Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 11:17, 03/03/2015

Đã thành thông lệ, sau tiếng trống báo hiệu người thi hối hả khẩn trương, bà con làng xã vòng trong vòng ngoài hò reo cổ vũ, cuộc thi cứ thế diễn ra vô cùng hấp dẫn, độc đáo.

Hội “cơm thi” làng Thanh Đớn đã có lịch sử qua nhiều thế hệ, trải qua bao thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử đã dần mai một. Những năm gần đây với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, địa phương, hội cơm thi làng Thanh Đớn đã được phục dựng với những nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc. Đình Cơm Thi đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tiến tới công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hội làng đình Cơm Thi xưa, hàng năm thường được tổ chức vào các ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng, những năm gần đây từ mùng 10 đến 12 tháng giêng làng lại mở hội thổi cơm thi tại ngôi đình linh thiêng này.

Làng Thanh xã Hà Thanh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) xưa thuộc xã Thanh Đán, tổng Đông Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung. Nơi đây là miền đất cổ, chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa, hình thành và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

 Đình Cơm Thi ở Thanh Đớn gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Tây Nhạc, người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông trang từ thời vua Hùng.

Tri ân công đức của Phan Tây Nhạc Ðại Vương và các vị tiền nhân có công với dân với nước, đến hẹn lại về, vào dịp mùa xuân không chỉ có quê gốc của ngài ở Hà Trung, xứ Thanh mà cả ở những địa phương ông từng lưu dấu, nhân dân đều tổ chức nấu cơm thi để chọn người nuôi quân giỏi phục vụ quân đội, vừa nấu cơm, vừa cấp tốc hành quân diệt giặc và Đình Cơm Thi Thanh Đới thờ ngài cũng gắn liền với mỹ tục này kể từ ngày đó.

Có dịp về Thanh Đớn những ngày đầu xuân, du khách thập phương sẽ có dịp hòa mình vào với lễ hội Đình Cơm Thi và đặc biệt được chứng kiến cuộc thi thổi cơm dâng cúng Thành hoàng làng…

Sau phần lễ uy nghiêm với các màn rước kiệu thờ theo nghi thức cổ. Bước vào phần hội, các giáp (thôn) cử ra từng cặp trai thanh gái đảm, ăn mặc chỉnh tề, giỏi giang việc đồng áng và nội trợ đua tài. Sau tiếng trống báo hiệu cuộc thi đã điểm, người trong cuộc thi hối hả khẩn trương, bà con làng xã vòng trong vòng ngoài hò reo cổ vũ.

Việc thi tài đòi hỏi những cô thôn nữ giã thóc, dần, sàng, nấu cơm phải nhanh nhẹn khéo tay, phải chọn thóc tốt để cơm nấu dẻo thơm, chóng chín. Những chàng trai được chọn chạy đi lấy nước, dùng cật tre và bùi nhùi kéo lửa, dùng nứa khô để nhóm lửa thổi cơm… các hoạt động được phối hợp nhịp nhàng để có nồi cơm ngon nhất, dâng cúng Thành hoàng với niềm tôn kính.

Sau một thời gian tiến hành các thao tác: kéo lửa từ cật tre khô, giã gạo từ thóc, đi lấy nước, bắc bếp thổi cơm… cặp nào nấu cơm chín trước, cơm dẻo vừa trắng lại thơm ngon đơm cúng Thánh vào lúc chính Ngọ là thắng cuộc, đồng nghĩa với giáp của cặp thi tài ấy được giải nhất. Giáp nào được giải, họ tin rằng năm đó việc đồng áng trong làng, ngoài xã sẽ phong đăng hòa cốc, mọi việc thuận lợi, may mắn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội Đình Cơm Thi, còn có các trò chơi dân gian như: đánh cờ người, đánh bài điếm, chơi đu, thi chạy thẻ, chọi gà, đấu vật… cũng diễn ra hào hứng, sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách thập phương.

Một số hình ảnh ghi tại lễ hội Đình Cơm Thi:

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Hấp dẫn hội thi cơm Hà Thanh

Thanh Phương