Không gì bằng có được lòng dân
Chính trị - Ngày đăng : 22:54, 01/09/2014
Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khách ngày 2/9 năm nay, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Tư lệnh Trại giam phía Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) và Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ. Câu chuyện của hai vị tướng đều có điểm chung nhất, đó chính là lòng dân.
Thiếu tướng Hồ Thanh Đình: “Càng gần dân thì thế trận an ninh nhân dân càng vững chắc”
Được sinh ra trên mảnh đất anh hùng Quảng Bình cũng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiện ông là Tư lệnh Trại giam phía Nam (từ Thanh Hóa đến Cà Mau), dấu chân Thiếu tướng Hồ Thanh Đình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) - in đậm tại hàng chục trại giam. Suốt quá trình sống, làm việc gần người dân và giờ là lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an ông vẫn không thể nào nguôi ngoai cái tinh thần “lấy dân làm gốc” mà ngày xưa Bác đã dạy.
Chúng tôi đến thăm ông nhân dịp kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9, mặc dù công việc rất nhiều và bận rộn ông vẫn tươi cười, niềm nở chào đón chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Ngồi nghe ông chia sẻ những kỷ niệm trong những dịp lễ Quốc khánh trước, trong đó có một câu chuyện mà người kể cũng như người nghe điều cảm thấy nghẹn lòng.
Nhớ lại những năm còn làm cán bộ lãnh đạo ở trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), khi đến thăm hỏi người dân ở làng dân tộc, xã Tân Ha, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhân dịp Quốc khánh, ông không khỏi bùi ngùi khi mà cả 71 hộ dân người dân tộc nơi đây không biết ngày 2/9 là ngày gì. “Bà con nơi đây chỉ biết ngày 30/4 là ngày thống nhất đất nước chứ họ không biết ngày Quốc khánh 2/9 là gì, do cả làng ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là người dân tộc nên công tác tuyên truyền đến với họ còn rất nhiều khó khăn và hạn chế. Lúc đó mình phải nói cho họ biết ý nghĩa của ngày 2/9 và kể lại cho họ nghe bằng tất cả những gì mình biết về ngày trọng đại và thiêng liêng của Tổ quốc” - Thiếu tướng Đình kể.
Thiếu tướng Hồ Thanh Đình đang chia sẻ về những kỷ niệm của mình
Nhận thấy người dân nơi đây còn quá nhiều khó khăn, ông đã chỉ dẫn họ trồng trọt, khuyến khích họ trồng rừng và đặc biệt là cấp đất cho từng hộ dân nơi đây để họ có cái mà canh tác, có cái mà tăng gia sản xuất để thoát khỏi cái nghèo luôn đeo bám họ bấy lâu nay. Nhiều hôm cùng dân trồng rừng, làm rẫy ông cũng ở lại cùng ăn cơm với dân như những người bạn cùng làm nông chính hiệu. Ông Đình cũng là người đầu tiên đem hạt giống, kỹ thuật nông nghiệp về cho bà con nơi đây.
Như thấu hiểu hết tấm lòng cao quý của một người cán bộ hết lòng vì nhân dân, tất cả những người dân nơi đây luôn chấp hành tốt những chỉ thị, quy định của Nhà nước đề ra. Ông Đình kể, có lần họ còn nói thẳng với ông rằng: “Cán bộ cứ yên tâm, cho dù có chuyện phạm nhân nơi đây trốn trại thì tụi tôi cũng không che giấu mà bắt mang đến cho cán bộ ngay”. Ông kể đến đây thì cười hạnh phúc như mình vừa có được kho tàng châu báu. “Tôi thấy thương và cảm động lắm trước sự chân chất thật thà của bà con, cảm thấy hành động của mình đã khiến cho người dân an tâm và hết lòng cùng với cán bộ góp phần xây dựng đất nước”. Thật không khác với câu: “Chúng chí thành thành” (quần chúng là lớp lớp thành trì giữ nước) mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nói từ hơn 700 năm trước.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm thăm hỏi bà con nhân dân
Hay chuyện một mình bất chấp nguy hiểm vào biển lửa để cõng ba phạm nhân ra trong vụ cháy tại một khu rừng giáp với trại giam (Giai đoạn 1993 - 1995, ông Đình là Phó giám thị Trại giam Z30D), mặc dù bị cấp dưới ngăn cản nhưng ông vẫn chạy vào rừng cứu được nhiều người, trong đó có phạm nhân tên Nguyên, thụ án 18 năm, hai người còn lại do lâu quá ông không thể nhớ tên. Đưa phạm nhân ra khỏi ngọn lửa, ông Đình dùng xe máy chở từng người đi cấp cứu ở bệnh xá. Ông cầm lái, một phạm nhân ngồi giữa, một quản giáo ngồi sau cùng đi. Nhưng vết thương quá nặng, anh Nguyên không qua khỏi, hai phạm nhân còn lại thì sống. Lợi dụng tình hình, phạm nhân Châu Phú trốn trại vào buổi trưa cùng ngày. Giữa đám khói đen kịt, ngọn lửa hung hãn đang xâm chiếm nhà giam, nghe Phó giám thị Đình hét to: “Bằng mọi cách phải cứu phạm nhân. Phạm nhân cũng là người”, thì lúc này hắn mới bò ra khỏi nơi trốn và sau đó hắn mới tự thú là có ý định trốn trại. Một câu nói thôi mà đã cảm hóa được một con người khi đó là tội phạm.
