Toàn cảnh vụ lật tàu ở Đà Nẵng: Tàu xuất bến chui, không được cấp phép

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 05/06/2016

Đến 1h30 sáng 5/6, có 43/46 người trên chiếc tàu du lịch bị lật trên sông Hàn tối 4/6 được cứu. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết sẽ điều tra vì sao tàu này lại hoạt động chui được ngay trước đồn biên phòng.

Liên quan đến vụ việc, thông cáo của UBND TP. Đà Nẵng xác nhận: "Khoảng 20h tối 4/6, tàu du lịch tư nhân Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa - 0016 chở khách du lịch tham quan sông Hàn thì đột ngột gặp tai nạn và bị lật úp".

Công tác cứu nạn chậm chạp, lúng túng

Tàu xuất phát từ Bến cảng sông Hàn, đi trên sông Hàn, lệch về phía bờ đông, đến giữa đoạn gần Khách sạn Novotel và cầu sông Hàn thì gặp nạn. Khách trên tàu đa số là khách du lịch, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Một số người đã kịp thoát ra và bơi vào bờ, Infonet thông tin ban đầu.

Chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng. Tài công Lê Công Chí, trú tại An Hải Bắc, Sơn Trà điều khiển. Giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp ngày 19/5/2016, có hiệu lực đến ngày 20/11/2016.

Toàn cảnh vụ lật tàu ở Đà Nẵng: Tàu xuất bến chui, không được cấp phép

Thân nhân các nạn nhân đau khổ ngồi chờ tin trên mép sông Hàn. Ảnh chụp lúc 0h00 sáng 5/6. Ảnh Hữu Khá/Tuổi trẻ

Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo TP. Đà Nẵng gồm Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cùng nhiều lãnh đạo khác đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn. Tuy nhiên, việc ứng cứu khá chậm chạp, lúng túng do thiếu phương tiện, theo ghi nhận của PV báo Tuổi Trẻ.

Phải đến khoảng 22h, tức là 2 tiếng sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của Quân khu 5 mới có mặt. Do thời gian kéo dài, lại giữa đêm tối, nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, PV này cho biết.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương cứu hộ

Ngay sau khi nhận được tin xảy ra vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện thoại chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.

Thủ tướng yêu cầu ông Thơ chỉ đạo huy động các lực lượng, phương tiện với tinh thần cao nhất khẩn trương cứu hộ những người bị nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ những nạn nhân đang được cấp cứu tại BVĐK Đà Nẵng; đồng thời yêu cầu chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm làm rõ nguyên nhân gây ra vụ chìm tàu này.

Tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách du lịch

Sau khi xảy ra tai nạn, chủ tàu Võ Quốc Hùng đã bỏ đi khỏi hiện trường, tuy nhiên lực lượng biên phòng đã câu lưu về đồn biên phòng để phục vụ cho công tác điều tra.

Cho đến 3h sáng 5/6, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vẫn tiếp tục bám hiện trường. Ông khẳng định với PV Tuổi Trẻ, tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui. Còn “vì sao con tàu này hoạt động chui trước mặt đồn biên phòng và công khai bán vé chở khách trên sông Hàn thì sẽ cho điều tra để xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong thời gian sớm nhất”, ông cho biết.

Cũng theo ông Thơ, con tàu này là tàu đánh cá được hoán cải thành tàu du lịch. Tuy nhiên, sau khi hoán cải, tàu chỉ mới được đăng kiểm chứ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận tải hành khách du lịch trên sông Hàn.

Trước đó, một cán bộ thuộc phòng Cảnh sát giao thông đường thủy cho hay, tàu Thảo Vân đã hết hạn đăng kiểm, xuất bến chui.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 khẳng định đã yêu cầu Sở VH, TT & DL Đà Nẵng rà soát tất cả khách sạn đăng ký đi tàu du lịch đi trên sông Hàn chưa về, báo cáo tình hình tới Ban chỉ huy tìm kiếm ngay tại cầu cảng sông Hàn để nắm tình hình.

46 khách trên tàu Thảo Vân 2, tất cả đều không mặc áo phao!?

3h sáng 5/6, có mặt tại cầu cảng sông Hàn, PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thượng Hải (quê ở Đắc Lắc) may mắn cùng 8 người thân thoát nạn. Ông cho biết, khi tàu xuất phát, toàn bộ hành khách trên tàu không có ai mặc áo phao, dù ở phía sau ghế của vị khách nào cũng có sẵn áo.

