Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Chính trị - Ngày đăng : 08:41, 12/09/2014
Cần, kiệm, liêm, chính
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều lời dạy quý báu cho cán bộ, đảng viên. Nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạng đến các phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ”. Riêng đối với cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tiêu chí “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư ”. Những tiêu chí đạo đức trên đây có mối quan hệ vừa tương đồng, vừa bổ sung cho nhau.
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất mà Nho giáo đặt ra cho người quân tử. Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa tinh hoa trí tuệ nhân loại đã sử dụng những tiêu chí này với những nội hàm mới để giáo dục đội ngũ cán bộ cách mạng. Người nói: “Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời. Thiếu một phương không thành đất. Thiếu một đức không thành người”. Dẫn chiếu quy luật của thiên nhiên để nói về bốn đức tính của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định tính tất yếu, không thể không có của những phẩm chất này đối với con người chân chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hẳn một cuốn sách giải thích rõ những tiêu chí này với bút danh Lê Quyết Thắng (1949). Theo đó, “cần” không chỉ là cần cù, siêng năng mà còn phải biết làm việc theo kế hoạch, có sự phân công, tính toán khoa học, lao động có năng suất cao, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo, đạt hiệu quả tốt nhất. “Kiệm” là không xa xỉ, hoang phí cả tiền bạc lẫn thời gian... “Liêm” là trong sạch, không tham lam, không tham tiền của, địa vị, danh lợi. “Chính” là không dối trá, tà ý, lòng dạ ngay thẳng, đứng đắn. “Chí công vô tư” là hết lòng, hết sức lo cho công việc chung của tập thể, của Đảng, của dân, hết sức về sự công bằng, đặt lợi ích của tập thể, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, riêng tư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới căn bệnh có tên là “cá nhân chủ nghĩa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “ Nâng cao đạo đức, cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cũng phải lưu ý, chủ nghĩa cá nhân là thứ chủ nghĩa đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, bất chấp lợi ích chính đáng của tập thể, của cộng đồng và của người khác. Điều này khác với quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Độc lập mà dân không được ấm no, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì”...
Như vậy, từ những tiêu chí của Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào đó nội hàm mới, cụ thể, sát với thực tiễn và giảng giải thật dễ hiểu để mọi người dễ áp dụng. “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những tiêu chuẩn đạo đức đối với tất cả mọi cán bộ cách mạng từ quân đội, công an đến công nhân, trí thức...
“Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”
Riêng với cán bộ Tư pháp, cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những tiêu chí cụ thể hơn, cho đúng với tư cách người làm công tác xét xử, công tác tư pháp. Đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư ”. Đây là ý trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Với cách nói “tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tư pháp, mà không những thế còn phải nêu cao tấm gương thực hiện những tiêu chí đó cho nhân dân noi theo nữa. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết và đòi hỏi ở người cán bộ Tư pháp có phẩm chất cao đến thế nào.
“Phụng công” nghĩa là phụng sự, tôn thờ, đề cao, phục vụ lợi ích công, lẽ công bằng, công lý.
“Thủ pháp” là tuyệt đối tuân thủ pháp luật, với ngôn ngữ ngày nay còn có thể hiểu là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, không áp dụng pháp luật tùy tiện, lách luật, bẻ cong pháp luật.
“Chí công” là hết lòng vì sự công bằng. Người ta hay nói đến công tâm là người có tấm lòng trung chính, không thiên vị, nghiêng lệch.
“Vô tư” là trong lời nói và hành động, trong suy nghĩ không tư lợi, vì lợi ích riêng của mình mà làm việc gian dối, thiếu công minh.
Chỉ với tám chữ cô đọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đội ngũ cán bộ Tư pháp phải là những người luôn công minh, chính trực, đặt lợi ích của nhân dân, của Nhà nước lên trên hết, tuyệt đối tuân thủ các quy định của hiến pháp và pháp luật, với tinh thần khách quan không thiên vị, tư lợi cá nhân.
