Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2014): Lời của Bác là lời non nước
Chính trị - Ngày đăng : 07:58, 02/09/2014
Di chúc kết tinh những giá trị lịch sử, văn hoá, tư tưởng của Người, là một chương trình hành động trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước sau khi nước nhà thống nhất...
Những lời căn dặn thiêng liêng
Nội dung bản Di chúc là những lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và sự đoàn kết trong Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới và vài dòng nói về việc riêng. Ẩn sau những lời dặn dò mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cân nhắc khi viết từng câu, từng chữ ấy chính là sự quan tâm sâu sắc của Người đối với mọi vấn đề của dân tộc, là tình yêu bao la mà Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong bản Di chúc bất hủ, Người đã đúc kết những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu nhất của cách mạng nước ta, trong đó cốt lõi nhất là bài học xây dựng, bồi đắp mối quan hệ máu thịt Đảng - Nhân dân. Người xem đây là nền tảng tạo nên sức mạnh của cách mạng, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Người nêu lên điều mà suốt đời Người quan tâm: “Trước hết nói về Đảng”. Người khẳng định “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người căn dặn “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta và nhấn mạnh “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” nên “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Không chỉ được nhắc tới một lần, vai trò và nhiệm vụ to lớn, cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần xuyên suốt bản Di chúc, trong những lời căn dặn của Người về nhân dân lao động, về đoàn viên và thanh niên, về phong trào cộng sản thế giới. Gửi gắm trong từng câu, từng chữ ấy là sự tin tưởng và kỳ vọng sâu sắc của Người vào Đảng.
Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng lại trở về với con người. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Bác đặc biệt quan tâm đến con người, trong đó dành nhiều tình cảm cho nhân dân lao động. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, nhân dân lao động chính là động lực để thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, Người căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Sau những lời căn dặn tỉ mỉ đối với mọi công việc của đất nước, mọi tầng lớp nhân dân, Người dành những dòng sau cùng để nói về mình. Đây cũng chính là những dòng đầy cảm động, thể hiện tấm gương đạo đức mẫu mực của một người “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” và dù phải từ biệt thế giới này thì cũng “không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên phẩm chất, nhân cách của một con người vĩ đại mà khiêm nhường hết mực.
Giá trị bất hủ bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trên thế giới, nhiều vĩ nhân cũng để lại di chúc, nhưng có thể nói không có bất cứ bản di chúc nào thể hiện tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của một vị lãnh tụ với Tổ quốc, với nhân dân và vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc có giá trị sâu sắc như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người viết: “Suốt đời, tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay, dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc chẳng những là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân, mà còn là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
Di chúc của Người còn là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, theo Người thì Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc cũng đã nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng cầm quyền còn phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Vì vậy, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Với tầm nhìn của một vị lãnh tụ, Người cho rằng, cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng đã được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Vì vậy, Người dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” và chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”...
Như vậy, có thể nói, Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam. Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn vô cùng quan trọng - là tiền đề của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Với ý nghĩa đó, những ngày này, chúng ta nhớ đến Người, tìm hiểu Di chúc, chúng ta càng thêm khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người. Người đã đi xa nhưng lời của Người căn dặn trong Di chúc vẫn là ngọn đèn soi sáng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường cách mạng, ra sức phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.