‘Minh chủ võ lâm’ Kim Dung: Kiếm khách lẫy lừng, đời tư trắc trở

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 10:06, 31/10/2018

Kim Dung là tiểu thuyết gia võ hiệp có lượng người đọc nhiều nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đời tư của ông cũng trải qua không ít sóng gió với 3 lần đò.

Nhà văn kiếm hiệp Kim Dung (Tên thật là Tra Lương Dung- sinh ngày 6.2.1924, quê quán tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) qua đời ngày 30/10/2018 tại Hồng Kông, hưởng thọ 94 tuổi. Ông được mệnh danh là ‘Minh chủ võ lâm’ trong giới tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc khi tạo ra hàng loạt tên tuổi hiệp khách lẫy lừng như Lệnh Hồ Xung, Bắc Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá... Theo Sina, Ông say mê thế giới võ thuật từ bé. Kim Dung cho biết, ông từng tưởng tượng nếu mình trở thành một hiệp khách, mình sẽ  như thế nào.

‘Minh chủ võ lâm’ Kim Dung: Kiếm khách lẫy lừng, đời tư trắc trở

Nhà văn Kim Dung

Từ niềm đam mê võ thuật cùng trí tưởng tượng phong phú của mình, Kim Dung ra mắt bộ tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tiên vào năm 1995 có tên Thư kiếm ân cừu lục. Ông chỉ để lại 15 bộ tiểu thuyết trong cuộc đời “đại hiệp” của mình nhưng đa số đều tạo được thành công vang dội như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp... Trong số các nhân vật của mình, nhà văn thích nhất Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Kiều Phong (Thiên long bát bộ). Nhật vật ông không  ưa nhất là Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký), ông khẳng định khi gặp người như thế cần tránh xa. Trong các tuyệt tác của mình, ngoài những kiếm khách lấy lừng, Kim Dung cũng xây dựng nên những bóng hồng “nghiêng nước nghiêng thành”, ghi dấu ấn sâu đậm trọng lòng độc giả như: Trình Anh (Thần điêu đại hiệp), Tiểu Long Nữ (Thần điêu đại hiệp), Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên đồ long ký), Hoàng Dung (Anh hùng xạ điêu)...

"Hy vọng một trăm, hai trăm năm sau khi tôi qua đời, vẫn có người đọc tiểu thuyết của tôi, như vậy là tôi mãn nguyện", nhà văn từng nói về tâm nguyện của mình.

Theo nhiều nhận định, Kim Dung chính là tác giả có lượng độc giả nhiều nhất. Các nhà khoa học như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo (hai nhà khoa học từng đoạt Nobel Vật Lý), các doanh nhân như Jack Ma, những nghệ sĩ tên tuổi như Vua hài Châu Tinh Trì, siêu sao Ấn Độ Aamir Khan... đều say mê tiểu thuyết của ông.

Trong cuốn Ai đến cạn ly cùng tôi? xuất bản năm 2002, Cổ Long - tác giả truyện kiếm hiệp nổi tiếng - nhận định không ai có sức ảnh hưởng lớn như Kim Dung trong làng tiểu thuyết kiếm hiệp. Các tác phẩm sau này, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ tác phẩm của Kim Dung. Bản thân Cổ Long cũng bắt chước phong cách của Kim Dung trong một số tác phẩm như Danh kiếm phong lưu và Tuyệt đại song kiêu.

"Ông ấy bắt được điểm mạnh của các phái tiểu thuyết, dung hòa giữa văn học cổ điển Trung Quốc với văn học phương Tây hiện đại. Nhờ vậy mới hình thành được phong cách riêng biệt, súc tích, sinh động, đẹp đẽ đến thế", Cổ Long bày tỏ. Ông nhận xét tác phẩm của Kim Dung có kết cấu chặt, bối cảnh rộng nhưng trước sau ăn nhập nhuần nhuyễn. Trong đó, nhân vật được miêu tả đặc sắc nhất. Cổ Long đánh giá cao nhân vật Dương Quá, cho rằng đây là nhân vật "đáng yêu bậc nhất" trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp. 

Tuy thành công lẫy lừng trong sự nghiệp nhưng về đời tư, ông  gặp không ít trắc trở khi trải qua 3 lần đò. Theo Kim Dung, ông đã bị người vợ đầu tiên là Đỗ Trị Phân phản bội. Chuyện này ông giấu kín đến năm 74 tuổi mới quyết định công khai. Đỗ Dã Phân là con nhà trâm anh thế phiệt, nổi tiếng xinh đẹp. Thời trẻ, Cô theo Kim Dung đến Hồng Kông lập nghiệp nhưng cô cảm thấy khó thích nghi ở môi trường mới. Thêm nữa, Kim Dung vì quá bận rộn với công việc nên không có thời gian bên Trị Phân, tình cảm vợ chồng dần phai nhạt, dẫn đến “đường ai nấy đi”.

