Chuyện về cô đào Năm Phỉ-Kỳ cuối: Người đời ai khóc Năm Phỉ chăng?
Xã hội - Ngày đăng : 10:24, 19/07/2015
Cái tên “khét tiếng” lĩnh vực tuồng
Lời vĩnh biệt của ông Châu Hồng Đào, đại diện Hội Nghệ sĩ ái hữu cho hay: “Cô Năm Phỉ là một trong những người sáng lập của Hội Nghệ sĩ và đã từng giữ chức Phó hội trưởng của hội lúc ban sơ. Về sau, mặc dầu cô không trực tiếp tham gia việc hội nhưng công sáng lập của cô vẫn được ghi sâu trên sổ vàng của hội. Cô Năm ôi, cô sống thì khôn, thác thì thiêng, vong hồn cô giờ nầy chắc cũng phưởng phất đâu đây, vậy hãy xin nhìn các thân nhân của cô, nào anh, nào em, nào con, nào cháu và đông đảo có đủ mặt các bạn bè, tri kỷ của cô. Tất cả ai cũng ngùi ngùi mến tiếc thương cô, vậy mà, cô lại nỡ lòng nào dứt bỏ ra đi. Cô đi, đi mãi, đi không hẹn ngày tái ngộ, đi mà không có một tiếng giã từ. Tuy biết không ai tránh khỏi số trời nhưng hỡi ôi, bạc số làm sao, hoa vẫn đượm màu mà bỗng nhiên rơi rụng, thình lình”.
Ông Hà Quang Định, chồng cô Ái Liên, Giám đốc hãng Vietfilm đọc ai điếu cũng biểu lộ cảm xúc tột độ: “Chị Mộng Hoa! Cái tên nhân vật trong tuồng Mộng Hoa Vương mà người mộ điệu trong Nam ngoài Bắc vẫn quen gọi chị!... Chị hiểu rằng, tài hoa không phải giống ở đời nên chị đào tạo hai cô em: cô Bảy, cô Mười và hai cháu: Xuân Lan, Kim Cương sẵn sàng kế nghiệp chị hầu trở nên một gia đình nghệ sĩ hiếm có ở miền Nam. Than ôi! Bạn tri âm còn đó/Làng nghệ thuật còn đây/Hoa rụng hương tàn/Sao dời, vật đổi/Ba mươi năm tài điệu, hình ảnh, mơ màng/Một kỷ niệm bâng khuâng, kẻ còn người mất...”. Nhưng đến bài ai điếu của Duy Lân, em trai cô Năm Phỉ thì mọi người mới thấu hết tài năng, đức độ cũng như những hụt hẫng mà cô Năm để lại cho đời, cho người.
Hàng ngàn người đưa tiễn bậc kỳ tài thiên hạ trong nghiệp “cầm ca” về với đất mẹ.
Bài ai điếu của Duy Lân có đoạn: “Chị chết giữa lúc không một ai dám ngờ rằng chị chết. Chị chết giữa lúc trên sân khấu Việt Nam không vắng dạng hình của chị. Chị chết giữa muôn lòng người còn đến mến tưởng chị, chị chết giữa sự bất ngờ của mọi người. Chị Năm ơi! Chị Năm Phỉ ơi! Tiếng kêu của em đây là tiếng kêu thương của tất cả, của tất cả những ai đã từng nghe, thấy, quen, biết, thân thiết với cô Năm Phỉ, cô đào hát tài hoa nhất của sân khấu Việt Nam mà trong đất nước còn có ai không nhắc đến tên chị một lần. Trẻ già lớn nhỏ, còn ai không biết chị, không biết tài năng thân thế chị, chị Năm ơi! Người của chị thế nào, tài danh của chị làm sao mà được nhiều người mến thương như vậy?”.
Tự trả lời câu hỏi ấy, Duy Lân khóc: “Trước nhất, sức thông minh vô hạn mà trời đã ban tứ cho chị để nhuận sắc thêm vào khiếu hâm mộ kịch trường, đã xây dựng ở chị nên một tài năng chẳng những làm rạng rỡ cho sân khấu nhà khỏi hổ thẹn với người mà còn cho cả dân tộc được hãnh diện với những lời khen ngợi chân thành, bằng những huy chương xứng đáng của các nước làng giềng và cả nước Pháp. Nước được ca ngợi là thủ đô của nền kịch nghệ. Chị đã làm cho bước đầu sân khấu ca kịch được vững tiến, chị đã bồi đắp cho nó tất cả tâm lực của chị trên ba mươi năm trường, chị đã gây cho nó được một ảnh hưởng phổ biến trong nước cả một tiếng vang khá mạnh ở ngoài trời Việt Nam. Dầu nay chị đã mất rồi, sân khấu nhà luôn luôn còn nồng đượm hương vị tài hoa, người mộ điệu luôn luôn còn nhắc nhở, và tương lai nền ca kịch một phút được vinh quang là cũng do chị đã góp rất nhiều tia xán lạn”.
