tổng giá trị vay nợ của ngành (ngắn hạn và dài hạn) tại thời điểm cuối tháng 9/2013 vẫn đứng ở mức cao hơn 218 ngàn tỷ đồng, tăng khá mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 176 ngàn tỷ đồng.

10 DN Bất động sản - Xây dựng có doanh thu lớn nhất trong 9T/2013

Xây dựng – Bất động sản 2014: 3 yếu tố giúp tránh “đổ vỡ”

Hàng tồn kho bắt đầu sụt giảm nhưng dự phòng cũng tăng lên. So với thời điểm đầu năm thì lượng hàng tồn kho của ngành tính đến cuối tháng 9/2013 đã giảm được hơn 400 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khá tích cực; tuy nhiên nếu so với tổng giá trị hàng tồn kho của toàn ngành với gần 114,371 tỷ đồng thì mức giảm này là không đáng kể.

Tuy cải thiện về tổng giá trị hàng tồn kho nhưng khoản dự phòng của khoản mục này đã gia tăng đáng kể từ mức 328 tỷ đồng đầu năm lên 847 tỷ đồng.

Áp lực trả nợ ngắn hạn cao. Tổng giá trị nợ vay của ngành tính đến cuối tháng 9/2013 là 218,388 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 222,437 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2013.

Nợ vay của ngành vẫn đang tập trung chủ yếu ở khoản nợ vay ngắn hạn với gần 152,691 tỷ đồng chiếm gần 70% tổng nợ vay; trong khi đó nợ vay dài hạn chỉ có 65,757 tỷ đông. Như vậy, có thể áp lực trả nợ gốc của ngành vẫn đang đứng ở mức cao.

Nỗi lo về áp lực trả nợ của ngành có thể sẽ giảm bớt phần nào khi hoạt động mua lại nợ xấu của VAMC đang diễn ra khá nhanh trong thời gian qua.

Năm 2014: 3 yếu tố giúp ngành Bất động sản – Xây dựng tránh “đổ vỡ”

Năm 2014, nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định diễn biến kinh doanh của ngành vẫn sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi: (1) Nhu cầu mua nhà của người dân vẫn sẽ đứng ở mức thấp do thu nhập chưa có sự khởi sắc, trong khi áp lực tăng chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao, và niềm tin vào các doanh nghiệp bất động sản giảm sút; (2) Cạnh tranh của các dự án nhà giá rẻ tăng cao hơn khi nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đang đổ xô phát triển những dự án này khiến nguồn cung tăng cao.

Với nhận định triển vọng mảng bất động sản không mấy khởi sắc, thì rõ ràng hoạt động xây dựng trong năm 2014 cũng khó có thể “hồng hào” theo. Kỳ vọng của mảng xây dựng trong năm 2014 có lẽ sẽ tập trung vào những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khi nền kinh tế dần hồi phục sẽ kích thích hoạt động đầu tư ở lĩnh vực này.

Những điểm sáng giúp giới đầu tư hy vọng để ngành Bất động sản – Xây dựng hồi phục trở lại, hay ít nhất là không “đổ vỡ”, gồm có:

Gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng hoạt động mạnh mẽ hơn. Mặc dù gói hỗ trợ này đã được triển khai trong suốt năm 2013 nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả. Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 30/11, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1,256 khách hàng với tổng số tiền 1,562 tỷ đồng, và giải ngân gói 30,000 tỷ đồng này chưa đạt 2% tổng nguồn vốn.

Hiện Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đang thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy gói hỗ trợ này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kỳ vọng từ hoạt động mua bán nợ của VAMC. Cuối năm 2013, VAMC đã tích cực triển khai việc mua nợ xấu tại nhiều ngân hàng. Được biết trong năm 2014, VAMC sẽ bắt đầu triển khai việc xử lý số nợ xấu mua được, trong đó có việc xem xét bán nợ xấu. Hiện có nhiều tổ chức nước ngoài đang muốn mua lại những khoản nợ xấu này từ VAMC.

Với 2/3 nợ xấu được mua liên quan đến bất động sản thì việc bán thành công các khoản nợ xấu này cho thấy: (1) Các tổ chức nước ngoài cũng đang kỳ vọng vào sự hồi phục trở lại của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai gần; (2) Giúp thu hút nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản; (3) Giúp nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong nước, đây được coi là yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản.

Người nước ngoài sẽ được mua nhà? Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ bàn thảo trong phiên họp về xây dựng pháp luật ngày 25/12/2013. Theo đó, Thủ tướng đồng ý xem xét mở quy định cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam theo hạn định. Mặc dù chưa được thông qua nhưng đây rõ ràng là thông tin khá tích cực cho ngành, khi giúp gia tăng nhu cầu thị trường cũng như khuyến khích dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Duy Nam