Hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay”: Cần tỏa sáng tinh thần “văn dĩ tải đạo”

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 21:25, 11/11/2014

Ngày 11/11/2014, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương; các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ... trên toàn quốc. Có 84 tham luận bàn sâu về vấn đề đạo đức trong văn học nghệ thuật trước tình hình mới của đất nước…

Kỷ lục số lượng tham luận

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Cùng với nhiệm vụ chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng rất coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo ra sức mạnh nội sinh quan trọng. Thời gian qua, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), ngày 9/6/2014 thẳng thắn chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, việc phản ánh đạo đức xã hội nhằm ca ngợi những giá trị đạo đức cao đẹp, đấu tranh chống lại cái giả dối, cái ác, cái thấp hèn, xấu xa luôn là đặc điểm bản chất truyền thống của văn học, nghệ thuật. Vì vậy, luận đề “Văn  dĩ  tải đạo” (văn để chở đạo) luôn luôn là ý thức thường trực của các văn nghệ sỹ chân chính. Tại Hội thảo, có đến 84 bài tham luận của các tác giả, đây là một con số kỷ lục trong các kỳ tổ chức hội thảo của Hội đồng trong những năm qua. Điều đó chứng tỏ, vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội. Trong đó có 24 tham luận đã đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại về vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn thảo bốn vấn đề cốt lõi, gồm: Vấn đề đạo đức xã hội đã được thể hiện trong văn học, nghệ thuật Việt Nam như thế nào; về thực trạng vấn đề đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay, những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; giới sáng tạo văn nghệ xác định trách nhiệm tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam hiện nay là gì? Những đề xuất, giải pháp có tính khoa học, khả thi nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nước nhà.

“Mỗi nghệ sỹ là mỗi nhà đạo đức”

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; trước thực trạng trên, những vấn đề đặt ra đối với sáng tạo văn học, nghệ thuật là gì? Qua 84 bài tham luận, có một băn khoăn chung trong giới nghiên cứu văn nghệ cả nước là: Có phải trong đời sống văn nghệ nước ta hiện nay, chức năng giải trí đang dần lấn át các chức năng cơ bản khác, trong đó có chức năng giáo dục, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc...? Phải chăng, các nhà sáng tạo văn nghệ hiện nay đang “lảng tránh” việc phản ánh vấn đề đạo đức xã hội, do vậy làm giảm vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi đắp trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam hiện nay? Ông Nguyễn Hồng Vinh trăn trở: “Chúng ta nên và cần tập trung phản ánh vấn đề đạo đức xã hội như thế nào? Với tính chất đặc thù của văn học nghệ thuật, chúng ta không chỉ tập trung ca ngợi cái tốt đẹp, cái cao thượng, hướng con người tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà còn tích cực tham gia chống lại những gì phản đạo đức, phản văn hóa”.

Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng trăn trở: Thực tiễn đạo đức xã hội hiện nay đang đặt ra vấn đề trách nhiệm và lương tâm của người nghệ sỹ trong vấn đề phản ánh đạo đức xã hội. “Mỗi nhà văn, mỗi nghệ sỹ phải vươn lên là một nhà tư tưởng, đồng thời là một nhà đạo đức. Người nghệ sỹ sáng tác không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn làm sáng tỏ, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên những giá trị đạo đức”, ông Dũng nhấn mạnh. Hơn bao giờ hết, xã hội đang cần những tác phẩm góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, sáng tác những tác phẩm có giá trị để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Lê Hoàng