Cán bộ cũng có thể qua đó mà thấy truyền thống đạo đức của dân tộc đúc kết qua các câu ca dao như:
Thương em anh để trong lòng
Việc quan anh cứ phép công anh làm.
Đó là sự diễn giải thành ngữ “Pháp bất vị thân”. Pháp luật không thiên vị chỗ thân quen, tức là vô tư, công bằng, theo triết lý phương Đông. Ở phương Tây, nữ thần công lý được hình dung là một người cầm cân nhưng bịt mắt với ngụ ý không nhìn thấy lợi ích riêng tư, những đối tượng có thể khiến cho người cầm cân mất đi sự khách quan cần thiết.
Về mối quan hệ giữa “Cần, kiệm, liêm, chính” và “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” ta thấy nó gắn bó mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau mà người cán bộ Tòa án không thể thiếu đức tính nào mới mong có được những bản án nghiêm minh, thấu tình đạt lý như kỳ vọng của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự Đại hội thể dục thể thao quân đội tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội (1959)
Nếu cán bộ Tòa án không cần cù, siêng năng, làm việc có kế hoạch theo sự phân công thì nghiên cứu hồ sơ không kỹ, có thể bỏ lọt chứng cứ, áp dụng pháp luật không chuẩn xác.
Nếu không tiết kiệm mà sinh hoạt sa hoa, tiêu xài phung phí vượt quá thu nhập chính đáng của mình thì sẽ bị sa ngã vào những cám dỗ vật chất, lúc nào cũng trực chờ xung quanh để tấn công. Không ít cán bộ Tòa án chúng ta đã gục ngã trước những mối lợi phi pháp đó.
“Liêm” là sự ngay thẳng, trong sạch như các cụ ta thường dùng chữ “thanh liêm”. Nếu cán bộ Tòa án không cẩn thận gìn giữ sự thanh liêm của mình thì rất dễ bị danh vị, tiền tài làm cho hoen ố. Một khi đã đánh mất sự thanh liêm thì có lẽ không có gì họ không dám làm vì lợi ích cá nhân.
“Chính” là sự thẳng thắn và vững vàng như cây cột thẳng. Nếu không cẩn thận giữ mình trung chính, để không nghiêng lệch thì khó được bản án công minh.
“Chí công vô tư”, như đã nói là phẩm chất cụ thể nhất, có thể nói đã bao hàm cả những phẩm chất khác, là biểu hiện của những người phẩm chất khác trong hoạt động xét xử. Bao Công, một nhân vật có thật thời nhà Tống bên Trung Quốc được nhân dân tin cậy và trở thành một biểu tượng vị quan tòa cực kỳ công minh, được mệnh danh là “Thiết diện vô tư” , nghĩa là mặt sắt, không để tình cảm riêng tư chi phối khi xét xử. Hình ảnh này ta thấy có sự tương ứng với thần công lý bịt mắt ở phương Tây. Xem ra, phương Đông, phương Tây, ngày xưa và ngày nay, người làm công tác xét xử luôn luôn phải là người vô tư đến tuyệt đối, không bị lợi ích hay vì lý do này lý do khác mà nghiêng lệch. Tiêu chí đó cũng là đòi hỏi, là mong ước của nhân dân.
Cụ thể hơn với người cán bộ Tòa án, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói phải luôn “phụng công, thủ pháp”, ngày nay ta càng thấy ý nghĩa thiết thực.
Trong hoạt động tố tụng, nhiều bản án bị cải sửa, thậm chí hủy vì lỗi chủ quan của Thẩm phán, trong đó nếu lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi rọi ta thấy đã vi phạm tiêu chí “phụng công, thủ pháp”, cụ thể là không khách quan, thiếu công minh, không tuân thủ chặt chẽ và nghiêm minh những quy định của pháp luật.
Cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm phán Tòa án nhân dân quy định rõ ràng về phẩm chất người cán bộ Tòa án là: “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa” và Điều 13 qui định: “Thẩm phán phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật”.
“Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”
Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và có bài nói chuyện rất sâu sắc. Bác nói: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.
Như vậy, có thể thấy tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng và trong giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng.
Nếu người cán bộ Tòa án chỉ đóng khung trong Tòa án, không hiểu cuộc sống của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của dân thì xử sao thấu tình đạt lý được. Dẫu pháp luật có cố gắng bao nhiêu cũng khó bao hàm được hết những gì phát sinh trong cuộc sống của nhân dân. Dẫu kiến thức nhà trường đào tạo đến đâu cũng không có đủ kiến thức của nhân dân, mà tự học là một quá trình liên tục. Học từ sách vở, từ nhà trường và học từ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng nhân dân rất giỏi vì Người không ngừng học hỏi từ chính nhân dân.
Là con nhà Nho, Hồ Chủ tịch thấm nhuần câu nói nổi tiếng của Khổng Tử “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên”, nghĩa là trong ba người đi cùng đường tất có người đáng là thầy ta.
Bậc thánh nhân như Khổng Tử nhận ra điều đó cho thấy không ai biết hết mọi điều và nhiều điều ta có thể học được từ nhân dân, từ người thấp hơn ta về địa vị, về học vấn.
Một Thẩm phán đã kể một câu chuyện minh họa rất thú vị về những kỷ niệm trong hoạt động xét xử phong phú của mình. Đó là một vụ án hôn nhân gia đình ở miền Tây Nam bộ:
Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh khi anh chồng đi nhậu về, vợ cằn nhằn quá, anh chồng điên lên tát cho vợ một cái, cô vợ bỏ về nhà cha mẹ đẻ một năm không trở lại. Thực ra hai bên cũng đã nhận ra lỗi nóng giận của mình nhưng vướng về phong tục dẫn đến đâm đơn ra Tòa xin ly hôn. Cô vợ yêu cầu nhà trai phải đến rước thì mới quay về. Vì theo phong tục địa phương thì như thế nhà gái mới không mất thể diện với bà con vì nhà trai nhận ra lỗi đã đến xin rước dâu về. Nhà chồng không chịu vì cô này cũng có lỗi, tự đi được thì cũng tự về được chứ sao…
Thẩm phán khi đó còn chưa có vợ, lại là người Bắc nên chưa biết nên hòa giải sao cho thuận cả đôi bên. Nhìn vào đôi vợ chồng, Thẩm phán biết họ còn muốn về với nhau... nhưng nói đi nói lại vẫn chưa giải quyết được khúc mắc.
Bất ngờ, bà Hội thẩm nhân dân mặc áo bà ba, sau khi lắng nghe đầu đuôi câu chuyện, đưa ra giải pháp tháo gỡ cho cả hai bên: “Thôi, không rước (đón) nhưng có người mặc áo dài đi xuồng đến đón, không có bà mai nhưng có cán bộ phụ nữ đón. Vậy hen”. Hai bên sững lại vì giải pháp quá hay, cả hai bên đều không mất thể diện do tự ái. Hai vợ chồng líu ríu dắt nhau ra về theo gợi ý của Tòa, để rồi họ đoàn tụ trở lại. Thẩm phán cũng ngạc nhiên thú vị. Thế ra, dù là Thẩm phán cũng phải học xử án từ những người dân chân chất, chứ học đâu xa.
Có lẽ trong mỗi cán bộ, thẩm phán đều có những trải nghiệm như thế. Ngay tại sảnh chính của trụ sở TANDTC và hầu hết trụ sở TAND trong cả nước đều treo khẩu hiệu “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như một phương châm để mỗi người tự nhắc nhở và rèn luyện. Nhưng từ khẩu hiệu đến thực hiện đôi khi là một khoảng cách lớn.
Bác Hồ nói chuyện với công nhân
Theo tôi, để phòng trào hành động “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” có hiệu quả thì cần phải cụ thể hóa vào từng lĩnh vực, từng khâu trong hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân.
