Xét xử phúc thẩm "siêu lừa" chứng khoán
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 17:36, 18/10/2016
Trước đó, ngày 12/9/2013, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được áp dụng theo điểm a khoản 4 Điều 139, điểm g khoản 1 Điều 48- Bộ LHS.
Bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa tại phiên tòa phúc thẩm
Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2008, Nghĩa đã tự giới thiệu có quen biết với một số người có khả năng mua giúp được cổ phiếu OTC ưu đãi và chắc chắn sẽ lãi 5 - 10%. Tưởng thật, nhiều người đã đưa tiền cho Nghĩa để đầu tư chứng khoán. Tổng cộng, Nghĩa đã chiếm đoạt số tiền hơn 42,7 tỷ đồng.
Cụ thể, từ tháng 3 - 12/2007, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Hà Nội) đã chuyển vào tài khoản của Nghĩa tại Techcombank hơn 18,758 tỷ đồng. Để tạo lòng tin, Nghĩa đã chuyển trả lại cho bà Oanh gần 3 tỷ đồng, nói là tiền lãi từ đầu tư chứng khoán. Số tiền còn lại 15,869 tỷ đồng, Nghĩa đã chiếm đoạt của bà Oanh. Theo bà Oanh, ngoài số tiền chuyển khoản trên, bà còn trực tiếp đưa cho Nghĩa hơn 15,732 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng bà Oanh đưa cho Nghĩa 34,5 tỷ đồng, nên Nghĩa đã viết cho bà Oanh một giấy nhận nợ 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghĩa chỉ thừa nhận còn nợ của bà Oanh 300 triệu đồng. Ngoài ra, không có chứng cứ nào khác để chứng minh, nên chỉ có đủ cơ sở kết luận Nghĩa đã chiếm đoạt của bà Oanh 15,869 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Phạm Cẩm Hương (Hà Nội) có đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Kim Oanh có hành vi chiếm đoạt của bà Hương 12,85 tỷ đồng, là tiền mua bán cổ phiếu.
Qua điều tra xác định, khoảng tháng 10/2007, khi bà Oanh đưa tiền cho Nghĩa, thì bà Hương có nhờ bà Oanh đưa tiền cho Nghĩa để mua bán cổ phiếu. Ban đầu, bà Hương thông qua bà Oanh đã đưa cho Nghĩa khoảng 8 tỷ đồng để mua cổ phiếu. Nghĩa đã thanh toán cho bà Hương cả gốc lẫn lãi. Đến tháng 12/2007, bà Hương trực tiếp chuyển vào tài khoản của Nghĩa 8,68 tỷ đồng và bà Hương đã thông qua bà Oanh đưa cho Nghĩa 4,17 tỷ đồng.
Bà Oanh thừa nhận cầm tiền của Hương và đưa cho Nghĩa, nhưng Nghĩa không thừa nhận đã cầm số tiền này. Bởi vậy, Nghĩa có trách nhiệm bồi thường cho bà Hương 8,68 tỷ đồng, còn 4,17 tỷ đồng bà Oanh phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Hương.
Xét việc bà Hương tự nguyện đưa tiền cho bà Oanh để đưa cho Nghĩa mua cổ phiếu, bà Hương cũng trực tiếp nộp tiền vào tài khoản của Nghĩa, Nghĩa chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bà Oanh, nên không có đủ cơ sở kết luận bà Oanh đã chiếm đoạt số tiền trên. Bởi vậy, Cơ quan điều tra quyết định không xử lý về hình sự đối với bà Oanh.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Nghĩa còn lừa chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại khác. Tổng số tiền Nghĩa chiếm đoạt tài sản của các bị hai lên đến gần 47 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền của các bị hại, Nghĩa không sử dụng vào việc mua bán chứng khoán như đã hứa, mà dùng vào chi tiêu cá nhân và hiện không có khả năng thanh toán.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chồng bị cáo Nghĩa luôn cho rằng vợ mình bị oan và mong muốn HĐXX hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại vụ án để trả lại sự công bằng cho vợ mình.
Tại phiên toà phúc thẩm, qua xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, xét đề xuất của vị đại diện Viện KSND, luật sư Chu Văn Khang đều đề nghị hủy bản án để điều tra lại vì có nhiều tình tiết cần phải làm rõ.
Sau nghị án, HĐXX quyết định chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nghĩa, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.