Xét xử đại gia ngành thép về tội lừa đảo
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 17:11, 11/10/2016
Đây là phiên tòa phúc thẩm lần thứ 2. Bản án sơ thẩm năm 2013, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Toàn 15 năm tù về tội danh trên.
Sau đó, bị cáo kháng án kêu oan. Nạn nhân là ông Đặng Lê Hoa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH cán thép Tam Điệp cũng kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Toàn tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay.
Theo nội dung vụ án, đầu năm 2008, Toàn vay của ông Hoa số tiền 18,9 tỷ đồng; lãi suất 1%/tháng. Hai bên thống nhất gộp số tiền 20,1 tỷ đồng mà Công ty Kim khí còn nợ Trung tâm dịch vụ thương nghiệp xây lắp Thái Nguyên và Công ty cán thép Tam Điệp (gồm nợ cũ, nợ vay ngày 27/12/2007) thành giấy nhận nợ mới là 50 tỷ đồng.
Ngày 18/1/2008, ông Hoa và Toàn lập Biên bản thỏa thuận và Giấy xác nhận vay tiền. Một tháng sau, ông Hoa thông báo tăng lãi suất lên 1,2% tháng.
Đến ngày 6/6/2008, Toàn trả số tiền 10,3 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp và Xây lắp Thái Nguyên. Do đòi nợ không được, ông Hoa khởi kiện ra TAND TP Thái Nguyên yêu cầu Toàn trả lại số tiền 40 tỷ đồng. Nguyễn Thị Toàn phản tố cho rằng từ tháng 4 - 12/2007, Công ty cán thép Tam Điệp còn nợ Công ty Kim khí 2.947 tấn phôi thép trị giá 26,6 tỷ đồng. Toàn đề nghị bù trừ vào món nợ vay của ông Hoa. Không chấp nhận lý do trên, ông Hoa yêu cầu tách khoản nợ 40 tỷ đồng thành 2 phần. Số nợ cũ 21 tỷ đồng để lại TAND TP Thái Nguyên giải quyết theo thủ tục dân sự. Còn số tiền vay cá nhân 18,9 tỷ đồng đề nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Tại cơ quan điều tra, Toàn khai nhận số tiền 18,9 tỷ đồng nộp vào tài khoản của Công ty Kim khí để làm vốn kinh doanh. Bị cáo không đồng ý trả nợ vì khoản nợ còn liên quan đến việc chuyển nhượng 5.000 cổ phiếu của ông Lê Anh Dũng (trước là cố vấn Công ty Kim khí). Toàn nộp “biên bản làm việc” đề ngày 6/4/2007 về công nợ ba bên giữa Công ty Kim khí, Trung tâm dịch vụ thương nghiệp xây lắp và Công ty cán thép Tam Điệp, có nội dung “nhận nợ với điều kiện tôi (bà Toàn) và ông Dũng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cổ phiếu ký ngày 6/4/2007” và “Sau ngày 31/6/2008, ông Dũng không thực hiện cam kết cổ phần, cổ phiếu tôi có quyền dùng số phôi thép giao nhận sau ngày 6/4/2007 để bù trừ công nợ giữa tôi và ông Hoa tại mọi thời điểm”.
Cấp sơ thẩm cho rằng, kết quả giám định biên bản làm việc ngày 6/4/2008, không có điều kiện ràng buộc khi chuyển giao công nợ. Toàn đã đơn phương ghi thêm ý kiến của mình với 2 nội dung trên. Do đó, điều kiện này là không có căn cứ và không có giá trị đối với ông Hoa và ông Dũng. Mặt khác, việc chuyển nhượng 5.000 cổ phiếu còn kèm điều kiện Toàn phải thanh toán 7 tỷ đồng gốc lãi cho ngân hàng. Nhưng suốt thời gian đó, Toàn không có bất cứ giao dịch nào. Việc Toàn đưa ra lý do ông Dũng vi phạm hợp đồng là trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Tại phiên tòa cấp phúc thẩm HĐXX cho rằng, các nội dung viết thêm và sử dụng phiếu thu giả không phải là thủ đoạn gian dối để bị cáo chiếm đoạt tiền. Để tránh oan sai và hình sự hóa quan hệ dân sự.
Từ nhận định trên, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm nhằm điều tra làm rõ trong số tiền 10,3 tỷ đồng bị cáo đã trả nợ có bao nhiêu gốc, lãi của khoản 18,9 tỷ đồng; số tiền 18,9 tỷ đồng sau khi nhập quỹ bị cáo có rút ra chi tiêu và sử dụng bất hợp pháp hay không.