Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 11:52, 23/04/2015

Mỗi một lá thư là một câu chuyện, một con người, một sinh mệnh riêng, 2/3 tác giả những bức thư đều không còn nữa”.

Đó là lời chia sẻ chân tình của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng trong buổi ra mắt  cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cuốn sách gần 1000 trang, là những câu chuyện cảm động mà gia đình của những người lính đã chia sẻ với nhà văn Đặng Vương Hưng.

Từ gợi ý của một người bạn Mỹ, hơn 10 năm qua, nhà văn Đặng Vương Hưng dành nhiều thời gian và tâm sức để sưu tầm, biên soạn những bức thư thời chiến mà người than của họ đã tin tưởng giao cho ông.

Trong hàng loạt các bức thư, kỷ vật gửi đến, độc giả khó có thể quên hai cuốn “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đây là hai cuốn nhật ký có số phận kỳ lạ đến nỗi làm rung động cả những người bên kia chiến tuyến.

Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Ra mắt hai cuốn sách "Những ngày ở chiến trường" và "Những lá thư thời chiến Việt Nam", ngày 22/4

Có lẽ các bạn trẻ bây giờ cảm thấy lạ lẫm với những bức thư, nhưng cách đây vài chục năm, người dân sống trên tinh thần của những lá thư qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân thời đó tất cả đều dành cho tiền tuyến, chính vì thế những lá thư viết tay vô cùng quan trọng, nó cũng chính là những "sức mạnh màu nhiệm" giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua cái tôi cá nhân và là chỗ dựa không bao giờ mất của chính cha ông ta, của những người thân.

Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Những lá thư của người lính gửi về cho gia đình vẫn được giữ gìn cẩn thận 

Những người viết thư đó vô tình trở thành người chép sử và đó là những người chép sử một cách trung thành nhất. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa nhận được giá trị lớn lao qua từng lá thư đó, nhưng sau này, qua sự nghiên cứu của các nhà lịch sử, xã hội học, chính trị họ sẽ tìm thấy những mơ ước, những điều mới mẻ, hạnh phúc qua những lá thư này.

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng tâm sự: “mỗi một lá thư là một câu chuyện, một con người, một sinh mệnh riêng, 2/3 tác giả những bức thư đều không còn nữa”. Chính vì thế, ông luôn tâm niệm lưu giữ, ghi chép lại những bức thư này chính là trách nhiệm của người còn sống đối với những người lính đã khuất. Bản thân nhà văn cũng là một người lính nên họ chính là đồng đội của ông.

Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Những lá thư của người lính còn vẹn nguyên bút tích, nhuốm màu thời gian

Ở tuyển tập này, người ta cũng dễ dàng tìm ra được những góc khuất tinh thần của mỗi con người mà chưa có một trang báo nào, một cuốn sách nào nói đến. Thế hệ trẻ khi trải qua mọi điều trong cuộc sống, họ cần tìm một cuốn sách thỏa mãn tinh thần của họ để trải nghiệm những năm tháng hào hùng. Họ sẽ nhận được những kỷ niệm, những yêu thương, những đau đớn mà cha ông ta đã trải qua thông qua những bức thư, đó chính là điều mà thế hệ trẻ cần nhất để chúng ta sống tốt hơn, biết ơn những người đã ngã xuống, bảo vệ quê hương và đất nước.

Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Di bút của Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi

Trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, có bức thư Bác Hồ gửi cho một gia đình liệt sĩ có con vừa hy sinh, có những lá thư ghi rõ những quyết tâm của người lính, có những bức thư một người lính gửi về cho gia đình nhờ “Nhớ trả cho hàng xóm hai bìa đậu và một quả chanh” – những lá thư tuy giản dị nhưng chứa đựng mỗi tâm hồn, trách nhiệm và mục tiêu sống của chính người lính đó.

Tại buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Đặng Vương Hưng tâm sự: "Nghề báo giúp tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện và nhân chứng. Công việc viết văn đã giúp tôi ngộ ra 1 điều: Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép tưởng chừng rất đỗi riêng tư lại mang đến cho chúng ta biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa xã hội trong quá khứ. Giữa im lặng của những con chữ, và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ đã ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống".

Câu chuyện cảm động từ những lá thư thời chiến

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, tác giả của tuyển tập Những lá thư thời chiến

Đánh giá về cuốn "Những lá thư thời chiến Việt Nam", TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng (Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban tuyên giáo Trung Ương) cho rằng cuốn sách gần ngàn trang sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc, có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân.

Tại buổi ra mắt, nhà văn Đặng Vương Hưng khẳng định, cuốn sách sẽ không bán mà dành tặng những ai thực sự cần nó.

Hà Thu