Sân khấu và chỉ sân khấu
Tiếp mạch, Duy Lân ai điếu: “Là một cô đào hát nhiều thông minh, nhiều sáng kiến, nhiều vai tuồng không người thay thế nhất, đã đem hết năng lực một đời phụng sự cho sân khấu, nên để đáp tạ lại, sân khấu đã giúp chị đến mức rạng ngời của danh vọng, cũng như đã giúp chị nếm trải hết hương vị chua xót, đắng cay của kẻ yêu nghề. Nguồn sống duy nhất của chị là sân khấu, và cũng chỉ có thể là sân khấu mới lấy được của chị nhiều máu và nước mắt thôi. Trong dòng đời cá nhân của chị, đức hiếu thảo được nâng cao hơn hết. Chị đã báo hiếu vuông tròn cho cha mẹ, chị đã giúp đỡ thương yêu gia quyến tận tình. Ngoài ra, chị còn là nguồn an ủi vô tận của các bạn bè, là mối tế trợ vô cùng của người nghèo khó, là sức nâng đỡ nhiệt thành của các tài hoa chớm nở và là niềm thân thiết nồng hậu của tất cả kẻ cùng chung sống với chị một nghề”.
“Người của chị như thế, lòng của chị như thế, tình thương cảm của chị như thế, sao chị lại nỡ chết sớm đi, để lại cho xã hội, sân khấu, gia đình một tang tóc đau buồn thế này chị Năm ơi! Chị Năm ơi!/Ba mươi năm gội, nhuần ơn tổ/Bốn tám tuổi vay, trả nợ trời/Ai ghép tài hoa vào mạng bạc? Chia ly đến chẳng nói nên lời!!!”, Duy Lân kêu bi ai. Sự ra đi của cô Năm Phỉ cũng là mối lo cho gia đình, cho gánh hát và cho những đồng nghiệp của cô. Duy Lân viết: “Chị Năm ơi! Em đã theo chị trên mười lăm năm trời, đến ngày nay, đoàn hát thân yêu mang tên tuổi chị, sự nghiệp chị, thân thế chị đang giữa dòng lao đao khốn khó thì chị phải ráng sống, sống để nâng đỡ nó, bồi đắp nó, sao chị lại chết đi, chị Năm ơi? Con thuyền không lái kia sẽ đi về đâu, sẽ đến bến nào khi số phận nó đã không may lỡ bơ vơ giữa vùng biển rộng?”.
NSND Phùng Há cùng với Năm Phỉ là hai cô đào hát được liệt vào hàng thượng đẳng nghề nghiệp.
“Em muốn nói lên tất cả những gì còn u uất trong lòng em, trong lòng bạn đồng nghề, trong lòng người mội điệu, nhưng lời nghẹn ngào trong niềm tiếc thương tràn nước mắt rồi. Thôi chị Năm ơi! Chị yên nghỉ đi và em nhân danh toàn thể anh em Năm Phỉ trân trọng cầu nguyện cho chị được sớm về chốn nào chị ưa thích nhứt, trong cõi thăm thẳm xa vời kia”. Và những lời của ông Năm Châu, cho đến thời nay vẫn như là một vết cứa với nhiều người ái mộ cô Năm Phỉ: “Một người lầm, một thế hệ có thể lầmnhưng nhân loại không bao giờ lầm được. Hậu thế sẽ phán đoán cô một cách công bằng hơn và sẽ đặt cô đúng vào vị trí của cô. Tôi xin nhường lời cho hậu thế”.
“Ở đây chúng tôi chỉ bồi hồi thương tiếc một biệt tài đáng mến, ngậm ngùi khóc cho một nghệ sĩ, dầu có đạt được trên nấc thang cao vút mà số kiếp vẫn ghi ít nhiều thiệt thòi. Năm Phỉ ơi! Năm Phỉ đã ở đâu và bây giờ đi về đâu?”. Nhớ lại Năm Châu kể tiếp: “Lần gặp gỡ chót, khi đến thăm cô... tôi cũng buồn rầu nhìn cô và nhận thấy hình như cô không còn đủ bình tĩnh để giữ lại giọt lệ lưu luyến ngày xưa trên khóe mắt, mà phải đành buông rơi cho nó chảy dài trên đôi má phai hồng”.
Cô Bảy Phùng Há khóc cho mình? Tiễn biệt cô Năm Phỉ, lần đầu tiên, nhiều người cũng mới thấy cô Phùng Há khóc thiệt, khóc ở đời và khóc nhiều như vậy. Chính giọt nước mắt thật của cô đã làm cho nhiều người khóc theo. Tuần báo Điều tra – Phóng sự thời ấy bình luận: “Kịch giới Việt Nam cho tới thời điểm ấy có hai cô đào được liệt vào hàng thượng đẳng nghề nghiệp. Giờ đây cô Năm Phỉ đã đem mớ tài ba sang thế giới khác, cô Bảy thui thủi ở lại một mình, phải chăng cô Bảy Phùng Há khóc cô Năm Phỉ mà cũng để khóc cho mình?”. |