Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Thể chế quốc gia phải quy hoạch được lễ hội”
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 20:04, 13/03/2015
Khi mùa lễ hội năm 2015 vừa mới bắt đầu thì dư luận đã liên tục tranh cãi về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh “ẩu đả” cướp lộc tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), hay chen nhau cướp “chiếu thiêng” tại lễ hội “đúc Bụt” (Vĩnh Phúc)… Hình ảnh lễ hội đầu xuân dần trở nên không đẹp mắt và bị nhìn nhận một cách sai lệch.
Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh có ý kiến cho rằng “cần loại bỏ những lễ hội không có tính giáo dục, làm ảnh hưởng hình ảnh quốc gia” và “cần quy hoạch lễ hội”.
Báo Công lý điện tử đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian (VHDG) Nguyễn Hùng Vĩ xung quanh vấn đề này.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Internet
PV: Theo một con số thống kê hiện nay, có gần 8.000 lễ hội mỗi năm (tức nếu chia bình quân thì khoảng 22 lễ hội/ngày). Là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, ông đánh giá thế nào về con số này?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Cám ơn con số thống kê của bạn. Tôi có thể đưa ra con số gần sự thật hơn là 7.700 lễ hội. Có một cách xử lý khác đem đến cho ta một nhận định khác. Theo thống kê năm 2013 thì nước ta có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã. Cứ cho mỗi đơn vị như vậy có 3 đơn vị cấp thôn (làng), ta có 33.486 đơn vị. Nếu tính theo đó, ta có 3/4 đơn vị cấp thôn làng hoàn toàn “trắng” về lễ hội. Có tủi thân cho ba phần tư đó không nhỉ!? Quanh năm lùi lụi làm ăn, một ngày vui chung cho cộng đồng thân thương nhất cũng chả có. Thế là thế nào đây? Hai mươi hai lễ hội vui chung trải rộng cả nước trong nam ngoài bắc, trên rừng dưới bể trong một ngày, một cái ở một làng An Giang, một cái ở rẻo cao Yên Bái, một cái ở đảo Lý Sơn, một cái ở phố phường Hà Nội... Thì đó là gì?
PV: Hiện nay, nhiều địa phương muốn phục dựng lễ hội, mở rộng quy mô lễ hội từ làng/xã lên tỉnh, thành, thậm chí là quốc gia, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Không ai đánh thuế sự “muốn” cả. Có nhiều quốc gia này đang muốn biển đảo quốc gia kia, có tôn giáo này muốn mở rộng tín đồ sang tôn giáo khác, có văn hóa này muốn lan tỏa sang văn hóa nọ... Cái sự “muốn” là muôn đời. Vậy ai đó muốn mở rộng quy mô lễ hội lên cấp này cấp khác là ước muốn bình thường của muôn đời.
Nguyên nhân là con người cần khẳng định mình trong cộng đồng, nguyên nhân là cái tính “tham dục” như đức Phật đã tổng kết, nguyên nhân là một môi trường xã hội tạo điều kiện cho cái muốn đó nảy sinh, bùng phát. Tuy nhiên, phải có luật lệ chung cho các sự “muốn” đó. Thời nào phải có luật thời đó, để việc mở rộng cái này không ảnh hưởng đến cái khác, để cùng tồn tại bền vững và hướng thiện. Về mặt lễ hội, phải tuân thủ chung thiết chế văn hóa quốc gia.
PV: Vừa qua truyền thông và xã hội nóng lên với nghi thức chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Tuy nhiên, ở đình làng Cầu Bây (xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm) vào tháng 2 âm lịch hàng năm cũng có một lễ hội chém lợn khác. Hai lễ hội chém lợn này có điểm giống và khác nhau thế nào, thưa ông? Và theo ông, nên “ứng xử” với những lễ hội này như thế nào?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Cái riêng thì nhiều như biểu tượng thờ tự, mục đích hành lễ, hành vi hành lễ, nhưng cái giống nhau là tính dã man công khai.
Ngày xưa, thời kỳ dã man của nhân loại, có những tập tục còn man rợ hơn, ví dụ như tục đâm tù binh để cầu mưa còn thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. Việt cổ đấy. Sao Việt mới không bắt tù binh mà đâm khi cần cầu mưa? Vì chúng ta đã nhân văn lên nhiều lần.
Ứng xử như thế nào ư? Ở vương quốc Anh, trước đây có tục cướp vợ. Người ta biến nó thành tục cõng vợ chạy thi 500m với luật lệ rõ ràng. Tục đó thành môn thể thao thú vị, cả thế giới đều biết và cả thế giới vui vẻ khi xem truyền hình. Thế trí tuệ Việt hà cớ gì không biến tục chém lợn dã man kia thành nghệ thuật, vũ đạo nổi tiếng thế giới. Vấn đề không phải là khả năng mà là tầm nhìn và thiết chế văn hóa.
Lễ hội Chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á
PV: Những năm vừa qua, và gần nhất là một vài lễ hội vừa tổ chức đầu năm 2015, có rất nhiều hành vi tiêu cực như tranh cướp, xô xát để cướp lộc, lợi dụng đông người để trộm cắp, lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng của người dân để kinh doanh trục lợi… Theo ông, đây có phải là sự “biến tướng” của lễ hội hiện nay? Vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Việc có những nghi lễ có hành động tranh cướp. "Cướp lộc" với tư cách là một nghi lễ, bản chất nó không mang nghĩa xấu như "cướp giật". Không phải từ vựng nào đi với chữ "cướp" đều mang nghĩa xấu. Ví dụ như, "cướp chính quyền" trong cách mạng tháng Tám, "cướp thời cơ" trong chiến tranh vệ quốc, "cướp bóng" trong thể thao không thể coi là xấu. Như vậy “cướp lộc” với tư cách là một hành động lễ nghi là một hành vi tượng trưng cho việc giành được một điều may trong tín ngưỡng. Còn tổ chức lễ hội để hành động hội lễ này trở thành bùng phát bạo lực là một chuyện khác.
