Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng "ném" cảm xúc vào từng bức vẽ

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 17:04, 09/03/2015

Nếu Mai Hiên không phải là họa sĩ thì Mai Hiên sẽ khổ hơn bây giờ rất nhiều, vì bề bộn những tâm trạng không thể giải tỏa được”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Đến với hội họa như một cái “duyên” từ năm 14 tuổi, đến nay người đàn bà đẹp mang tên Bùi Mai Hiên đã trở thành một trong nữ họa sĩ nổi tiếng nhất của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Trải qua bao giông tố của cuộc đời, người đàn bà một thời của nghệ sĩ “quái” Đào Anh Khánh vẫn hồn nhiên, vẫn cười rộn ràng khi gặp lại bạn bè cũ. Niềm hạnh phúc và yêu cuộc sống thoát ra từ khuôn mặt bình thản với mọi biến cố cuộc sống và ánh mắt vui tươi, hồn hậu của chị.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên từng chia sẻ rằng “Nghệ thuật mang tôi ra khỏi khổ đau của đời mình”. Bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu cảm xúc chị “ném” cả vào tranh, nhưng xem tranh của chị, người ta vẫn thấy nét tươi vui, niềm tin yêu vào cuộc sống.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên

PV: Chị đến với hội họa từ khi nào? Và điều gì đã thúc đẩy chị đến với bộ môn nghệ thuật kén khán giả này?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tôi bắt đầu đến với hội họa từ năm 14 tuổi. Đó cũng là một sự ngẫu nhiên, hay cũng có thể là định mệnh, đó là khi tôi được gặp họa sĩ Trịnh Quốc Thụ - một người bạn của mẹ. Khi đó, mẹ tôi vẫn hay nói với bác Thụ rằng: “Con bé nhà tôi chả biết có biết vẽ không, nhưng cứ hay vẽ bậy linh tinh trong sách vở” (cười). Và bác đã khuyên mẹ cho tôi học họa.

PV: Một khởi đầu khá thú vị. Vậy làm thế nào để chị có thể tiếp tục con đường hội họa của mình?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Cần phải có “lửa”. Lửa của tôi là thứ lửa âm ỉ. Nó kéo dài hết từ năm nọ sang tháng kia trong cuộc sống của mình. Tôi cũng đã in ba cuốn sách về sơn mài. Và có thể nói một điều như thế này, một họa sĩ sơn mài mà in ba cuốn sách về sơn mài, thì “lửa” không bao giờ tắt.

Chỉ có hai năm vừa rồi, “lửa” ấy “dừng” do tôi bị nhiễm độc mầu, não bị “đơ”. Tôi đã “dừng” lại một chút để học hát và học đàn, phục hồi trí nhớ.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Thu vàng

PV: Vậy âm nhạc có ý nghĩa thế nào đối với chị?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Âm nhạc giúp tôi relax. Tôi là ca viên của Nhà Thờ Lớn, nên tôi yêu Chúa. Mà những bài Thánh ca rất tuyệt vời, giúp con người ta hướng thiện, sống đẹp.

PV: Mặc dù các họa sĩ vẫn thường nói rằng đừng quan tâm tôi dùng chất liệu gì để làm nên tác phẩm của mình. Thế nhưng, tôi vẫn muốn hỏi: tại sao chị lại chọn sơn mài làm chất liệu chính mà không phải một chất liệu khác?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tranh không phụ thuộc vào chất liệu. Nhưng để vẽ được chất liệu sơn mài thì rất kỳ công và mất thời gian.

Tôi có một tình yêu đam mê mãnh liệt với sơn mài. Tôi đã lựa chọn sơn mài, một chất liệu của dân tộc, và theo học chuyên khoa sơn mài suốt 5 năm học Mỹ thuật, và theo nó cho đến tận bây giờ. Đó là chất liệu có sẵn của dân tộc mình. Tôi yêu và muốn tìm hiểu về chất liệu mang hồn dân tộc.

PV: Người họa sĩ luôn không ngừng sáng tạo và muốn tạo ra con đường riêng của mình, hay nói cách khác “không muốn đụng hàng”. Vậy làm như thế nào để chị có thể định hình phong cách của mình và mất bao nhiêu lâu để chị nhận ra “tôi đã đi đúng con đường mà mình muốn đi và đến”?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngay từ lúc mới ra trường, từ những triển lãm đầu tiên hồi năm 1990, tôi đã không muốn “đụng hàng”. Cũng có thể do tố chất của tôi là quá thích mô-đéc (modern). Tôi sử dụng chất liệu cổ truyền dân tộc, nhưng biểu đạt bằng ngôn ngữ phương Tây.

Con đường hội họa của tôi hơi ngược so với phần đa các họa sĩ khác. Tôi không đi từ hiện thực để lên trừu tượng, mà lại ngược lại, tôi đi từ trừu tượng để trở về với nửa hiện thực, và tranh của tôi, là đời sống của tình yêu đôi lứa, tình yêu mẹ con, của thân phận người phụ nữ, thậm chí là chủ quyền lãnh thổ, môi trường, thiên nhiên…

Càng sống tôi cảm cảm thấy đó là trách nhiệm, là tình yêu của mình, nó sẽ gắn bó với mình. Càng sống tôi cảm giác mình trở nên đằm thắm, dễ thông cảm, yêu thương thân phận, nhìn thiên nhiên và con người đẹp hơn.

Tranh của tôi vẫn lung linh sắc màu. Tôi chỉ thấy cuộc sống thật đẹp, và mình đang hân hoan với việc mình làm. Nghệ thuật đền bù hết sự vất vả cho tôi. Tôi từng viết trong cuốn sách của mình rằng “Nghệ thuật mang tôi ra khỏi khổ đau của đời mình”.

PV: Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, có lẽ chị cũng ấn tượng riêng hoặc có nhiều kỷ niệm nhất với một tác phẩm nào đó chứ ạ?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: (Cười) Mỗi một giai đoạn có một vẻ đẹp, một cái hay của nó. Mình vẽ đúng với lòng mình. Và sự trả giá với tác phẩm cũng rất lớn. Đợt triển lãm “Hoan ca của sắc màu” lần này, cả bảy bức tranh mang ra trưng bày, tôi đều thích.

Nhưng quả thực là tôi không còn nhiều tranh bởi khách hàng mua cũng gần hết rồi. Tôi chỉ để lại được 3 cuốn sách cho bạn bè, người thân để họ có thể hiểu công việc và nghề mình đang làm.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên (thứ hai từ phải sang) cùng các nữ họa sĩ tham gia triển lãm tranh "Hoan ca của sắc màu"

PV: Khi nào chị biết rằng mình đã “hoàn thành” bức tranh và cho ra mắt công chúng? Có khi nào một bức tranh chị đã mang ra triển lãm, nhưng lại muốn tháo nó xuống để vẩy thêm vào đó vài vệt màu vào đó, hay xóa đi những nét “dư thừa”?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Có những bức tranh tôi đã triển lãm, đã treo ở nhà, thậm chí một, hai năm sau bỗng nhiên muốn thay đổi nó, và đã lôi xuống thay đổi. Chỉ có trừ trường hợp đã treo ở nhà khách hàng rồi thì đành chịu. (cười)

Để biết lúc nào mình kết thúc tranh, thì cần phải có năm tháng, phải có bề dày, phải có hiểu biết sâu về hội họa. Thời sinh viên, quả thật không biết đâu là xấu, đâu là đẹp. Nhìn tranh người khác, có người  khen đẹp, cũng không biết.

PV: Chị có vẽ tranh theo đơn đặt hàng không?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tôi đã từng làm khoảng 4, 5 bức sơn mài. Nhưng khách đặt hàng chỉ tả “nội dung” bức tranh muốn thể hiện, còn quyền quyết định là ở bản thân người họa sĩ.

