Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: DIG - TCT Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển XD
Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 31/12/2013
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Nhóm MA dài hạn đang đi lên. DIG đã vượt qua và phá vỡ hoàn toàn nhóm MA dài hạn (SMA 100, SMA 200…) trong giai đoạn tháng 10/2012. Đây là tín hiệu quan trọng cho thấy xu hướng dài hạn đã chuyển sang tăng trưởng.
Nhóm này hiện vẫn đang trong quá trình đi lên khá mạnh và duy trì trong vùng 10,000 – 11,200. Dự kiến vùng này sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh nếu giá giảm trở lại.
Phá vỡ trendline kháng cự dài hạn. Giá đã nhiều lần thoái lui sau khi chạm vào trendline dài hạn trong quá khứ. Điển hình là giai đoạn tháng 02/2013, tháng 11/2013…
Tuy nhiên, trong đợt bứt phá vào đầu tháng 12/2013 giá đã phá vỡ hoàn toàn trendline kháng cự dài hạn. Vì vậy, xu hướng tăng trưởng dài hạn lại càng được củng cố.
Ngắn hạn: MACD đang trong quá trình đi ngang. Mặc dù chưa hình thành phân kỳ giá xuống nhưng việc MACD đi ngang liên tục trong những tuần gần đây cũng khiến cho giới phân tích lo ngại.
Nếu tình trạng này vẫn kéo dài trong thời gian tới thi nguy cơ MACD cho bán mạnh và phá vỡ ngưỡng zero-base sẽ tăng lên mức cao.
Thanh khoản trồi sụt thất thường. Khối lượng khớp lệnh biến động khá mạnh xoay quanh mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 960,000 đơn vị/phiên).
Điều này cho thấy lực cầu vào DIG không ổn định trong ngắn hạn. Nếu điều này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì nguy cơ điều chỉnh sẽ lớn dần.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 7,600
• Ngưỡng 23.6% : 9,500
• Ngưỡng 38.2% : 10,700
• Ngưỡng 50.0% : 11,700
• Ngưỡng 61.8% : 12,600
• Ngưỡng 100.0%: 15,900
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã xác lập xu hướng tăng trưởng dài hạn nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào nếu giá test lại ngưỡng Fibonacci 61.8% và trendline dài hạn (tương đương vùng 12,000 – 13,000), với quan điểm cắt lỗ nhanh chóng nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng này.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Lợi nhuận từ công ty liên kết “cứu” kết quả kinh doanh 9T/2013. Theo BCTC công bố, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 của DIG đạt 531 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn hàng bán có dấu hiệu tăng mạnh khi tỷ lệ giá vốn/doanh thu trong 9T/2013 chiếm gần 78.7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ ở mức 73.7%. Điều này đã khiến cho lợi nhuận gộp của DIG chỉ còn 113 tỷ đồng, giảm 22.5% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp 21%.
Doanh thu tài chính giảm nhưng chi phí tài chính lại gia tăng khá mạnh. Doanh thu tài chính của DIG chỉ còn 10.9 tỷ đồng trong 9T/2013, trong khi cùng kỳ đạt 28.3 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm chủ yếu do thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay sụt giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí tài chính trong kỳ lại tăng từ 16.4 tỷ đồng lên 21.3 tỷ đồng. DIG đã mất đi khoản hoàn nhập dự phòng tài chính có được trong năm trước, nhưng điểm tích cực là chi phí lãi vay đã giảm hơn 34.4% so với cùng kỳ, chỉ ở mức 21.5 tỷ đồng.
Điểm cộng cho hoạt động kinh doanh trong kỳ của DIG đó là việc cắt giảm chi phí quản lý thành công. Theo đó, chi phí quản lý trong 9T/2013 đã giảm 11.2% so với cùng kỳ về mức 46.3 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này không thể giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của DIG thoát khỏi thua lỗ khi âm gần 0.5 tỷ đồng.
