"Hương sắc Hà Nội": Mang tình yêu Hà Nội đến đông đảo mọi người
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 08:06, 09/10/2014
Đây là một trong những điểm nhấn tiêu biểu nhất trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Với mong muốn tạo ra nét đặc sắc riêng của văn hóa thời trang Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa Kim Đồng kêu gọi 5 Nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của Việt Nam tạo dựng 250 bộ áo dài mang đặc trưng mảnh đất ngàn năm văn hiến để trình diễn trong chương trình “Hương sắc Hà Nội”.
Nhà thiết kế Đức Hùng, đạo diễn chương trình “Hương sắc Hà Nội” cho biết: “Đây là một chương trình thời trang nghệ thuật sắp đặt và tương tác, tạo ra một không gian sống động, mang tính biểu hiện để phác họa sinh động những giá trị nghệ thuật và văn hóa, vật thể, phi vật thể của Hà Nội. Những màn trình diễn trong chương trình biểu hiện được văn hóa truyền thống và hơi thở thời đại, thành quả của lao động, nghệ thuật và tinh thần nhân văn của người Hà Nội, thành phố vì hòa bình, trái tim nhân văn của cả nước, trí tuệ của dân tộc”.
NSƯT Đức Hùng cùng với Ngọc Khuê, Huyền Thanh trong những ngày bận rộn tập luyện cho đêm diễn 10/10
Điểm nổi bật nhất của "Hương sắc Hà Nội" là một sàn catwalk độc đáo nhất từ trước tới nay, có hình chữ Y được thiết kế ngay tại sân chính Thái Học Văn Miếu. Đây sẽ là nơi trình diễn hơn 250 chiếc áo dài từ 15 Bộ sưu tập của các Nhà thiết kế nổi tiếng. Chương trình gồm 10 màn trình diễn liên hoàn để đưa người xem từ Bộ sưu tập áo dài “Sắc màu tuổi thơ” của Nhà thiết kế Đức Hùng đến màn biểu diễn ca khúc “Hoài niệm Văn Miếu” trên chất liệu âm nhạc ca trù do ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện, rồi đến các Bộ sưu tập áo dài Hà Nội của các Nhà thiết kế Anh Thư, Lan Hương…
Sân khấu độc đáo hình chữ Y với đầm hoa sen
Các bộ sưu tập áo dài được trình diễn vào đêm 10/10 cũng rất đặc biệt, không chỉ ở chất liệu mà còn ở chủ đề, họa tiết hoặc hoa văn trên áo như nghệ thuật gốm sứ Bát Tràng, thư pháp… Đây là những bộ áo dài được thiết kế theo kiểu truyền thống, không cách điệu nên phù hợp với không gian trình diễn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trong chương trình Lễ hội áo dài còn có sự tham gia của gần 60 nghệ nhân đến từ 20 làng nghề truyền thống, tái hiện nét sinh hoạt tại các làng nghề, góp thêm một màu sắc mới, sinh động về cuộc sống của người dân thủ đô.