Cán bộ xã lập khống hồ sơ đất nông nghiệp để trục lợi
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 22:20, 25/11/2016
Theo đó, Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1968, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với Đỗ Văn Dũng là 14 năm tù giam.
Cũng với 2 tội danh này, Nguyễn Thành Huyên (sinh năm 1981, nguyên là cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất) bị tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù.
Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Phùng Hòa Bình (sinh năm 1975, nguyên Trưởng thôn 7), Nguyễn Đức Tâm (sinh năm 1970, nguyên cán bộ địa chính xã Hạ Bằng), Nguyễn Xuân Tuyết (sinh năm 1954, nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng), Vương Thị Hoa (sinh năm 1982, nguyên cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất), Nguyễn Văn Xuyến (sinh năm 1965, nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng) và Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1967, trú tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) lần lượt bị tuyên phạt các mức án từ 3 năm tù đến 7 năm tù giam.
Nhóm cựu cán bộ xã, huyện ở Thạch Thất bị đưa ra tòa xét xử
Theo cáo trạng, năm 2007, thực hiện giải phóng mặt bằng trong Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các bị cáo trong vụ án đã lập khống, giả mạo hồ sơ về diện tích đất nông nghiệp tại địa phương bị thu hồi để trục lợi cá nhân và gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng ngân sách.
Cụ thể, các bị cáo trên được UBND huyện Thạch Thất phân công vào tổ kiểm đếm tài sản số 4, tại xã Hạ Bằng. Tổ kiểm đếm tài sản này do Đỗ Văn Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng) làm tổ trưởng, còn Nguyễn Thành Huyên (nguyên cán bộ Ban giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất) làm tổ phó.
Ngày 13/6/2007, khi kiểm đếm tài sản đối với thửa đất số 9, tờ bản đồ số 12 tại địa phương, Phùng Hòa Bình nhận thấy thực tế phần diện tích này chỉ là 1 cái ao, xung quanh có khoảng 20 cây keo và đang bị một người dân tạm chiếm, dựng lều nuôi vịt. Về chủ sử dụng thửa đất thực sự, Phùng Hòa Bình biết rõ thửa đất số 9 thuộc quyền quản lý của UBND xã Hạ Bằng.
Mặc dù vậy, Phùng Hòa Bình vẫn đề nghị và được Nguyễn Thành Huyên chấp thuận cho “phù phép” để biến đất công thành tài sản riêng thông qua việc lập hồ sơ giả thể hiện thửa đất số 9 đã được giao cho 3 hộ dân ở địa phương sử dụng và đều có nhiều cây cối, công trình kiến trúc trên đất. Qua đó, Phùng Hòa Bình đã rút được gần 134 triệu đồng ngân sách.
Với cùng hành vi tương tự, nhóm bị cáo trên đã “phù phép” biến đất công thành của dân đối với nhiều trường hợp khác, lập khống hồ sơ đất đai để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tiền ngân sách.
Cũng trong quá trình kiểm đếm đất đai, hoa màu để áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, Đỗ Văn Dũng phát hiện anh Vũ Anh Tuấn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua thửa đất hơn 8.000m2 của một số hộ dân tại xã Hạ Bằng. Tuy nhiên, các bên lại không thể “sang tên đổi chủ” do pháp luật không cho phép. Từ đó, Đỗ Văn Dũng gợi ý để anh Tuấn phải hối lộ 100 triệu đồng thì mới nhận được tiền đền bù. Trên thực tế, Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên đã nhận trước 50 triệu đồng của anh Tuấn.
Hội đồng xét xử nhận định, mặc dù hầu hết các bị cáo đều không thành khẩn nhận tội như nội dung bản cáo trạng, song vẫn có đủ cơ sở để kết luận Đỗ Văn Dũng cùng 7 đồng phạm đã phạm vào 2 tội danh như Viện kiểm sát đã truy tố. Các bị cáo đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 3 tỷ đồng.
Đối với hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Văn Dũng cho rằng, khoản tiền 50 triệu đồng nhận của anh Vũ Anh Tuấn là tiền vay mượn. Song dựa trên những lời khai liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu khác đều chứng minh đó là tiền nhận hối lộ để được làm giả hồ sơ đất đai với mục đích nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nên Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.