Quan trọng nhất, xuyên suốt nhất, tinh thần “gần dân” phải thể hiện trong việc nâng cao chất lượng xét xử, mang lại công bằng cho mỗi người dân. Hiện nay khiếu nại trong tố tụng là vấn đề lớn, phần nào làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào ngành Tòa án. Do đó, cần có biện pháp thúc đẩy việc nâng cao chất lượng xét xử và nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian trả lời, giải quyết khiếu nại của người dân.
Về từng khâu, từng địa phương cũng có thể ra soát, điều chỉnh lại lề lối làm việc, quy định tiếp công dân theo tinh thần “gần dân”.
Ví dụ, tăng cường hoạt động xét xử lưu động, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, thông tin còn nghèo nàn, là một trong những cơ hội rất tốt để cán bộ Tòa án gần gũi với nhân dân và nhân dân hiểu biết pháp luật, hiểu biết về hoạt động xét xử của Tòa án hơn.
Trong hoạt động tiếp công dân, cần tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận Tòa án. Trong công tác của mình tôi đã thấy nhiều nơi chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận Tòa án.
Chuyện thứ nhất là: Các Tòa án miền núi phía Bắc hiện nay rất thiếu cán bộ Tòa án biết tiếng dân tộc của đồng bào địa phương. Điều tưởng như nghịch lý này lại là một hiện thực khó khắc phục, nguyên do là ít người dân tộc có đủ trình độ để vào ngành Tòa án, con em cán bộ Tòa án người dân tộc theo cha mẹ lên tỉnh học cũng không thạo tiếng dân tộc mình nữa. Do đó, ở Tòa án Hà Giang, chính ông Phó Chánh án tỉnh thường xuyên phải tiếp đương sự vì chỉ có vị này hiểu được người dân tộc mình nói gì.
Nhiều tòa cho biết, nhiều khi bà con dân tộc đến đứng ở cổng Tòa mà Tòa không tìm ra người để hỏi xem họ có yêu cầu gì.
Từ thực tế này chúng tôi cho rằng TANDTC nên có chương trình đào tạo cán bộ Tòa án học tiếng dân tộc ở địa bàn mình công tác. Có thể đưa yêu cầu này thành bắt buộc trong tuyển dụng hay bổ nhiệm.
Câu chuyện thứ hai: Trong một chuyến công tác cách đây mấy năm, chúng tôi đã gặp ở Tòa án một huyện thuộc tỉnh Bình Phước, có biển đề dòng chữ: “Cấm đi dép vào hội trường” nghĩa là tất cả người dân địa phương đến dự phiên tòa phải để dép ở dưới bậc thềm. Tôi cho rằng đây là một thái độ khinh thường nhân dân của lãnh đạo đơn vị này. Phản cảm hơn nữa là trong Hội trường xét xử khi đó không có phiên tòa, chỉ có chiếc xe máy của ông Chánh án nhưng quạt trần chạy vù vù. Có lẽ quạt cho mát xe của ông Chánh án. Đấy là biểu hiện xa dân có tính cá biệt và điển hình, theo tôi cần xử lý nghiêm để rút kinh nghiệm.
Qua đó mới thấy hành trình để người dân tiếp cận Tòa án là khá khó khăn. Ngành Tòa án nói chung, mỗi đơn vị nói riêng cần có qui định cho phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận được với Tòa án.
Tóm lại, với mỗi người phải tự mình chấn chỉnh, điều chỉnh để tinh thần “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” của Bác trở thành một hoạt động thiết thực và có hiệu quả.
Trong Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp mới đấy, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, đã căn dặn các vị Thẩm phán mới được bổ nhiệm rằng: Trong hoạt động xét xử, các Thẩm phán phải giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư, có bản lĩnh vững vàng để những phán quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Nhất là các Thẩm phán phải thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lời căn dặn của Chánh án cũng là tâm niệm của mỗi Thẩm phán, mỗi công chức, viên chức trong hệ thống TAND trong cả nước, để mỗi người trở nên “trong sáng hơn”.