Tấm lòng vàng của một Giám đốc tật nguyền
Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 16/11/2015
Ít ai biết rằng, “ông chủ” của một Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo lại là một người có tuổi thơ đầy sóng gió và nghịch cảnh trớ trêu.
Sinh ra bình thường khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng tai họa bất đầu ập đến khi Chính mới bước sang tuổi thứ 3. Sau một trận sốt cao, co giật bất thường, Chính phải nằm viện một thời gian dài.
Trong khoảng thời gian điều trị, gia đình phát hiện đôi chân Chính mềm oặt, quắt queo lại. Qua nhiều lần chụp chiếu, các bác sỹ kết luận Chính bị bệnh teo cơ chân, một chứng bệnh hiếm gặp lúc bấy giờ.
Căn bệnh quái ác đã khiến gia đình Chính lâm vào tình cảnh khốn đốn, mọi tài sản trong nhà đều lần lượt “đội nón ra đi”, thế nhưng chứng bệnh vẫn không hề thuyên giảm, đôi chân của Chính ngày càng teo tóp lại theo năm tháng rồi trở thành người bại liệt.
Anh Bùi Văn Chính
Đến năm 6 tuổi, thấy các bạn bè cùng trang lứa đều tung tăng cắp sách đến trường, nhưng Chính vẫn nằm vô hồn trên giường với xung quanh toàn mùi thuốc, mọi sinh hoạt phải có người kèm cặp. Đây cũng là lúc mà Chính bắt đầu ý thức và cảm nhận được nỗi đau đầu đời. Chính ao ước được đi học như các bạn, nhưng éo le thay đôi chân anh lại không thể đứng thẳng. Để được đến lớp, cậu bé ấy ngày ngày tập đi bằng đôi tay.
Nhớ lại những năm tháng gian khổ phải chống chọi với bạo bệnh, anh Chính tâm sự: “Nếu như không có sự động viện của gia đình, thầy cô và bạn bè, có lẽ đến bây giờ tôi không được như ngày hôm nay. Tình yêu thương của gia đình đã giúp tôi có thêm niềm tin để từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách chông gai”.
Học hết Tiểu học, Chính lên Sơn La theo một người thầy học nghề bốc thuốc. Anh bảo, hồi đó gia đình nghèo lắm, việc học bị gián đoạn nên đi theo một người thầy với mong muốn học nghề bốc thuốc chữa bệnh, nhưng rồi đang học dang dở thì ông thầy đổ bệnh qua đời, anh phải trở về quê với hai bàn tay trắng.
Từ đó, anh phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, hết làm việc làm trong hợp tác xã thêu ren Xuân Trạch, rồi đi làm lò gạch, bán quán ăn, rửa bát thuê ở Bắc Ninh, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng anh đều thất bại vì anh là người khuyết tật.
Đắng cay, nghiệt ngã, anh nhận ra rằng, giữa những người bình thường và người khuyết tật vẫn còn nhiều khoảng cách, sự mặc cảm tự ti vẫn còn hiện hữu. Từ đấy, anh luôn nung nấu, phải làm một việc gì đấy, giúp người cùng cảnh ngộ vì giúp người cũng là giúp chính mình.
Cái ý nghĩ ấy đã thôi thúc anh vượt lên chính mình, đến năm 2006, nhân dịp hưởng ứng cuộc vận động vì người nghèo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội chữ thập đỏ, anh mạnh dạn đứng ra thành lập Trung tâm dạy nghề hướng nghiệp nhân đạo với mục tiêu duy nhất là tạo việc làm cho những người khuyết tật.
Một lớp học may tại trung tâm
Được sự đồng ý của Hội chữ thập đỏ, Trung tâm ra đời với chức năng dạy và truyền nghề miễn phí cho những người tàn tật, những mảnh đời bất hạnh.
Thời gian đầu thành lập, Trung tâm phải mượn địa điểm, máy móc để có chỗ cho các em học nghề. Khó khăn chồng chất, nhưng bằng trái tim nhân ái của một người khuyết tật, anh không ngại khó, ngại khổ lết đôi chân bại liệt đi xin hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện để học viên có chỗ sinh hoạt.
Học viên của Trung tâm đều là các em có số phận éo le, thiệt thòi, nhưng mừng nhất, khi họ đến chung một mái nhà là họ xác định học cho mình một nghề để kiếm sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Khóa đầu tiên, Trung tâm đã thu hút hơn 30 em khuyết tật đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm đã truyền nghề cho trên 300 em khuyết tật. Các em được học may, thêu, được ăn ở tại Trung tâm, có thu nhập định.
Bằng những cố gắng và sự nỗ lực của của bản thân, đến nay anh Chính đã có một gia đình đầm ấm, có người vợ luôn hết mực yêu thương.
Anh tâm niệm: “Ông trời không cho ai tất cả, cũng chẳng lấy hết của ai bao giờ, dù cuộc sống còn nhiều những khó khăn phía trước, nhưng đứng trước mỗi khó khăn, mỗi chúng ta phải có có niềm tin, phải vượt lên chính mình”.