KSS: Bí ẩn đi vay ngân hàng để… trả trước cho người bán!?

Kinh tế - Ngày đăng : 13:09, 23/12/2013

Vay nợ từ ngân hàng BIDV hơn 900 tỷ đồng, nhưng lại dùng để trả trước cho người bán (tín dụng không trả lãi) và tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn 18 tỷ đồng. Cổ đông không thể không đặt câu hỏi khi KSS lại đang có kế hoạch phát hành thêm.

Tính từ đầu tháng 11 trở lại đây, giá cổ phiếu của TCT Cổ Phần Khoáng Sản Na Rì Hamico (HOSE: KSS) đã bật tăng khá mạnh từ 5,200 đồng/cp (01/11) lên đến 7,000 đồng/cp (19/12), tương ứng với mức tăng 35%. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của KSS trong giai đoạn này đạt hơn 662,349 đơn vị, tăng gấp 28.6% lần so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 514,968 đơn vị.

Biểu đồ giao dịch của KSS từ ngày 01/07-19/12 (Nguồn: VietstockFinance)

KSS: Bí ẩn đi vay ngân hàng để… trả trước cho người bán!?

Tỷ suất lợi nhuận gộp 9T/2013 cải thiện và chi phí lãi vay giảm mạnh

Doanh thu 9T/2013 của KSS theo BCTC hợp nhất công bố đạt 184 tỷ đồng, sụt giảm 28% so với giai đoạn 9T/2012. Lợi nhuận gộp của KSS đạt 55 tỷ đồng, giảm 11.7% so với cùng kỳ 2012; giúp tỷ suất lợi nhuận gộp lên mức 30%, cải thiện hơn so với 24.4% trong 9T/2012.

Tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể chủ yếu nhờ nguyên vật liệu đầu vào phần lớn được khai thác từ các mỏ của công ty nên giúp cho giá vốn hàng bán giảm mạnh.

Chi phí lãi vay của KSS trong 9T/2013 cũng sụt giảm mạnh tới 35.5% so với cùng kỳ 2012 nhờ lãi suất giảm, xuống chỉ còn 36.5 tỷ đồng, giúp LNST đạt 10.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra đầu năm 2013 với LNST ở mức 35 tỷ đồng thì KSS chỉ mới thực hiện được 30%.

Vay ngân hàng để trả trước cho người bán – Đâu là lý do? Tiền mặt còn vỏn vẹn 18 tỷ đồng

Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, KSS đã tiếp tục vay nợ thêm 468 tỷ đồng chín tháng đầu năm 2013. Điều này khiến cho khoản nợ vay ngắn hạn của công ty cuối quý 3/2013 đạt 852 tỷ đồng, tăng mạnh tới 41.7% so với đầu năm 2013; khoản vay nợ dài hạn cũng tăng 7.1% lên mức 80 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay này đều được tài trợ bở BIDV chi nhánh Bắc Kạn – Thái Nguyên.

Nếu cấn trừ với khoản nợ gốc đã trả là 214.6 tỷ đồng thì KSS đã vay thuần thêm 253 tỷ đồng trong kỳ, nhưng số dư tiền mặt đến cuối quý 3 chỉ còn vỏn vẹn hơn 18 tỷ đồng!

Nguyên nhân khiến cho KSS tăng cường vay nợ trong kỳ là để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh đang âm tới 245.6 tỷ đồng. Đáng lưu ý là việc dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nhiều như vậy là do khoản trả trước người bán (nằm trong khoản phải thu) của KSS đã gia tăng chóng mặt trong 9T/2013.

Cụ thể, khoản trả trước người bán của KSS đã tăng từ 279 tỷ đồng ở đầu năm 2013 lên đến 635.3 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng tới 2.3 lần và chiếm tới hơn 50% tổng tài sản ngắn hạn và hơn 40% tổng tài sản của công ty.

Các công ty được KSS trả trước nhiều nhất trong kỳ đó là CTCP An Hồng Phương với mức tăng mạnh tới 165 tỷ đồng so với đầu năm (số dư cuối quý 3 là gần 210 tỷ đồng), Công ty TNHH Thủy Hưng tăng 69.8 tỷ đồng (69.8 tỷ đồng), CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á tăng 28.5 tỷ đồng (107 tỷ đồng), CTCP Chì Kẽm Yên Bái tăng 30 tỷ đồng (68 tỷ đồng).

Câu hỏi được đặt ra ở đây là KSS gia tăng các khoản vay nợ chịu lãi trong kỳ, nhưng số tiền vay nợ này chủ yếu lại để dùng trả trước cho người bán. Vậy KSS sẽ được lợi gì?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải có những thông tin chi tiết hơn về giao dịch kinh tế liên quan giữa KSS và những người bán trên. Tuy nhiên, những thông tin này lại không được công bố chi tiết trong báo cáo tài chính.

Có một giả thuyết được đặt ra để lý giải cho vấn đề này là có thể KSS tăng cường trả trước người bán để được hưởng mức giá đầu vào rẻ hơn từ người bán, và qua đó sẽ giúp cải thiện lợi nhuận gộp cho công ty trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là CTCP An Hồng Phương (công ty được KSS trả trước nhiều nhất trong kỳ), hiện đang là công ty liên kết của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (HOSE: KTB). Theo công bố giao dịch với các bên liên quan, thì bà Nguyễn Thị Hiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của KTB - là em ruột của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KSS - ông Nguyễn Văn Dĩnh.

Huy động 221 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu, TPCĐ có khả thi?

Mới đây, KSS thông báo sẽ phát hành hơn 18 triệu cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, hơn 6 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2010 cho cổ đông, tỷ lệ trả cổ tức là 25%; còn lại 12 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, giá 10,000 đồng/cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng là 24/12/2013.

KSS kỳ vọng sẽ thu về khoảng 121 tỷ đồng để đầu tư nâng cao công suất dự án Chì Kẽm Cốc Lót (33 tỷ đồng), phục vụ cho nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn, đầu tư nghiên cứu tiền khả thi dự án Cầu Nhơn Trạch - Đồng Nai (2 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (85.95 tỷ).

Ngoài ra, theo nghị quyết của HĐQT, KSS cũng sẽ phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư chiến lược. Mục đích của đợt phát hành này là đầu tư, cho nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn.

Như vậy, hai mục đích chính mà KSS huy động vốn đó là bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn.

Liên quan đến việc bổ sung vốn lưu động, hiện tại dòng tiền hoạt động kinh doanh của KSS đã âm nhiều năm liên tiếp và do đó phải tăng cường vay nợ để bổ sung sự thiếu hụt này. Việc phát hành cổ phiếu huy động vốn sẽ giúp cho KSS chủ động được dòng tiền, giảm bớt việc đi vay nợ từ ngân hàng và phần nào giảm bớt chi phí lãi vay cho công ty.

Thêm vào đó, theo báo cáo thường niên 2012, triển vọng kinh doanh sắp tới của công ty này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn. Ngoài ra, theo lãnh đạo của KSS thì nhà máy này chỉ mới hoạt động 50-60% công suất, do đó KSS sẽ đẩy mạnh đầu tư để tối đa công suất với mục đích là tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Nếu KSS thực hiện thành công phát hành cổ phiếu và trái phiếu như dự kiến thì triển vọng kinh doanh của công ty này sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc huy động vốn của KSS trong thời điểm hiện nay liệu có khả thi, khi giá cổ phiếu của công ty này tính đến hết ngày 19/12 chỉ là 7,000 đồng/cp?

Hữu Trọng