Đẩy mạnh hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và Slovakia
Chính trị - Ngày đăng : 08:07, 10/09/2014
Đây là lần thứ hai trong năm 2014, Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia sang thăm, làm việc tại Việt Nam nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về hoạt động xét xử và cải cách tư pháp theo khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp giữa TANDTC Việt Nam và TATC Slovakia ký kết vào ngày 4/6/2014.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao đổi với bà Jarmila Urbancova, quyền Chánh án TATC Slovakia
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã và đang phát triển rất tốt đẹp; chúc bà Jarmila Urbancova cùng các thành viên trong Đoàn có những ngày thăm, làm việc tại Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong thời gian qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ và tích cực trong mối quan hệ hợp tác giữa TATC hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2014 vừa qua của Ngài Stêfan Harabin, nguyên Chánh án TATC Slovakia, TATC hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, trao đổi đoàn. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu TATC Slovakia đánh dấu sự phát triển trong mối quan hệ của TATC hai nước trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ.
Buổi làm việc giữa TANDTC Việt Nam và TATC Slovakia
Tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thông tin những nét chính về hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam với Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia. Đặc biệt, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định Tòa án giữ vai trò trung tâm của hệ thống tư pháp và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. TANDTC Việt Nam đang tập trung tất cả các nguồn lực để xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và các BLTTDS, BLTTHS và các đạo luật khác để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Do đó, Việt Nam mong muốn được tìm hiểu thông tin và kinh nghiệm của Slovakia.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình mong rằng, sau chuyến thăm này và trong khuôn khổ thực hiện thỏa thuận hợp tác, TATC Slovakia sẽ cung cấp cho TANDTC Việt Nam các tài liệu liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án Slovakia cũng như pháp luật tố tụng của Slovakia để Tòa án Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, Tòa án hai nước có thể trao đổi thông tin về đào tạo tư pháp, bồi dưỡng cán bộ và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo TANDTC Việt Nam và TATC Slovakia chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia, bà Jarmila Urbancova, quyền Chánh án cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của TANDTC Việt Nam và mong muốn mối quan hệ này ngày càng được củng cố. Bà Jarmila Urbancova cũng giới thiệu về hệ thống Tòa án và quá trình cải cách tư pháp của Slovakia. Mặc dù có những khác biệt nhưng Tòa án của hai nước cũng có những điểm tương đồng và Slovakia rất quan tâm đến mô hình tổ chức, quản lý, công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán của Tòa án Việt Nam. Vì vậy TATC Slovakia và TANDTC Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác. Khi thực hiện các hoạt động này, Tòa án hai nước có thể đa dạng hóa các hình thức hợp tác như trao đổi đoàn, tổ chức hội thảo theo các chủ đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự, dân sự, thương mại quốc tế cũng như kinh nghiệm quản lý hệ thống Tòa án.
Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia làm việc với TAND TP. Hà Nội
Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TAND tỉnh Ninh Bình.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của TATC Slovakia tại Việt Nam, Đoàn đã đến làm việc với TAND TP. Hà Nội, TAND tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh để tìm hiểu về hoạt động, cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện ở Việt Nam. Đồng thời, Đoàn đại biểu cấp cao TATC Slovakia đã đi thăm quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam); bảo tàng điêu khắc Chăm Pa, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình), thăm làng tranh Đông Hồ, làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh).