Cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh): Nét đẹp tâm linh của người dân biển
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 22:41, 31/01/2014
Ở các Làng ven biển Nam bộ, nơi nào cũng có ngôi miếu thờ Cá Voi mà bà con ngư dân gọi là Cá Ông - tôn sùng là Đức Ông Nam Hải hoặc Nam Hải Đại tướng quân như là Tổ nghiệp. Hàng năm ngư dân mỗi Làng ven biển tùy theo mùa gió của từng vùng, chọn cho mình ngày lễ hội Nghinh Ông. Có dịp nào đó, bạn hãy đến với Mỹ Long, Trà Vinh để được cùng người dân nơi đây Nghinh Ông tạ ơn trời biển…
Lễ hội đậm chất truyền thống dân gian
Lễ hội cúng biển Mỹ Long hay còn gọi lễ hội Nghinh Ông thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với biển cả, đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ. Đây là lễ hội được người dân địa phương duy trì hàng trăm năm nay. Qui mô tổ chức lễ hội ngày càng lớn cùng với các nghi thức được tiến hành chu đáo theo truyền thống. Phần hội được tổ chức, phục vụ nhu cầu giải trí của ngư dân địa phương và du khách. Vào dịp này, hàng vạn người dân khắp nơi về thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang để vui đón lễ hội cúng biển.
Tại ngôi làng cổ vùng ven biển Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 30km, vào ba ngày 10, 11 và 12 tháng 5 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội cúng biển Mỹ Long rất sôi động. Lễ hội này là nét đẹp tâm linh đặc trưng của ngư dân miền duyên hải, tỉnh Trà Vinh.
Cúng biển Mỹ Long mang tính tâm linh của người đi biển
Ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch được xem như ngày đầu tiên của Lễ hội cúng biển Mỹ Long. Trong ngày đầu tiên này, những người trong Ban Hội Miếu Bà Chúa Xứ tất bật chuẩn bị cho lễ như quét dọn, trang trí đường sá, cổng chào, chuẩn bị nấu nướng để có bữa cơm tươm tất đãi du khách thập phương. Tất cả những người phục vụ cho lễ hội đều là thành viên tự nguyện. Chi phí cho lễ hội cũng từ nguồn đóng góp hảo tâm của mọi người. Buổi chiều ngày hội đầu tiên này cũng là buổi chiều khách thập phương từ các nơi trong và ngoài tỉnh nườm nượp đổ về bãi biển Mỹ Long.
Sau ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch được xem như ngày nhóm hội, buổi lễ Nghinh Ông chính thức bắt đầu từ tờ mờ sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch. Sáng sớm, có một đoàn thuyền được tập hợp từ chiều bữa trước, kéo còi rời bến đi rước Ông. Trên thuyền chính trang bị dàn nhạc ngũ âm, múa lân. Thuyền treo cờ kết hoa, dừng lại ở nơi cửa sông và biển giáp nhau, có ba hồi tù và vang lên, sau đó đoàn tàu nhất loạt phụt khói đen, lướt sóng tiến ra biển. Kèn và trống nổi lên không dứt, tạo nên một âm thanh sôi động trên cả một vùng biển. Có lẽ do có sự trùng hợp nào đó của tự nhiên mà có năm khi đoàn thuyền ra biển rước Ông, gặp ông lên Voi. Bà con ngư dân nói, năm ấy được mùa. Sau đó đoàn thuyền quay trở về. Chiếc thuyền đi đầu được coi như anh hùng của vạn lạch.
Sau khi đoàn ghe Nghinh Ông từ biển trở về là Ban Hội Miếu tổ chức phần cúng lễ tại làng. Các chủ thuyền cúng ngay tại thuyền mình. Riêng phần lễ cúng của làng là cúng tiền hiền, hậu hiền. Việc tiếp và đãi khách thập phương ăn uống là niềm vui với người đi biển. Họ chia sẻ với nhau ly rượu chung trà, chén cơm trắng, cá tươi và cả những lời chúc tốt đẹp. Đến chiều, khi mặt trời lặn là bắt đầu vào lễ tế Chúa Xứ Nguyên Nhung. Tại buổi lễ này, một vị trong Ban hương chức đọc văn tế và lễ xướng. Dịp này, có nhiều tiết mục văn nghệ theo thể loại hát bội rất là sôi động, đặc biệt là màn các cô bóng múa bông rất sôi động và hấp dẫn.
