Chuyện về cô đào Năm Phỉ- Kỳ 2: 8 điếu văn khóc thương cho nữ tài danh đất Sài thành
Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 18/07/2015
Và giới nghệ sĩ cùng người hâm mộ thời bấy giờ đã không còn nước mắt để khóc tiễn biệt cô đào cải lương này. Sự ra đi của cô Năm Phỉ gây nhiều xót xa, luyến tiếc…
Sự ra đi gây nhiều thương tiếc
Nỗi nhớ mẹ của cô Năm Phỉ ngày càng da diết, đặc biệt là từ khi cô nhận được bức chân dung của thân mẫu vào chiều ngày 31/5/1954. Bức chân dung này được thuê họa sĩ tận bên Pháp vẽ, sau một thời gian người ta mới gửi sang cho cô và gia đình. Khi nhận được bức chân dung, cô đã khóc rất nhiều. Sáng hôm sau, tức trước khi mất một ngày, cô Năm Phỉ đã đích thân treo bức chân dung này lên bàn thờ một cách cẩn thận, rồi cô lấy một sợi dây chuyền bằng vàng, gắn bảy hột xoàn đeo vào cổ bức chân dung. Sau đó, cô lấy ba cây nhang thắp, lạy mẹ.
Cắm nhang lên bàn thờ mẹ, cô quay lại nói với hai em mình là Chín Bia và Út Đề rằng: “Vậy là bổn phận của chị lo cho mẹ xong rồi, dẫu có chết chị cũng không ân hận chút nào” rồi lững thững bỏ đi ra nằm võng. Nằm trên võng, cô Năm Phỉ ngoái đầu vào nói như trăng trối với các em mình: “Bây giờ chị chỉ muốn hai điều, một là chết, hai là đi tu. Sao chị chán đời quá...”.
Thời điểm này, gánh hát của gia đình cô Năm Phỉ đang rất nổi tiếng, được nhiều người biết. Trước lời than vãn của cô Năm Phỉ, cô Chín Bia cũng than lại rằng muốn nghỉ gánh hát. Biết chuyện, cô Năm Phỉ đã rầy la và căn dặn: “Tụi bây động một chút là đòi giải tán, đòi rã… Dầu tao có chết, thì tụi bây dầu không làm lớn được cũng làm gánh hát nhỏ. Con cháu dòng họ đều làm nghề hát cả, tụi bây phải ráng có một gánh hát mãi mãi như lúc còn tao vậy. Hát chỗ lớn không được thì hát chỗ nhỏ, hát tỉnh không được thì hát ở làng...”.
Cô Bảy Phùng Há và nghệ sĩ Năm Châu tiễn biệt Năm Phỉ
Đến chiều hôm đó, trước khi Kim Cương (con gái cô Bảy Nam) đi hát radio, cô Năm Phỉ có kêu lại cho 100 đồng và dặn: “Con lấy 100 đồng nầy để sáng mai đi đốc tờ (bác sĩ) vì hồi hôm con ho quá làm má không ngủ được. Con cũng nhớ ca rồi đi về nhà chớ đừng đi chơi”. Đoạn cô kéo Kim Cương vào lòng vừa hôn vừa nói: “Con ráng nghe con, má vui mừng vô cùng khi nghe tiếng ca hát của con từ trong máy phát thanh vang ra. Má ráng sống đến ngày con có chồng, chừng ấy má chết mới yên tâm”.
Thế nhưng mọi chuyện chưa diễn ra đúng như ý định cô Năm Phỉ. Chiều hôm ấy, một người bạn nữ đã đến và cả hai cùng đi xem chớp bóng. Trước đó, cô đã rủ người bạn của mình vào nghĩa địa viếng thân mẫu và lạy mẹ. Tại rạp chiếu bóng Nam Quang, bất ngờ cô Năm Phỉ ngất xỉu, lúc đó là khoảng 10h tối, đến khoảng 5h30 ngày 2/6/1954 thì cô trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Đồn Đất.
Tin cô Năm Phỉ mất loan đi một cách chóng mặt, ai cũng xót thương cho sự ra đi đột ngột này của cô. Các báo thời đó đã dành nhiều trang để nói về sự ra đi này. Trong các ngày diễn ra tang lễ đã có hàng ngàn đoàn người đến viếng. Các báo thời ấy cho biết, đám tang cô Năm Phỉ là lớn nhất từ trước tới nay trong giới nghệ sĩ Việt Nam.
Vở kịch cuộc đời đã hạ màn
Ngoài việc phúng điếu, nhiều người còn dành những từ ngữ hết sức xúc động cho người thiên cổ. Có nhiều bài ai điếu được đọc lên và khiến cho “bao người phải khóc ngất hay thổn thức nghẹn ngào”. Theo ghi nhận thời ấy, đã có 8 bài ai điếu. Ai cũng dành những tình cảm chân thành, sự yêu mến và cảm phục tài năng của cô Năm Phỉ. Tuy nhiên, “bài ai điếu của cô Phùng Há được đánh giá là cảm động nhất, bài ai điếu lâm ly nhất là của anh Năm Châu và thống thiết nhất là tiếng kêu thương của Duy Lân”, tuần báo Điều tra - Phóng sự mô tả.