Ông Hải nói do khách du lịch chủ quan không mặc áo và khi khách mua vé lên tàu chủ tàu cũng không yêu cầu phải mặc áo lúc rời bến. Vì vậy, khi tàu lật úp, do tâm lý hoảng loạn, nên có tìm thấy áo phao cũng khó lấy ra được vì áo đã bị móc vào ghế.

Theo ông Hải rất may lúc xảy ra tai nạn có hai canô và một thuyền đánh cá của người dân nên nhiều người được cứu sống.

Ngoài ra, PV Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hải cho biết thêm, khi tàu có biểu hiện chòng chành thì tầng hai nơi có rất nhiều du khách ngồi trên ghế nhựa đã bị dồn về một phía khiến tàu nghiêng và lật úp rất nhanh. Ông cho rằng, nếu ghế dành cho khách được cố định trên sàn tàu thì sẽ không xảy ra tai nạn đau lòng.

Thêm vào đó, số người trên tàu khoảng trên dưới 50 người, chưa kể trẻ em, tức là nhiều hơn so với lời khai của chủ tàu là 38 người.

Một số hành khách thoát nạn nói với PV rằng, họ tự thuê xe, không theo tour du lịch, từ Thái Nguyên, Bắc Cạn vào Đà Nẵng, sau đó lên tàu đi. Khi biết tin tàu Thảo Vân không được cấp phép lưu thông, họ bức xúc bởi tàu ở ngay cầu cảng sông Hàn, ngay trước khu vực trạm biên phòng, cảng vụ đường thủy nội địa, hoạt động đón khách xuất bến mà lực lượng chức năng lại không biết.

Nhiều nạn nhân may mắn thoát nạn kể, họ tin tàu ở đó là “tàu hợp pháp, trên tàu hầu như không có áo phao”.

Trong khi đó, một nguồn tin của Tuổi Trẻ tiết lộ, do trời nóng nên nhiều hành khách đã lên tầng 2 của con tàu để hóng gió trước khi tàu nhổ neo, và khi di chuyển do không cân bằng nên tàu đã lập úp (?).

Cũng thời điểm này, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận thêm thông tin về việc 2 gia đình đang mất tích 3 người. Như vậy, theo Tuổi Trẻ, số hành khách đi trên tàu Thảo Vân 2 có thể là 46 người chứ không phải là 38 người như chủ tàu khai nhận.

Qua lời ông Dũng, sau khi kiểm tra một vòng các bệnh viện thì thấy có 43 người nhập viện, trong đó có 4 du khách người Malaysia. Căn cứ vào thông báo của người nhà, có thể còn 3 người đang mất tích, gồm 2  cháu bé một trai và một gái ở Bắc Cạn và 1 người đàn ông ở Bình Định.

Huy động tổng lực để ứng cứu tàu gặp nạn

Khoảng 2h sáng 5/6, tàu Thảo Vân 2 đã được trục vớt vào bờ Đông sông Hàn. Sau đó, 15 thợ lặn tham gia tìm kiếm cứu nạn chính thức trở vào bờ kết thúc đợt tìm kiếm gần 4 giờ đồng hồ.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết đã huy động các tàu cá dùng lưới để ngăn cửa sông, tránh trường hợp thi thể của nạn nhân (nếu có) có thể trôi ra biển. Đồng thời, 100 thợ lặn cũng được huy động để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích vào sáng sớm 5/6.

Toàn cảnh vụ lật tàu ở Đà Nẵng: Tàu xuất bến chui, không được cấp phép

Lực lượng chức năng lên canô đi cứu hộ tàu lật. Ảnh: Tấn Lực/Tuổi Trẻ

Trước đó, tất cả các lực lượng được huy động gồm Bộ Chỉ huy quân sự TP, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Biên phòng, Cảnh sát phòng cháy, Công an, lực lượng người nhái, kể cả tàu của ngư dân… đều rất tích cực thực hiện các hoạt động cứu nạn. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 còn huy động  lực lượng đặc công nước, công binh, tìm kiếm cứu nạn sập đổ công trình trên sông trên biển, tham gia cứu nạn.

Tại thời điểm tàu gặp nạn, trực tiếp tàu Phú Quý và tàu Biển Đảo Việt đi ngang qua đã lao tới cứu được một số người. Họ sẵn sàng quăng áo phao, áo bơi của mình xuống nước để cứu nạn nhân.

Theo thông tin chính thức từ Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 29 bệnh nhân là nạn nhân vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn. Có 6 người đã ổn định, hồi phục và được xuất viện. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định được cụ thể số nạn nhân đi trên tàu Thảo Vân là bao nhiêu. Công tác cứu hộ còn tiếp tục...

Bạch Dương (tổng hợp)