Nhờ vào khoản lợi nhuận khác đạt 5.7 tỷ đồng cùng lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết đạt 18.9 tỷ đồng đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của DIG đạt 24.8 tỷ đồng, giảm 43.7% so với 9T/2012 và chỉ thực hiện được hơn 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm (88 tỷ đồng).
Khoản phải thu lớn từ các công ty liên quan vẫn chưa được thu hồi – Trích lập dự phòng thấp. Tổng giá trị khoản mục phải thu ngắn hạn vào cuối tháng 9/2013 của DIG hơn 1,090 tỷ đồng (dự phòng chỉ vỏn vẹn 0.9 tỷ đồng), giảm nhẹ so với mức 1,177 tỷ đồng vào đầu năm và chiếm 23.2% tổng tài sản.
Đáng chú ý nhất là khoản phải thu các bên liên quan với gần 470 tỷ đồng, chiếm 43% tổng khoản mục phải thu khách hàng; lớn nhất là khoản phải thu ở CTCP Vina Đại Phước với 253 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Việt Thiên Lâm với 184.8 tỷ đồng. Đây đều là các khoản phải thu đã nằm trên BCTC của DIG từ năm 2010 đến nay.
Trong BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2012, kiểm toán viên cũng đã lưu ý đến việc DIG chưa trích lập dự phòng với giá trị ước tính khoảng 130 tỷ đồng đối với khoản phải thu tại CTCP Đầu tư Việt Thiên Lâm.
Kế hoạch đầu tư năm 2013 khó thành hiện thực. DIG dự kiến sẽ đầu tư 662.4 tỷ đồng cho các dự án trong năm 2013, tập trung nhiều nhất ở các dự án: Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với kế hoạch vốn đầu tư 160 tỷ đồng, Dự án Khu trung tâm Chí Linh và các dự án thành phần (150.8 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai (124.6 tỷ đồng), Dự án Cao ốc Thủy Tiên, Vũng Tàu (74.2 tỷ đồng)… Trong đó, các dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc và Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cho DIG trong năm 2013.
Nguồn vốn đầu tư dự kiến đến từ việc kinh doanh các dự án, thoái vốn ở một số công ty liên kết và thu hồi khoản phải thu.
Tuy vậy, tính đến hết quý 3/2013, tổng giá trị hàng tồn kho của DIG là 1,952 tỷ đồng, chỉ tăng thêm 49 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 1,917 tỷ đồng, tăng thêm 197 tỷ đồng so với đầu năm.
Như vậy, nhiều khả năng DIG khó hoàn thành được mục tiêu theo kế hoạch đầu tư trong năm đặt ra trước đây. Rất có thể những khó khăn ở thị trường bất động sản cũng như việc chậm thu hồi được các khoản phải thu đã khiến DIG không thể hiện thực hóa kế hoạch đầu tư này.
Đẩy mạnh thoái vốn ở các công ty liên kết, công ty con. Từ đầu năm đến nay, DIG đã tích cực thoái vốn ở một số công ty liên kết như DID, Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng Phước An, CTCP Gạch men Anh Em DIC, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Khoáng sản Miền Trung (DIC Micen), và gần nhất là chuyển 20% vốn góp tại Công ty TNHH J&D Đại An cho thành viên góp vốn còn lại là Công ty TNHH Jeongsan Vina, tương ứng khoảng 2 triệu USD.
Giao dịch và Định giá. Thị trường bất động sản không mấy khả quan đã khiến kết quả kinh doanh của DIG không thuận lợi. Tuy vậy, với việc sở hữu nhiều dự án án lớn và một số dự án đã bắt đầu đi vào khai thác giúp thu hút dòng tiền trên thị trường (kể cả khối ngoại) tiếp tục chảy vào cổ phiếu này. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình 52 tuần đạt hơn 524 ngànđơn vị và đang có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu DIG hiện đang giao dịch ở mức P/E 312.7 lần và P/B 0.57 lần.
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh (Phòng Nghiên cứu Vietstock)