Cô bảy Phùng Há khóc: “Than ôi, có dọc ngang thế nào, có vinh sang tột bực, rốt cuộc cũng trơ trọi trong chiếc áo quan, trở về cùng cát bụi... Và chỉ sau vài giờ này, khi lòng đất khép lại, vùi chôn mảnh hình hài thì... biết có ai vãng lai mộ chị hay là vắng vẻ đìu hiu mà người đời, than ôi, lòng người cũng dễ quên, mau quên lắm!”... “Em không đủ lời lẽ văn hoa diễn tả hết nỗi lòng em để khóc một thiên tài của nước Việt. Em chỉ có vài lời mộc mạc để tỏ tấm lòng kính yêu một người chị về tuổi tác cũng như về nghề nghiệp bằng tất cả mọi sự chân thành. Vậy em xin nghiêng mình để chào chị Năm một lần vĩnh biệt”.
Còn Năm Châu (ông Nguyễn Thành Châu) lại ví: “Một ngọn đèn đã tắt phụt/Một cánh cửa đã đóng ầm/Một quyển sách đã đọc đến dòng chữ cuối cùng/Một vở kịch đã hạ xong màn chót...”. Về sự ra đi của cô Năm Phỉ, nghệ sĩ Năm Châu điếu: “Nó chợt đến trong lúc không ai ngờ, giữa một tiếng nổ vang, gây một xúc động đột ngột, mãnh liệt trong giới nghệ sĩ chúng tôi không khác nào cách kết thúc của một vở bi kịch hùng tráng”.
Ảnh do các báo thời bấy giờ chụp lại
Năm Châu nhớ lại: Tôi biết cô trong một buổi tập họp vui vẻ của học sinh. Hồi ấy cô còn là một cô bé 13 tuổi. Cô đến với chúng tôi dưới hình ảnh của một Nguyệt Nga tí hon, vai mang pho tượng, mắt lóng lánh một giọt lệ như lưu luyến mãi không đành rời, cặp môi uốn nắn một giọng hát khàn khàn nhưng buồn đến đứt ruột, cô đã làm tôi kinh ngạc nhiều hơn là cảm động...
Hình ảnh của cô bé Nguyệt Nga đã phai mờ trong trí nhớ của tôi nhưng một hình ảnh khác lại nổi lên rõ ràng hơn, thấm thía hơn, là gương mặt trầm lặng, hiền từ của Thị Kính lúc hàm oan và thân hình tiều tụy với đôi mắt quầng thâm, điểm vài tia máu tươi trên môi của Trà hoa nữ khi hấp hối. Từ đó, đến nay, 16 năm qua, cuộc đời cô như gió thổi xuôi chiều, vẫn kéo dài giữa bông hoa và nhung lụa. Cô có thỏa mãn chăng? Nào ai biết được. Trong những cuộc tập họp náo nhiệt của giới nghệ sĩ, người ta ít khi được trông thấy cô lui tới...
Đôi khi tình cờ gặp gỡ, vẻ phong lưu đài các của cô vẫn không thay đổi nhưng trong sang trọng ấy, hình như có hàm ẩn một cái gì bất mãn chua xót nên giữa câu chuyện nghề nghiệp thỉnh thoảng nghe cô thở dài chán nản như tiếc nhớ một thời xuân đã bỏ luống, trong khi những đứa em nhỏ của cô còn đương vươn mình trong hệ thống ý thức mới để mong tiến kịp phong trào...
Và Năm Châu thốt lên: “Bỗng đùng một cái, sáng sớm ngày 2/6, tôi được tin sét đánh, cô đã lìa chị, lìa em, lìa những tri kỷ gần xa, lìa những bông hoa nhung lụa, lìa thinh danh, lìa gối nệm, lìa những anh chị em nghệ sĩ đương mướt mồ hôi vì cơm áo, lìa đám cháu thơ đương cần an ủi vỗ về, để buông xuôi hai tay, nhắm nghiền đôi mắt mà sớm thoát ly một trách nhiệm nặng nề. Thôi rồi! Một tấm kịch đã hạ màn! Một quyển truyện dài 48 năm đã đọc đến dòng chữ chót. Để chờ hậu thế, người ta gấp chặt quyển sách lại như xây chắc một nấm mồ”.
Cái chết gây nhiều tranh cãi Năm Phỉ ra đời và lớn lên tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Theo thông tin thời bấy giờ thì cô Năm Phỉ qua đời đột ngột là do tai biến mạch máu não. Nhưng chính những điềm báo trước từ miệng cô Năm về cái chết của mình đã khiến không ít người kinh ngạc và không lý giải nổi. |