Phần cuối cùng của lễ là lễ cúng chánh tế, bắt đầu 12 giờ khuya cùng ngày. Lễ cúng là một con heo, hai mâm xôi, rượu và trà. Điều khiển buổi lễ cúng là một ngư dân cao tuổi, có uy tín trong làng. Học trò lễ và dàn nhạc ngũ âm là những người đàn ông được chọn trong số ngư dân địa phương.
Ngày thứ ba tức là đến sáng ngày 12 tháng 5 âm lịch là lễ nghinh Ngũ phương. Người ta khiêng kiệu đi đường bộ, vừa đi vừa đánh trống vòng theo 5 hướng qua chợ Mỹ Long và các ấp lân cận. Đúng Ngọ, ban tổ chức đặt heo quay lên chiếc tàu, có đáy kết bằng chuối cây, vỏ tàu bằng nan tre, được dán giấy vẽ màu giống như tàu thật, trong tàu có đủ tài công, thủy thủ và các vật dụng đi biển làm bằng giấy. Khi tàu chở đầy đủ lễ vật: heo cúng, gạo, muối; lúc đó vị pháp sư “điều binh khiển tướng” xuống tàu chở “chư vị” để tống ra khơi. Tàu dần trôi theo dòng nước mang theo lời nguyện cầu gửi gắm của dân làng ven biển một năm mưa thuận gió hòa. Đến khi mọi người dự lễ trên bờ không còn nhìn thấy chiếc tàu vừa thả nữa thì một hồi trống bãi chầu vang lên, kết thúc buổi lễ.
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long kết thúc trong sự lưu luyến của khách thập phương. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như những luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân Mỹ Long trong mùa biển mới.
Phong tục tâm linh của người đi biển
Đối với nghề đi biển, rủi ro là chuyện phải chấp nhận. Mỗi dịp ngư dân ra khơi, sau lưng họ có biết bao người thân từng giờ mong đợi. Do vậy, đối với ngư dân Mỹ Long, bến tàu, bến ghe không chỉ là bến đậu mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông giữa chốn muôn trùng ấy trở về.
Nghi thức cúng thần
Làm nghề đi biển, bà con ngư dân chẳng những nặng tình nghĩa mà còn rất xem trọng tâm linh. Ở các Làng ven biển Nam bộ, nơi nào cũng có ngôi miếu thờ Cá Voi mà bà con ngư dân gọi là Cá Ông - tôn sùng là Đức Ông Nam Hải hoặc Nam Hải Đại tướng quân như là Tổ nghiệp. Tục truyền rằng, những người đi biển lúc gặp lâm nguy, chỉ cần van vái Ông thì sẽ được cá Voi nổi lên sát mặt nước, phù hộ độ trì cho thuyền bè vượt qua cơn sóng gió. Rước Ông Nam Hải về trong ngày cúng biển là để cho người đi biển và người thân của mình được dịp trả ơn Cá Voi cứu mạng. Hàng năm ngư dân mỗi Làng ven biển tùy theo mùa gió của từng vùng, chọn cho mình ngày lễ hội Nghinh Ông để tạ ơn biển khơi đã cho gia đình họ sự trù phú, ấm no và cầu cho “dân an quốc thái”.
Cúng biển Mỹ Long nằm trong phong tục tâm linh đó của người đi biển. Vì vậy, cứ nửa mùa biển là ngư dân phải tổ chức “cúng biển” trả lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Với ý nghĩa đó, cuối năm 2013 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Lễ hội cúng biển Mỹ Long ở xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ hội để huyện Cầu Ngang nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung quảng bá, giới thiệu những hình ảnh về đất nước, con người vùng biển với bạn bè gần xa.
Lễ hội cúng biển Mỹ Long là di sản phi vật thể thứ hai của Trà Vinh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận. Trước đó, tháng 4 năm 2013, nghệ thuật Chầm - riêng Chà pây của nghệ nhân Khmer ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.