Đối với ông Đình việc hàng đầu của người cán bộ là hãy xóa tan khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân hay ngay cả phạm nhân cũng thế, hãy dùng hành động- nhân tâm để làm điều đó. “Càng gần dân thì thế trận an ninh nhân dân càng vững chắc!”- ông quả quyết.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: “Nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn”
Sau khi chia tay với Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, anh em chúng tôi tiếp tục đến thăm Thiếu tướng Hồ Việt Lắm- nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, người gắn chặt với Kế hoạch CM12 trong vai trò như một “Kinh Kha thời tam quốc” với ám danh NKA2 (lúc đó Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm, suy nghĩ về những năm tháng sau Giải phóng, ông cho biết: Trong hơn 3 năm (từ 1981 đến tháng 9/1984), địch đã đưa quân về trong nước và chúng ta đã đón bắt tại Hòn Đá Bạc 18 chuyến xâm nhập, với 189 tên gián điệp, biệt kích, trong đó có 2 trong 3 tên cầm đầu tổ chức; 143 lượt tàu với 3.679 khẩu súng các loại; 90 tấn đạn; 1.200kg chất nổ; 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác.
Ta đã bắt sống Mai Văn Hạnh và phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức tôn giáo…
Để có được chiến thắng vẻ vang đó, công đầu phải kể đến người đã nhiều lần được đồng đội tế sống trước khi trà trộn vào lòng địch. Một trong những người đó là Thiếu tướng Hồ Việt Lắm. Ông sinh ra ở quê hương xứ dừa, giàu truyền thống cách mạng tỉnh Bến Tre nhưng Thiếu tướng Hồ Việt Lắm phần lớn phải làm việc xa quê và gắn bó hơn nửa đời làm việc ở Cà Mau, vùng cực Nam của Tổ quốc.
Khi chúng tôi nhắc đến chiến công lẫy lừng của ông thì ông vội cắt ngang: “Chiến thắng đó công lớn là ở nhân dân. Tôi và các đồng chí lãnh đạo trong kế hoạch sẽ không chiến thắng được nếu như không có được sự giúp đỡ của bà con nhân dân. Nhớ khi bắt đầu Kế hoạch CM12, nhiều khu vực bãi biển bỗng dưng bị “hạn chế”, nhưng hiểu được ý nghĩa của sự bình yên, nhiều bà con nhiệt tình giúp phương tiện, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ”.
Đến hôm nay tuy đã được nghỉ hưu nhưng Thiếu tướng Hồ Việt Lắm vẫn không quên việc chăm lo cho cái “gốc” của nước nhà, ông đã vận động các Mạnh Thường Quân tổ chức nhiều chuyến làm từ thiện, góp phần hỗ trợ - giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, như việc ông đã vận động, xây giúp cho nhiều xã thuộc các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước và Đầm Dơi,… trên 20 căn nhà tình nghĩa, tình thương, gần 20 cầu giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa hàng chục kilomet đường, hơn 20 ngàn phần quà cho đồng bào nghèo nhân dịp lễ, Tết, khai giảng năm học mới.
Đối với Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, ngày Quốc khánh năm nay có phần đặc biệt hơn vài năm trước. Đó là khi trước đó có các thế lực thù địch bên ngoài “lăm le” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, thông qua vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc, ta mới thấy được lòng yêu nước của nhân dân, thấy được sự khôn khéo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
***
Sức mạnh của lòng dân - đó là thông điệp mà chúng tôi nhận được từ sự trăn trở của hai vị tướng. Thiếu tướng Lắm liền nhắc đến lời dạy bất hủ của Bác “Nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn”. Càng về sau thì ý nghĩa chiến thắng càng lớn nó như là những bài học xương máu ca ngợi tính đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh tối thượng của quân và dân ta.