Những bí ẩn về cổ phiếu FIT

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 18/11/2013

Chào sàn Hà Nội (HNX) ngày 26/07/2013 với giá đóng cửa 12,400 đồng/cp, cổ phiếu FIT được “đưa đẩy” lên mức 20,000 đồng/cp vào ngày 20/10/2013. Nhưng chưa đầy 20 phiên giao dịch gần đây nhất, FIT sắp trở về giá chào sàn, mà nguy cơ không biết có dừng lại?

FIT là doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động kinh doanh không sắc nét. Chỉ 37 nhân sự với 10 phòng ban nhưng FIT cung cấp không thiếu các dịch vụ nào mà thị trường cần từ vui chơi giải trí, nhân lực, đầu tư, mua bán, môi giới, bảo hiểm, lữ hành, tài chính... Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh nổi trội được trình bày trong bản cáo bạch là hoạt động hợp tác đầu tư, giới thiệu các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết và kinh doanh bất động sản (bao gồm các sản phẩm nhỏ như chuyển nhượng căn hộ, khai thác diện tích sàn văn phòng cho thuê…).

Báo cáo tài chính quý 3/2013 của FIT cho thấy, vốn chủ sở hữu công ty tuy chỉ có 177 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới hơn 1,133 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2013. Đặc biệt khoản vay ngắn hạn chiếm gần hết với 978.9 tỷ đồng. Điểm đặc biệt, các khoản vay của FIT chủ yếu từ các tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng chứ không phải từ ngân hàng, bao gồm: CTCP Đầu tư PV2 (2.1 tỷ), CTCPCP Đầu tư Phát triển Sinh thái (527 tỷ), Công ty TNHH kinh doanh BĐS Phú Gia (165 tỷ), CTCP Phát triển Thành phố Xanh (21 tỷ), CTCP Đầu tư Mặt trời mọc (150 tỷ), Công ty Ecocons Hà Nội (111.8 tỷ). Trong bối cảnh các công ty xây dựng, bất động sản khan hiếm nguồn vốn như hiện lại nhưng vẫn có “dòng tiền thừa” chuyển qua FIT để hợp tác đầu tư?!

Mọi chuyện trở nên dễ hiểu hơn khi nhìn vào Bản cáo bạch của FIT, trang 51 có trích: “Tại thời điểm 31/3/2013 hợp đồng hợp tác với các tổ chức, cá nhân để đầu tư chứng khoán với tổng trị giá 1,553 tỷ đồng, công ty sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận nhất định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của bên nhận tiền góp vốn”.

Dường như FIT đang sống nhờ dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ tài chính (cho vay dưới hình thức hợp tác đầu tư).

Trong khi đó, cổ đông lớn duy nhất chỉ 1 người là ông Nguyễn Văn Sang, đồng thời cũng là một trong những cổ đông sáng lập với số lượng nắm giữ 1 triệu cp, chiếm 6.67% vốn FIT. Các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và các thành viên chủ chốt nắm giữ không đáng kể, trong đó Chủ tịch HĐQT nắm giữ 300,000 cp, TGĐ nắm giữ 200,000 cp. Với cơ cấu cổ đông nội bộ có tỷ lệ “siêu mỏng”, những người “đứng mũi chịu sào” chỉ sở hữu 4.87% cũng khiến nhà đầu tư e ngại.

Xuân Thu