Nghìn năm vó ngựa Đông Tây
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 20:46, 30/01/2014
Người Việt Nam tự hào về ngựa sắt của Thánh Gióng. Vì đất nước có giặc ngoại xâm, cậu bé lên ba phải vươn mình lớn dậy, ăn mấy nong cơm với cà để cưỡi ngựa sắt, mang voi sắt, giáp sắt đi đánh giặc. Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa sắt về trời. Vua Hùng Vương nhớ ơn cho lập đền thờ và phong chàng là Phù Ðổng Thiên Vương mà dân ta hay gọi là Thánh Gióng.
Cũng gắn với truyền thống chống giặc ngoại xâm là hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông (1279-1298). Sau khi phá tan quân Nguyên Mông lần thứ hai, vua ra bái yết sơn lăng, thấy những con ngựa đá ở lăng lấm bùn, vua cảm khái đọc hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”, nghĩa là: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng”.
Một địa danh liên quan đến ngựa mang dấu ấn chống giặc ngoại xâm là núi Mã Yên tại Chi Lăng, nơi quân ta đã chém đầu được An Viễn Hầu Liễu Thăng và hơn một vạn binh sĩ của địch trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV.
Trong Hình pháp, luật lệ xưa có một hình phạt nặng nhất. Ðó là “Tứ mã phanh thây” - tức là cột tứ chi của tội nhân cho bốn con ngựa kéo về bốn phía khác nhau.
Ngựa xích thố trong hội họa Trung Quốc
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có nhiều Sấm ký còn truyền tụng đến ngày nay có câu về ngựa như: “Mã đề dương cước anh hùng tận/Thân Dậu niên lai kiến thái bình”.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, hình tượng ngựa cũng được cha ông ta sử dụng rất nhiều. “Thay ngựa giữa dòng” nói về sự phản bội. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” nói về đối nhân xử thế, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau. Nói về lòng tham vô đáy của con người: “Ðược đầu voi, đòi đầu ngựa”. Nói về ý chí con người, có thử thách mới biết người tài giỏi: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Nói về họa phúc thì có câu: “Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi”. Nói về thói quen và tật xấu: “Ngựa quen đường cũ”, hay còn câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa). Nói về gia đình, vợ chồng thì có: “Gái có chồng như ngựa có cương”, hay: “Ngựa nào gác được hai yên”. Nói về xem người tốt xấu: “Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem xoáy”, “Ngựa hay thường có tật”…
Ở phương Tây, trong thần thoại La Mã, có quái nhân mình ngựa, đầu người mà thường được gọi là “Nhân Mã”. Trong khoa Thiên Văn - Tây Phương cũng đặt tên cho chòm sao trên trời gọi là chòm sao “Nhân Mã”. Xếp hàng thứ chín trong mười hai quẻ bói của bói toán Tây Phương cũng có tên “Nhân Mã”.
Không mấy ai không biết câu chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ XII trước kỷ nguyên - đó là câu chuyện “Con ngựa gỗ Thành Trois”. Trong suốt cuộc chiến dai dẳng 10 năm trời tại vùng đất mà bây giờ người ta gọi là Hy Lạp, nhờ mưu kế của Odyssey, người ta đã thiết kế một con ngựa gỗ khổng lồ cho quân lính vào trong ẩn náu. Số quân sĩ còn lại rút lui. Quân đội thành Trois vì không ngờ nên hì hục kéo ngựa gỗ vào thành mà tưởng là “chiến lợi phẩm” rồi tổ chức ăn mừng chiến thắng. Ai dè đâu tự họ đã mở cửa thành rước quân địch vào mà không hay. Cuối cùng, chuyện gì xảy đến thì đã xảy đến. Thành Trois đã bị bại trận.
Ở bên Tàu thì có quá nhiều chuyện về ngựa. Riêng trong “Tam quốc diễn nghĩa” đã có nhiều chuyện về ngựa thật hay. Ngựa Xích Thố của Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220). Vì muốn thu phục Lã Bố nên Đổng Trác mang con ngựa quý giá này tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình, quy phục và trở thành con nuôi của Đổng Trác. Sau đó, ngựa rơi vào tay Tào Tháo. Tào Tháo tặng cho Quan Vân Trường…
Tào Tháo còn có con ngựa quý khác có tên là Tuyệt Ảnh. Tuyệt Ảnh có nghĩa là phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi kịp được. Có trận Tào Tháo không ngờ lại bị trúng kế, may có ngựa Tuyệt Ảnh mới thoát chết.
Đích Lư vốn là ngựa của Trang Vũ. Triệu Vân giết Trương Vũ để cướp ngựa. Lưu Bị tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Lưu Biểu lại thấy con ngựa này có tướng sát chủ nên không nhận. Một lần khi nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng lên ngựa Đích Lư chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, đến bên suối Đàn Khê. Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên vội điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: “Đích Lư! Đích Lư! Hôm nay mi hại ta rồi!”. Đích Lư bỗng nhiên vùng lên, bay vọt sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa” còn có “Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử” của Triệu Vân, “Ô Vân Đạp Tuyết” của Trương Phi, “Hãn huyết bảo mã” của Mã Siêu… rất nổi tiếng.
Gần đây, điệu nhảy Gangnam style của Psy (Hàn Quốc) mô phỏng những động tác cưỡi ngựa còn gọi là “Nhảy Ngựa” đã được mọi người khắp nơi trên thế giới đón nhận rất cuồng nhiệt. Ở Việt Nam thì “Nhảy ngựa” là trò chơi dân gian, bài “Lý ngựa ô” cũng vui nhộn chả khác gì Gangnam style…