PV: Và họ cũng không được phép yêu cầu về thời gian?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Không. (cười)

PV: Bởi vẽ tranh là thể hiện cảm xúc của mình…

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Đúng vậy. Bao giờ tôi cũng nói thế này: “Hãy cho tôi thời gian! Đối với tôi thời gian rất quý. Nhưng hãy cho bức tranh của tôi thời gian thì bức tranh của tôi sẽ quý hơn”.

PV: Nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng cần rất nhiều cảm xúc. Đôi lúc, thậm chí là nhiều lúc chúng ta thấy rất mệt mỏi. Vậy đã bao giờ chị nghĩ sẽ “buông” cái nghiệp này chưa?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tôi chưa bao giờ thấy vẽ tranh là mỏi mệt. Mọi người nói tôi “sung”. Khi tôi mỏi mệt trong cuộc sống, tôi vẽ rất nhiều. Và trong cuốn sách của tôi có một series Cơn giông Hà Nội. Khi đó tôi đã rất mệt mỏi, đau khổ. Và tôi đã từng thốt lên rằng “Nghệ thuật đem tôi ra khỏi khổ đau của đời mình”.

Nếu nói “vẽ tranh mà mỏi mệt” thì đó chỉ là mỏi mệt về thể lực mà thôi. Nhưng cái nghiệp này đã theo tôi, cái lửa trong lòng cứ thôi thúc tôi phải vẽ, không vẽ không chịu được.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Cây đời

PV: Chị từng nói rằng: “Khi vẽ tranh là tôi thiền”, “Khi vẽ tranh là tôi đi tu”. Vậy, nếu không vẽ tranh thì chị sẽ là con người như thế nào?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tôi nhớ một câu của Esenine như thế này “Nếu không là nhà thơ, tôi sẽ là kẻ cướp” (cười). Nếu Mai Hiên không phải là họa sĩ thì Mai Hiên sẽ khổ hơn bây giờ rất nhiều, vì bề bộn những tâm trạng không thể giải tỏa được.

Giờ tôi cảm thấy sung sướng bởi thấy tâm hồn trong vắt và có thể hát ở bất cứ đâu, có thể chơi đàn, có thể làm được nhiều việc khác liên quan đến nghệ thuật nếu không vẽ. Với tôi, nghệ thuật là thứ đẹp nhất trên đời!

PV: Tranh là để truyền tải cảm xúc của mình trong tranh. Chị có kỳ vọng vào việc người xem tranh cảm nhận được cảm xúc của người họa sĩ trong bức tranh ấy?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Đây là điều rất khó và tôi không có kỳ vọng làm cho tất cả mọi người hiểu tranh của mình.

Gần đây tôi có lên facebook và thỉnh thoảng “búng” một vài bức tranh sơn mài của mình lên đó. Với người khó tính thì cho rằng tôi khoe tranh, nhưng với người sâu hơn thì người ta sẽ hiểu rằng trong tận cùng nỗi lòng của mình, tôi muốn mọi người hiểu và cập nhật hơn với nghệ thuật hội họa, hiểu được tranh sơn mài của một họa sĩ, một cô, một chị, một bạn, một em Mai Hiên là như thế nào.

Tôi chỉ có một mong muốn truyền một chút xíu “lửa” và sự đồng cảm của mình tới người xem tranh mà thôi.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Sức sống S Việt Nam

PV: Bức tranh chị hoàn thành nhanh nhất là trong bao lâu?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Điều này không thể nói được. Tranh không kể ngắn dài mà nó thể hiện ở “kết quả”. Bởi có những bức tranh tôi vẽ trong ba tháng mà còn xóa đi để nửa tiếng sau có một bức tranh thấy tâm đắc.

Tôi cũng hay ngẫu hứng. Có bức tranh nghệ sĩ Trần Vũ, năm nay 85 tuổi. Tôi gặp ông trong một bữa ăn trưa, khoảng một tiếng rưỡi, hai tiếng, và về tôi vẽ.