‘Minh chủ võ lâm’ Kim Dung: Kiếm khách lẫy lừng, đời tư trắc trở

Ảnh cưới của Kim Dung và người vợ đầu Đỗ Trị Phân

Kim Dung kết hôn với người vợ thứ 2 là Chu Mai vào năm 1956. Chu Mai sinh năm 1933 ở Hồng Kông. Bà là một phóng viên tài năng và nhiệt huyết với nghề. Với kinh nghiệm và sự từng trải trong nghề báo, bà trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ Kim Dung xây dựng sự nghiệp. Năm 1959, Kim Dung thành lập tờ Ming Pao, Chu Mai viết nhiều bài đăng trên báo này. Những năm đầu mới phát hành, áp lực công việc của hai vợ chồng rất lớn. Con trai đầu lòng ra đời, gánh nặng kinh tế càng lớn hơn. Hàng đêm, hai vợ chồng thức khuya làm việc, mua một cốc cà phê uống chung để tiết kiệm tiền. Tờ Ming Pao trở nên nổi tiếng Hong Kong chính là nhờ mồ hôi nước mắt của cặp vợ chồng. Tới năm 1966, đây đã trở thành báo lớn, có tầm ảnh hưởng của Hong Kong.

Khi Ming Pao đã đạt được vị trí trong làng truyền thông, Chu Mai tiếp tục theo đuổi đam mê. Bà sáng lập thêm hai tờ báo, dồn tâm huyết cho công việc. Tuy nhiên, hai vợ chồng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, dẫn tới rạn nứt hôn nhân. Cặp vợ chồng có tất cả bốn người con, hai trai, hai gái.

Khi chưa ly hôn Chu Mai, Kim Dung quen Lâm Nhạc Di - người kém ông 29 tuổi. Nhạc Di thích tiểu thuyết của Kim Dung, thể hiện sự ái mộ với ông. Nhà văn cũng có thiện cảm với cô gái cao ráo, xinh xắn. Vì tình cảm với Lâm Nhạc Di, Kim Dung quyết định ly dị Chu Mai. Khi ly hôn, Chu Mai đặt ra hai điều kiện. Một là Kim Dung bồi thường vật chất cho bà, hai là nếu lấy vợ nữa, Kim Dung không được có thêm con. Nhà văn đồng ý cả hai điều kiện. Chia tay Kim Dung, Chu Mai không đi thêm bước nữa. Bà qua đời vào mùa đông năm 1998. 

Kim Dung có 4 người con đều với Chu Mai nhưng không ai theo nghiệp bố và cũng để lại cho ông những đau không bao giờ nguôi ngoai. Tra Truyền Hiệp, con trai đầu của ông đã treo cổ tự sát hồi tháng 10.1976 khi đang học năm thứ nhất Đại học Columbia vì cãi nhau với bạn gái, kết thúc cuộc đời khi chưa đầy 20 tuổi. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nguyên nhân kích động dẫn tới cái chết thương tâm này bởi cha mẹ anh đang cự cãi đòi ly hôn.

Tra Truyền Thi, cô con gái thứ ba của Kim Dung lại bị điếc năm lên 5 tuổi do sốt cao, bị tiêm thuốc quá liều. Đây cũng chính là thời điểm Kim Dung đưa gia đình chạy trốn sang Singapore bởi Cách mạng văn hóa bùng nổ và ông bị xếp vào vị trí thứ hai của nhóm cần thanh trừng. Tra Truyền Thi sau này cũng trở thành phóng viên, Phó tổng biên tập tờ Minh báo buổi tối.

Vốn đam mê ẩm thực, Tra Truyền Thích, con trai thứ hai của Kim Dung, từng mở nhà hang và làm cố vấn ẩm thực cho các nhà hàng cao cấp. Trong khi đó cô con út của ông lại đi theo nghề họa sĩ.

‘Minh chủ võ lâm’ Kim Dung: Kiếm khách lẫy lừng, đời tư trắc trở

Người vợ thứ 3, Lâm Lạc Di luôn sát cánh bên ông trong mọi sự kiện

Lâm Lạc Di (khi ấy mới 16 tuổi) gặp Kim Dung vào đúng thời điểm ông đau buồn về cái chết của con trai cả, nên thường đi uống rượu giải sầu một mình. Lâm Lạc Di sau khi nhận ra thần tượng của mình đã hết lòng động viên, giúp ông bình tâm và vượt qua nỗi đau mất con. Cô đã nguyện dốc hết thời gian và sức lực của cả cuộc đời mình để chăm sóc ông.

Cảm phục trước sự hi sinh của cô gái trẻ, Kim Dung đã chu cấp tiền bạc cho Lâm Lạc Di sang Anh du học một thời gian.

Vì mối quan hệ trên, Kim Dung bị mang tiếng bội bạc người phụ nữ đồng cam cộng khổ với mình. Trong một lần phỏng vấn với CCTV, Kim Dung nói: "Tôi có lỗi với Chu Mai". Ông tự nhận không phải người chồng tốt.

Trước khi qua đời ở tuổi 94, dù “rửa tay gác kiếm” đã lâu, các tiểu thuyết của Kim Dung vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn. Hồi tháng 9, theo đánh giá của tờ Beijing News,  tuyển tập truyện của ông được xếp vào top 10 sách ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc qua 40 nămNăm 2000, ông được trao huân chương Grand Bauhinia Medal - huân chương cao quý nhất của Hong Kong dành cho những người có cống hiến kiệt xuất. Năm 2008, ông được vinh danh là Nhân vật ảnh hưởng tới cộng đồng người Hoa.

Nhà văn Kim Dung cũng không giấu diếm về tâm tư tình cảm, những thăng trầm biến động của cuộc đời mình qua các trang viết. Trong các tác phẩm của ông cũng có bội phản, có tình yêu thiết tha, có sự hi sinh, có sự khó xử khi tình đã hết mà nghĩa vẫn còn. Giở lại các tác phẩm võ hiệp kinh điển của ông thấm đẫm nhân sinh quan và tư tưởng về con người, về cuộc đời của nhà văn.

Minh Khang