Khai giảng năm học mới 2014-2015: Phải làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người

Chính trị - Ngày đăng : 22:01, 04/09/2014

Ngành Giáo dục cả nước đang náo nức khai giảng năm học mới 2014-2015. Đây là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạọ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Những lưu ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 4/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Phát biểu tại Lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi ân cần và chúc các cô giáo, thày giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh, các cán bộ làm công tác giáo dục - đào tạo của Thủ đô và cả nước, bước vào năm học mới dồi dào sức khỏe, phấn khởi và thu được nhiều thành tích tốt đẹp.

Khai giảng năm học mới 2014-2015: Phải làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy ngườik

Tổng Bí thư đến dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội)

Tổng Bí thư lưu ý: Phải chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học với hành, gắn học kiến thức với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Muốn vậy, điều có ý nghĩa quyết định vẫn là phải có nội dung chương trình học tập thiết thực và xây dựng được đội ngũ giáo viên vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp "trồng người". Mỗi cô giáo, thày giáo là một tấm gương sáng để học sinh noi theo.

Phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào giữ gìn nếp sống văn hoá, văn minh, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch. Các em học sinh thi đua học tập giỏi, rèn luyện đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, kính trọng thày cô, thương yêu giúp đỡ bạn bè, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng, chống ma tuý xâm nhập học đường.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư tới ngành Giáo dục

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư cho các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên.

Chủ tịch nước nhận xét và biểu dương: Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; chính sách cho học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung kịp thời; việc đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong năm 2014 nhận được sự đồng thuận của xã hội; các đội tuyển của Việt Nam tham gia thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc; giáo dục đại học từng bước đổi mới đồng bộ theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tôi thực sự chia sẻ với những khó khăn, vất vả song cũng rất vinh quang của nghề giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã phải hy sinh rất nhiều để nuôi dưỡng, dạy dỗ học trò của mình hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cố gắng hơn nữa vì sự nghiệp “Trồng người”.

Với học sinh, sinh viên, Chủ tịch nước căn dặn: “Các em là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi mong các em chăm chỉ học tập, rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sử dụng thời gian quý giá trong quãng đời học sinh, sinh viên để chuẩn bị tốt hành trang lập thân, lập nghiệp, sau này phụng sự quê hương, đất nước”.

Trao học bổng “Cùng em đến trường”

Trong chương trình Vui Tết Trung thu và lễ trao học bổng "Cùng em đến trường" tại tỉnh Ninh Bình, ngoài 110 suất học bổng "Cùng em đến trường", mỗi suất trị giá 3 triệu đồng, 10 suất bảo trợ dài hạn hàng năm (mỗi suất trị giá 5 triệu đồng), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam còn tặng thưởng cho 100 em học sinh trường Giáo dưỡng số 2 có thành tích tốt trong rèn luyện và học tập, mỗi em 500 nghìn đồng (số tiền này sẽ được nhà trường trao lại khi các em ra trường) và tặng 570 suất quà Trung thu, mỗi suất trị giá 150 nghìn đồng cho trẻ em địa phương.

Tại lễ trao học bổng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoan nghênh sáng kiến tổ chức trao học bổng "Cùng em đến trường" tại trường giáo dưỡng, coi đây là hành động thể hiện sự giao lưu và hoà nhập đối với trẻ em tuổi vị thành niên nói chung, đặc biệt là đối với học sinh đang học tập tại trường giáo dưỡng nói riêng. Phó Chủ tịch nước yêu cầu Trường Giáo dưỡng số 2 tiếp tục khẳng định vai trò trong việc giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến, đưa nhà trường trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tràn đầy tình yêu thương, đoàn kết để các học sinh giúp nhau tiến bộ; đẩy mạnh các hoạt động thiết thực góp phần tăng cường hiểu biết về kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho học sinh, thúc đẩy phong trào học tập, tu dưỡng, rèn luyện trong nhà trường để có thêm nhiều thanh thiếu niên tiến bộ, đóng vai trò là những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, qua 20 lần tổ chức các chương trình "Em không phải bỏ học" và "Cùng em đến trường" do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất và phát động, từ năm 2012 đến nay hai chương trình này đã đến với 58 tỉnh, thành phố, trao học bổng cho các trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá hàng chục tỷ đồng.

Đỗ Huyền