Chân dung ấy quá ấn tượng đến nỗi mà khi lúc đó tôi còn chưa biết tên ông là gì, nhưng do sắp in sách nên đến đem hỏi nhà thơ Dương Tường, và ông bảo đó là nghệ sĩ Trần Vũ. Tôi vẫn nghi ngờ và lại đưa lên facebook. Bao nhiêu người làm cùng xưởng phim với ông Trần Vũ đều nói: “Vừa ra thần, lại vừa ra người”. Con rể lẫn con gái của ông nhắn tin đến cảm ơn Mai Hiên. Hoặc như bức tranh đạo diễn Nguyễn Khắc Phục cũng được hoàn thành trong lúc “bốc” lên ấy.

Nghệ thuật nếu chỉ có lý trí mà không có tình cảm thì sẽ rất khô. Với tôi, tranh phải lạ, tranh phải ngẫu hứng, mỗi bức là một khác nhau và phải ra cá tính người đó.

PV: Nhân nói về cá tính, có thể chị phác họa cá tính của mình bằng vài từ?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Nó thay đổi rất nhiều theo mỗi bước thăng trầm của thời gian. Ngày còn nhỏ thì Mộng mơ - Nghị lực - Chăm chỉ - Lầm lỳ. Sau đó, trải qua năm tháng thì Mộng mơ - Vui vẻ - Hỷ xả, nhưng đến bây giờ thì Thương yêu - Chan hòa - Tha thứ.

Ngày xưa tôi hơi cực đoan, không chấp nhận được cái mà tôi cho là xấu ở người khác. Còn bây giờ tôi dễ tha thứ và có cảm giác mình có cái nhìn bao dung hơn với những thứ xung quanh.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Ngẫu hứng

Vẻ đẹp Việt Nam

PV: Cuộc sống hàng ngày của một người mẹ họa sĩ sẽ như thế nào, thưa chị?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Con cái là một phần quan trọng của tôi. Tôi tạo điều kiện cho hai con của mình, dạy cho con những điều tốt. Và cho đến giờ này tôi vẫn là một người bạn của con mình, dẫn dắt con, cho con biết yêu thương, biết chăm chỉ.

Con gái tôi khi còn là sinh viên thì có nỗi buồn của sinh viên, hay khi học ở nước ngoài, thi thoảng gọi điện về khóc nấc lên, cảm giác không thở được. Nhưng tôi phải là người bình tĩnh để con có thể an tâm và dựa vào mình. Và tôi giải quyết tất cả những pha “gay cấn” qua điện thoại của con. Và bây giờ khi con tôi đã đi làm, tôi vẫn là một người bạn của con như thế. Cháu vẫn thường nói vui rằng “mẹ là quân sư của con, những lúc con khó khăn nhất mẹ lại giúp con tháo gỡ”.

Và ngoài thời gian lo cho con, tôi vẫn sống cuộc đời của mình, với giá vẽ, với sơn, với màu, với cọ. Mặc dù không muốn nói nhiều về mình, nhưng đôi khi cũng vẫn phải nói. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói để con có lửa và ngẫu hứng lên, chẳng hạn như tôi thi thoảng khoe “hôm nay mẹ vẽ được cái này rất là hay nhé”. (cười)

PV: Với tư cách là một người mẹ, và cũng có con gái, chị nghĩ sao khi nhiều bạn trẻ giờ thường than thở trên facebook rằng “tôi lạnh lắm”,”tôi cô đơn lắm”?

Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ đừng phụ thuộc nhiều vào những người bên ngoài.

Các bạn hãy là ngọn lửa, các bạn hãy sưởi ấm cho người khác. Đáng yêu nhất là khi bạn sưởi ấm cho người khác, chứ đừng chỉ biết chờ đợi người khác sưởi ấm cho mình. Các bạn nên biết rằng bạn đẹp nhất, bạn hạnh phúc nhất là khi biết tự làm cho mình ấm áp.

Xin cảm ơn chị!

Ý Thơ