Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp và sáng tạo
Xã hội - Ngày đăng : 09:41, 21/06/2019
Chuẩn bị hành trang cho một nền báo chí truyền thông ứng dụng công nghệ 4.0 và tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó hầu hết các toà soạn bước ra tự chủ, hướng đến một nền báo chí sáng tạo và chuyên nghiệp là những nhiệm vụ hết sức quan trọng mà báo chí cách mạng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để khẳng định vị thế trong lòng công chúng.
Xu hướng truyền thông công nghệ 4.0
Cách đây 94 năm, tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng chính trị, tư tưởng, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao cả, báo chí cách mạng đã đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng đã trở thành công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế. Báo chí cũng là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, báo chí đã không ngừng phát triển ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với gần 1.000 cơ quan báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện, cùng đội ngũ 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 19.000 nhà báo dày dạn bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm tác nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển bùng nổ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thế giới với hơn 4 tỷ người sử dụng internet, hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội; nhu cầu thông tin của người dân, của các nhóm xã hội và cộng đồng ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là nhu cầu được chia sẻ, tương tác đang đặt các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung và nền báo chí cách mạng Việt Nam trước những cơ hội và thách thức to lớn.
Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.
Theo đó, cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.
Tốc độ và kết quả chuyển đổi của nền báo chí, truyền thông trong thời công nghệ 4.0 phụ thuộc vào mức độ đáp ứng yêu cầu của 5 yếu tố căn bản: kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số; nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả. Để đáp ứng trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà báo phải có đủ kỹ năng: vừa biết viết, chụp ảnh, ghi hình, sử dụng đồ họa, thậm chí phải biết cả lập trình.
Tình hình cho thấy thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả, song đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan báo chí và cả tư duy của chính mỗi nhà báo.
Tự chủ để hướng đến sáng tạo và chuyên nghiệp
Câu chuyện của báo chí hôm nay mới nghe đã thấy “ngợp” trước tốc độ và sự “ngồn ngộn” khi chúng ta thực sự bước vào làm báo trong thời đại 4.0. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ, thì ở nhiều nơi trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin. Nền báo chí Việt Nam từ những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cũng đang làm cuộc cách mạng bắt đầu từ những thay đổi trong chính nội tại để tạo ra sự khác biệt căn bản trong cơ chế vận hành với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm phát huy tốt nhất các chức năng của cơ quan “quyền lực thứ tư” và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của công chúng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2019
Điều này cũng một lần nữa khẳng định sự đúng đắn và cần thiết của của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Theo Đề án, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí phải xác định các loại hình báo chí, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.
“Giảm gánh nặng” ở đây cũng có nghĩa, đã đến lúc Nhà nước không thể một lúc bao cấp tới gần 1.000 cơ quan báo chí trong một bối cảnh làm báo với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, các thiết bị thông minh. Đặc biệt với xu hướng truyền thông công nghệ 4.0, nếu các toà soạn không nhanh chóng hoạt động theo cơ chế tự chủ, cắt hẳn “bầu sữa” từ ngân sách nhà nước, là đồng nghĩa với sự bó hẹp, tự giới hạn, thậm chí tự đào thải chính mình. Bởi lẽ chỉ khi tự hạch toán được ngân sách thì mới có khả năng đầu tư nâng cấp hạ tầng cũng như tuyển dụng được những nhân sự có tư duy nhạy bén, kỹ năng cao đáp ứng một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo.
Đã đến lúc phải thay đổi để thích nghi với những công nghệ làm báo mới, và cách thức tiếp cận thông tin của công chúng. Tuy nhiên, vẫn có những giá trị cốt lõi không có gì có thể thay thế được. Đó là, trách nhiệm, cái tâm của nhà báo trước sự kiện; bản lĩnh và kỹ năng của nhà báo khi truyền tải thông tin là những giá trị bao trùm của người làm báo và nghề báo hôm nay. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Hội nghị BCH Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương diễn ra hồi tháng 4/2019 rằng: “Một nền báo chí sáng tạo sẽ cuốn hút công chúng. Một nền báo chí chuyên nghiệp sẽ duy trì và củng cố niềm tin trong công chúng, đặc biệt trong bối cảnh tin giả đang bào mòn lòng tin của xã hội đối với truyền thông. Thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng sáng tạo, chuyên nghiệp sẽ tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức báo chí trong thực thi sứ mệnh của mình”.
Vậy thì chuyên nghiệp chính là bản lĩnh, trách nhiệm, sự nghiêm túc và nhân văn của người làm báo khi sáng tạo tác phẩm, trước một bên là sự thật về nguồn tin và một bên là những cám dỗ và tiêu cực xã hội. Trong đó, bao gồm cả việc thông tin theo hướng phản biện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Phản biện phải trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ và tuân thủ pháp luật”.
Sáng tạo nằm ở tầm hiểu biết, tư duy nhạy bén, kỹ năng tác nghiệp và ứng dụng công nghệ mới, cùng với cảm quan về thẩm mỹ của một người làm báo thời 4.0 cống hiến vào tác phẩm, nhằm tạo ra những sản phẩm hấp dẫn công chúng thời đại mới.
Tất nhiên, với mỗi toà soạn đều có những khó khăn, thách thức riêng trên con đường bước ra tự chủ. Tuy nhiên, triển khai theo hướng nào thì tôn chỉ mục đích của báo chí cũng không thoát ly khỏi nguyên tắc là phụng sự xã hội, phụng sự đất nước và nhân dân. Và đối với cá nhân mỗi nhà báo đều có riêng những nỗi niềm. Nhưng với nhà báo chân chính đều nhận thức một điều, uy tín và “quyền lực thứ tư” thực sự chỉ được tạo ra khi công chúng được đọc, xem những tác phẩm có giá trị từ những nhà báo có trách nhiệm và lòng tự trọng của người dám dấn thân và nói lên sự thật.