Điểm danh cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tục

Kinh tế - Ngày đăng : 09:01, 04/12/2013

Theo thống kê của Vietstock, tính riêng trong tháng 11 vừa qua, có 22 cổ phiếu tăng trần liên tục từ 5 phiên trở lên. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng giá ấn tượng đó, vẫn chỉ có 1 cổ phiếu đang giao dịch trên mệnh giá.

Những cổ phiếu tăng trần liên tục trên 5 phiên trong tháng 11

Cổ phiếu tăng trần trên 10 phiên

Có 7 cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp trở lên trong tháng 11 vừa qua nhưng mới chỉ có 3 doanh nghiệp công bố giải trình nguyên nhân, đó là VNH, SGT và ICF. Trong đó, nguyên nhân duy nhất và chủ yếu nhất là do mua bán giữa nhà đầu tư thực hiện, diễn biến giá là do quy luật cung - cầu.

Tháng 11/2013 có tổng cộng 21 phiên giao dịch thì cổ phiếu VNH của CTCP Thủy hải sản Việt Nhật đã tăng trần liên tục 20 phiên từ 01-28/11. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng (ngày 29/11),cổ phiếu VNH chính thức giảm sàn. Như vậy, tổng mức tăng của VNH trong 21 phiên giao dịch vừa qua là 174%, khối lượng giao dịch trung bình hơn 155,000 đơn vị.

Nguyên nhân giúp nhà đầu tư liên tục gom cổ phiếu VNH trong giai đoạn này là nhờ báo cáo kết quả quý 3/2013 bất ngờ lãi ròng 6.68 tỷ đồng, ghi nhận lãi quý đầu tiên sau 3 quý lỗ liên tục trước đó. Khoản lãi đến từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn mang lại số tiền 6.43 tỷ đồng cho VNH. Bên cạnh đó, thông tin quý 4 sẽ thu hơn 55 tỷ đồng từ việc bán tài sản tại Bình Chánh cũng tác động tích cực đáng kể lên tâm lý nhà đầu tư.

Trường hợp của SGT và ICF, tăng trần lần lượt là 12 và 10 phiên liên tục trong tháng 11. Đáng chú ý, với SGT, mặc dù tăng trần 12 phiên nhưng khối lượng giao dịch ở những phiên này rất thấp, thậm chí có 6 phiên liên tiếp tăng trần chỉ khớp có 10 cổ phiếu.

% tăng giá của 7 cổ phiếu trong tháng qua

4 doanh nghiệp còn lại ghi nhận cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tục nhưng chưa công bố giải trình nguyên nhân bao gồm VPC, DCT, PXM và DRH. Nổi bật là VPC của CTCP Đầu Tư & Phát triển Năng lượng Việt Nam với 15 phiên tăng trần liên tục, là mức tăng kỷ lục kể từ khi lên sàn, xét cả về số phiên tăng trần cũng như tốc độ tăng (200%) trong vòng 1 tháng.

Đáng chú ý, VPC vẫn “phi nước đại” mặc dù lỗ liên tục trong 5 quý gần đây nhất, từ quý 3/2012.

Đối với cổ phiếu PXM của CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung, tăng trần 11 phiên chưa thể giúp giá cổ phiếu vượt qua được mức 2,000 đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, PXM có giá 1,600 đồng/cp. Kết quả hoạt động kinh doanh của PXM trong quý 3/2013 (có lãi sau 5 quý lỗ nặng) dễ là cái cớ để “đánh lên” cổ phiếu này.

Không thuộc diện phải giải trình nguyên nhân tăng trần như 7 cổ phiếu trên nhưng DTA, VLF, PXA cũng có biến động hết sức ấn tượng khi tăng liền 9 phiên liên tiếp. Trong bối cảnh thị trường hiện nay thì đây quả là niềm ao ước của giới đầu tư.

Duy nhất 1 cổ phiếu có giá cao hơn mệnh giá

CTCP Hợp tác Kinh tế & XNK Savimex (HOSE: SAV) là cổ phiếu duy nhất trong 22 cổ phiếu nói trên kết thúc tháng 11 với giá giao dịch vượt được mệnh giá, đạt tại 13,200 đồng/cp. SAV đã tăng trần 5 phiên liên tiếp ở những ngày cuối tháng 11. Điều này góp phần giúp giá SAV tăng 48% trong tháng 11 vừa qua.

Giống như những cổ phiếu tăng trần nhiều phiên ở trên, SAV có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý 3/2013 khi chỉ đạt lãi ròng 172 triệu đồng, chưa bằng con số lẻ của lợi nhuận quý 3/2012 (6.36 tỷ đồng).

Giá đóng cửa ngày 29/11 của 22 cổ phiếu tăng trần từ 5 phiên liên tục

Những cổ phiếu còn lại đang giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, thấp nhất phải kể đến là cổ phiếu PSG của CTCP Đầu Tư & Xây Lắp Dầu Khí Sài Gòn. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, giá cổ phiếu PSG chỉ ở mức 1,100 đồng/cp. Đây có thể được xem là hệ quả sau chuỗi thời gian lỗ 8 quý liên tiếp từ quý 4/2011. Tính đến 30/09, lỗ lũy kế của PSG đã lên đến 442 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp của PSG chỉ là 350 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đang âm 87.87 tỷ đồng.

Cổ phiếu TYA và VE8 cũng có 6 phiên tăng trần liên tiếp trong tháng 11 để ghi nhận mức tăng lần lượt 45% và 94% qua 21 phiên của tháng.

Đối với nhóm cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tục, ấn tượng nhất có vẻ là PXL. Khối lượng giao dịch trung bình của PXL trong 21 phiên giao dịch của tháng 11 đạt hơn 1 triệu đơn vị, cao nhất trong 22 cổ phiếu tăng trần nhiều phiên. Chẳng những thế, PXL cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 11 qua là 60%, từ mức giá 2,500 đồng để lên 4,000 đồng/cp.

Tháng 11 vừa qua có thể được xem là tháng dành cho sóng của các cổ phiếu đầu cơ khi dòng tiền ở nhóm cổ phiếu này rất mạnh. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào tăng nóng trong quãng thời gian này cũng xuất phát từ những chuyển biến tốt từ hoạt động của doanh nghiệp. Tỷ suất sinh lợi vô cùng tuyệt vời từ nhóm cổ phiếu này nhưng rùi ro “mua đỉnh” cũng rất lớn nếu không suy xét kỹ mà vội đua theo giá đã tăng trần nhiều phiên.

Đó là chưa kể đến trường hợp giá cố phiếu, sự tăng nóng có thể là do đối tượng nào đó đang thao túng, Những ngày cuối tháng 11, UBCK cho biết có đến 70 mã chứng khoán có giao dịch bất thường. UBCK đã tiến hành phân tích 70 mã chứng khoán này và đã chuyển sang bộ phận thanh tra để xử lý một số trường hợp.

Thời gian qua, trên thị trường chứng khoán cũng đã có những cá nhân bị UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vì tội thao túng giá cổ phiếu. Mà gần đây nhất là trường hợp thao túng giá cổ phiếu TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2013 đến 21/6/2013. Giá cổ phiếu TLH đã tăng nhanh từ 5,600 đồng/cp lên 7,200 đồng/cp trong giai đoạn này nhờ các giao dịch mua, bán liên tục với mục đích thao túng giá. Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán minh bạch, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp theo dõi và cảnh báo sớm hơn nữa đối với những trường hợp giao dịch cổ phiếu bất thường.

Sanh Tín