Vụ mất việc vì nhặt được 5 lượng vàng: Tự nghỉ hay bị cắt hợp đồng?

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 03/09/2015

Tưởng chừng khi có công ăn việc làm, có thu nhập thì gia cảnh sẽ đỡ vất vả hơn, không ngờ việc nhặt vàng trong rác đã mang lại kết cục bi đát, dồn gia đình chị vào đường cùng, phải quay về quê làm mướn để sống qua ngày.

“Tôi không giao vàng, không đồng tình với việc làm của lãnh Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau vì nghĩ rằng gia cảnh quá khó khăn, nếu giao cho công an thì chủ sở hữu sẽ đền ơn cho mình một ít để làm kế sinh nhai, còn giao cho công ty thì bị sung công toàn bộ. Không ngờ việc làm này đã khiến tôi bị cắt hợp đồng lao động, gia đình rơi vào cảnh khốn khó”. 

Đó là những lời tâm sự đầy nước mắt khi tiếp xúc với phóng viên của chị Nguyễn Tuyết Mai (ngụ ấp Tân Thành A, xã Tân Dân (Đầm Dơi, Cà Mau) – nữ công nhân bị cắt hợp đồng lao động chỉ vì nhặt được 5 lượng vàng, đang gây xôn xao dư luận.

Theo lời trình bày của chị Mai, năm 2011, vợ chồng chị may mắn xin được vào làm công nhân Nhà máy xử lý rác thành phố Cà Mau của Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại- Du lịch Công Lý (Cty Công Lý).

Tưởng chừng khi có công ăn việc làm, có thu nhập thì gia cảnh sẽ đỡ vất vả hơn, không ngờ việc nhặt vàng trong rác đã mang lại kết cục bi đát, dồn gia đình chị vào đường cùng, phải quay về quê làm mướn để sống qua ngày.

Người phụ nữ 35 tuổi kể lại, khi mới vào Nhà máy làm việc, chồng chị là anh Ngô Minh Hoàng lái xe tải, chở rác trong khuôn viên Nhà máy. Công việc không nặng, lương cũng không cao nhưng bù lại có phòng để gia đình nương náu qua ngày. Tuy nhiên, khi vào làm được chẳng bao lâu, anh Hoàng bị bệnh đau thần kinh tọa, không làm việc nặng được nên đành phải nghỉ việc để lao động tự do xung quanh khu vực gần nhà máy. Riêng chị vẫn tiếp tục làm công nhân phân loại rác.

“Cuộc sống không giàu sang, nhưng cũng gọi là tạm ổn khi có tiền lo cho con ăn học. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp khoảng 5 cây vàng nhặt được với lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thành phố Cà Mau, tôi bị cho nghỉ việc nên gia đình đã rơi vào cảnh túng quẫn, con trai tôi đang học THCS phải bỏ học để về quê ngoại đăng ký học lại. Vợ chồng tôi cũng theo con về quê ngoại xem ai mướn gì làm nấy để nuôi nhau”, chị Mai rưng rưng nước mắt.

Vụ mất việc vì nhặt được 5 lượng vàng: Tự nghỉ hay bị cắt hợp đồng?

Chị Phạm Tuyết Mai rơi vào cảnh thất nghiệp vì nhặt được vàng

Đưa cho phóng viên xem tập hồ sơ, nữ công nhân này cho biết, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị đề ngày 1/9/2014, do ông Tô Công Lý (Phó TGĐ Cty Công Lý) ký. Quyết định căn chứ vào Điều lệ của Cty Công Lý, Biên bản vi phạm nội qui Nhà máy xử lý rác ngày 4/8/2014 và Biên bản vi phạm ngày 13/8/2014 và Đề nghị của GĐ điều hành Nhà máy xử lý rác ngày 13/8/2014 về việc chấm dứt hợp đồng với bà Phạm Tuyết Mai kể từ ngày 13/8/2014 và bàn giao công cụ, dụng cụ, tài sản được giao quản lý, sử dụng trước đó.

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tân – Giám đốc Điều hành Nhà máy xử lý rác Cà Mau cho rằng, chị Mai tự nghỉ việc chứ Cty không sa thải.

Vụ mất việc vì nhặt được 5 lượng vàng: Tự nghỉ hay bị cắt hợp đồng?

Quyết định cắt hợp đồng lao động của chị Mai

Về số vàng chị Mai nhặt được, Công an thành phố Cà Mau đã đến lập biên bản tạm giữ số vàng và ra thông báo rộng rãi trên báo chí cho chủ sở hữu đến nhận, nhưng hơn một năm vẫn không có người liên hệ.

Để xử lý số vàng này, Cơ quan công an thành phố Cà Mau đưa ra phương án sẽ áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ luật Dân sự (BLDS), xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, điều đó nghĩa là nữ công nhân nhặt được vàng sẽ được nhận số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu theo quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước.

Trong khi đó, đại đa số dư luận cho rằng, cơ quan chức năng nên áp dụng theo khoản 2, điều 239 BLDS, tức là không xác định được chủ sở hữu, giao toàn số vàng nói trên cho người nhặt được mới hợp tình hợp lý. Bởi số tài sản nói trên là chị Mai phát hiện trong rác, chứ không phải tài sản bị bỏ quên hay đánh rơi ngoài đường.

Vấn đề mà dư luận đặt ra hiện nay là cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm công ty như thế nào đặc biệt là trách nhiệm của Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác thải vì đã cho công nhân nghỉ việc trái pháp luật.

Trước đó, như đã thông tin, vào khoảng 15h ngày 4/8/2014, chị Mai nhặt được bóp vàng khi phân loại rác. Ngay sau khi nhặt được lãnh đạo công ty của chị đã cho lập biên bản sung công số tài sản nhặt được nhưng chị không đồng ý và gọi điện báo cơ quan công an.

Tưởng rằng sau khi cơ quan chức năng thông báo rộng rãi, chủ sở hữu sẽ đến nhận và đền ơn cho chị số tiền nho nhỏ để trị bệnh cho chồng và lo cho con ăn học…Tuy nhiên, điều mà chị không ngờ tới là ngay hôm đó công ty chị đã ra thông báo đình chỉ công việc đối với chị. 5 ngày sau, chị chính thức nhận quyết định cho thôi việc.

 

Tuyến Trang