Nói là "biến tướng" cũng đúng vì nhiều nguyên do. Nguyên do thứ nhất, hành động cướp lộc ngày xưa trong lễ hội là dành cho những người trong một cộng đồng nhỏ, ở đó, người ta đều biết nhau trong quan hệ thân tộc, quan hệ xóm giềng, người ta cố gắng dùng sức mình chứ không dùng bạo lực để xâm hại tính mạng và sức khoẻ của nhau. Nguyên do thứ hai, con người ngày xưa, với kinh tế tự cung tự cấp, máu làm giàu bằng mọi giá không như bây giờ nên việc cướp được lộc, hay không được không tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, một mất một còn. Nguyên nhân thứ ba, ngày xưa nghèo, lạm dụng rượu bia không nhiều, người ta tiết chế được hành vi để phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức. Nguyên do thứ tư, tổ chức lễ hội ngày xưa, làm sai quốc pháp bị xử rất nặng và xử đúng người tổ chức.
Bây giờ đã khác xa lắm rồi. Vì vậy, nó dễ biến tướng là cũng đúng thôi. Vấn đề là thiết chế văn hóa, người tổ chức, người thực thi phải hiểu những điều đơn giản như vậy thì mới làm được mọi chuyện tốt đẹp.
Cướp giò hoa tre cầu may tại Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn ngày 24/02. Ảnh: Kinh tế Đô thị
PV: Có ý kiến cho rằng “của dân gian nên trả về với dân gian”, lễ hội truyền thống nên đậm nghi thức truyền thống, quan điểm của ông về ý kiến này? Và làm thế nào để có thể thực hiện được việc “lễ hội dân gian nên trả về với dân gian” trong cuộc sống hiện đại, hay nói cách khác sẽ thể hiện nó như thế nào để vừa đảm bảo được thuần phong mỹ tục, đúng “chất dân gian”, lại vừa có thể “phổ biến” lễ hội ấy đến những người dân ở các vùng, miền khác?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: "Dân gian" là gì nhỉ? Dân gian là trong dân, là thuộc về nhân dân. Nhưng "dân" và "nhân dân" là gì? Tôi là nhà nghiên cứu và giảng dạy, bạn là phóng viên, vậy tôi và bạn là "dân" hay "quan" đây? Trả về cho tôi và bạn hay trả về cho ai? Ai phát biểu rằng "lễ hội dân gian nên trả về với dân gian" thì người ta đã bao giờ tự hỏi “dân gian” là gì? Tôi một đời đi tìm hiểu điều đó! Nói những điều không đâu vào đâu ai mà chả nói được.
Từ khi có chế độ tư hữu và nhà nước, bao giờ “dân” cũng là dân của một thiết chế xã hội. Mối quan hệ này là khách quan, là tất yếu. Nó là lịch sử. Bằng kinh nghiệm lịch sử, nó giống như mặt trên và mặt dưới chiếc lá, nếu tách ra thì nó còn đâu là chiếc lá nữa, nó sẽ héo tàn. Không gì vô trách nhiệm, thiếu tri thức bằng phát ngôn “của dân gian nên trả về cho dân gian”.
Bởi vậy, bất cứ chủ trương nào của thiết chế cho cuộc sống đại đa số dân chúng đều không tước bỏ tính chất “dân gian” vì mục đích của nó là cho cộng đồng. Chỉ có điều là đúng và sai của các chủ trương đó. Một thiết chế xã hội đúng là thiết chế khuếch trương được thuần phong mĩ tục. Thiết chế sai là thiết chế khuếch trương hủ tục. Trong ý nghĩ của tôi, không bao giờ có mệnh đề "lễ hội dân gian nên trả về với dân gian" mà chỉ có mệnh đề "một thiết chế văn hóa hữu ích là hướng tới chân - thiện - mĩ".
PV: Mới đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh có ý kiến cho rằng nên “cần loại bỏ những lễ hội không có tính giáo dục, làm ảnh hưởng hình ảnh quốc gia”? Vậy trong quá trình nghiên cứu nhiều năm của mình, theo ông những lễ hội “cần loại bỏ” đó là những lễ hội gì?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Cách nói của ông Hoàng Tuấn Anh không sai chút nào cả. Mà ai cũng nói được như vậy với tư cách một người bình thường, một người có lương tri. Chấn hưng cái tốt, bỏ đi cái xấu thì ai mà không nói được cơ chứ, từ một đứa bé vỡ lòng.
Còn như cần loại bỏ lễ hội nào lại là điều phải nghiên cứu, bởi nhà nước ta bỏ công quỹ nuôi quá nhiều viện nghiên cứu, một mình tôi không trả lời được. Câu trả lời này thuộc về những người ăn lương nhà nước và hành sự xứng đáng với đồng lương của mình.
PV: Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nói “cần quy hoạch lễ hội". Vậy theo ông nên “quy hoạch” như thế nào?
Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Tại sao lại không quy hoạch? Chức năng nhà nước là phải quy hoạch, kể cả lễ hội.
Thời phong kiến, mọi thánh thần đều được vua phong và công nhận. Vua là đại diện quốc gia, đại diện thể chế. Thánh thần nào cũng là bầy tôi của vua. Thể chế quốc gia phải quy hoạch được lễ hội, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là vai trò, là lương tri của thiết chế văn hóa. Còn quy hoạch như thế nào là ở chỗ thiết chế đó sử dụng và tổ chức nguyên khí quốc gia như thế nào.
Xin cảm ơn ông!