Moody's: Việt Nam đã đạt tiến triển trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:16, 12/12/2013
Dựa trên Phương pháp Xếp hạng Trái phiếu Quốc gia, Moody’s đánh giá sức mạnh kinh tế Việt Nam ở mức vừa phải, sức mạnh tổ chức ở mức rất thấp, sức mạnh tài chính ở mức vừa phải và mức độ dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro ở mức cao.
Moody’s cho biết tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đã phục hồi khỏi các mức thấp xác lập trong năm qua. Đi kèm với đó là sự ổn định của lạm phát và sự cải thiện của các vị thế thanh toán bên ngoài. Đặc biệt, sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu đã góp phần khôi phục cán cân tài khoản vãng lai cũng như cán cân thanh toán nói chung. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối đang đứng gần mức cao nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, tỷ giá ổn định đã góp phần ghìm cương lạm phát trong vòng hai năm qua.
Thách thức tín nhiệm lớn nhất đối với Việt Nam liên quan đến những rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Dù các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ đối với hai lĩnh vực này vẫn còn ở mức vừa phải nhưng sự mở rộng của bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp nhà nước trong thập niên vừa qua phần nào xuất phát từ tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong nước - yếu tố từng dẫn đến gánh nặng nợ lớn hơn cho lĩnh vực công.
Tuy nhiên, báo cáo của Moody’s cũng cho biết Việt Nam đã đạt được tiến triển trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng dù rủi ro dẫn đến việc hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức B2 vào tháng 9/2012 chưa hoàn toàn biến mất. Đáng chú ý, Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã bắt đầu mua nợ xấu của hệ thống ngân hàng và điều này sẽ dần hạ thấp rủi ro.
Ngoài ra, Moody’s cho biết cơ cấu nợ khá thuận lợi của Việt Nam cũng đang đem lại sự hỗ trợ về mặt tín dụng.
Phước Phạm