Chuyện người phụ nữ Thái Lan được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng
Xã hội - Ngày đăng : 07:44, 15/07/2015
Trong đó, hai người con của mẹ đã vĩnh viễn không trở về, hòa máu mình vào từng tấc đất của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh khốc liệt.
Với những hy sinh, cống hiến của mình cho cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập của dân tộc, năm 2014, mẹ Tống Thị Hiền (SN 1921, ở khối Đồng Tâm 2, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ là người phụ nữ Thái Lan duy nhất vinh dự nhận được danh hiệu cao quý này.
Rời đất mẹ theo chồng về vùng lửa đạn
Sinh ra và lớn lên ở Xài Mun, Xà Cồn, Thái Lan, mẹ Tống Thị Hiền trước kia có tên tiếng Thái là Khăm Xón Chèm Chăn. Duyên phận cuộc đời đã để người con gái Thái gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với người con trai Việt Nam Tống Văn Hiền quê ở tỉnh Hà Tĩnh.
Khi đó, ông Tống Văn Hiền theo gia đình sang sinh sống tại Thái Lan và cùng nhóm thợ làm việc tại bản Xài Mun - nơi mẹ Hiền làm giáo viên dạy học. Qua những lần trò chuyện, từng ánh nhìn, từng phút giây gặp gỡ ngắn ngủi, họ yêu nhau cũng tự bao giờ không biết. Rồi sau đó, một đám cưới nhỏ được tổ chức, hai người kết duyên vợ chồng. Ngày ngày, Chèm Chăn đến trường dạy học còn chồng vẫn đi làm thợ may kiếm tiền nuôi các con.
Khi hai ông bà sinh được 6 người con, cuộc sống đang rất đầm ấm, hạnh phúc tại Thái Lan thì lúc này, ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào thời khắc khó khăn, ác liệt nhất. Dù làm ăn, sinh sống xa quê nhưng ông Hiền luôn mong ngóng mọi thông tin ở quê nhà. Hình ảnh quê nhà bị tàn phá dưới thảm bom của giặc Mỹ luôn luôn xuất hiện trong tâm trí người con xa quê.
Mẹ Tống Thị Hiền bên tấm di ảnh của một trong hai người con đã hy sinh
“Lúc đó vào năm 1960, Đảng và Bác Hồ kêu gọi những người con của nước Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Thái Lan về tham gia vào cuộc kháng chiến. Ông nhà tôi nghe được vui lắm, ông ấy mất ngủ nhiều đêm liền rồi quyết định đưa cả gia đình về Việt Nam. Khi đó, tôi nghe chồng nói tôi cũng lo lắm, không biết tính sao nữa vì mình không hề biết tiếng Việt, các con cũng thế. Ở Việt Nam lại còn đang có chiến tranh rất ác liệt nhưng ông ấy đi đâu thì mẹ con tôi sẽ theo đó. Nơi nào có ông ấy thì nơi đó sẽ là quê hương của mẹ con tôi”, mẹ Hiền nhớ lại thời khắc khó khăn khi phải quyết định rời bỏ quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên để theo chồng, bồng bế đàn con thơ bước vào một chặng đường mới.
Những hình ảnh không bao giờ quên trong ký ức của mẹ về thời chiến tại Việt Nam. Làng quê bị tàn phá do bom đạn, mất mát, chia ly rồi thiên tai, lũ lụt khiến làng quê nơi mẹ sinh sống tiêu điều và hoang tàn. Sau đó một thời gian, mẹ cùng gia đình chuyển về vùng Phủ Quỳ (thị xã Thái Hòa, Nghệ An bây giờ) để xây dựng kinh tế mới.
Rồi người phụ nữ Thái Lan cũng quen dần với phong tục tập quán, phương thức sản xuất lúa nước ở miền đất mới. Cái nắng, cái gió khắc nghiệt của miền đất nơi đây cũng dần vắt kiệt từng giọt mồ hôi của người phụ nữ Thái Lan. Dù vất vả, khó khăn nhưng vì chồng, vì con, mẹ không quản mưa gió, khó nhọc. Cuộc sống của cả gia đình cũng dần đi vào ổn định.
Dòng máu Thái hòa mình vào đất Việt
Cuộc kháng chiến của dân tộc chuyển sang những bước ngoặt mới. Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người con trai đầu của mẹ là Tống Văn Hiếu lên đường nhập ngũ. “Lúc nó đi tôi cũng chỉ gấp vội được một cái khăn, vay được 10 đồng bạc để nó lên đường. Mẹ con cứ ôm nhau mà khóc mãi thôi. Nó đi đằng đẵng không có thư từ gì về cho mẹ cả. Tôi lo lắm, đêm nào cũng nằm mơ thấy nó. Sau đó, tôi nhận được tin nó hy sinh”, mẹ Hiền rưng rưng nước mắt khi nhớ về người con trai đầu của mình.
Hai năm sau ngày lên đường nhập ngũ, con trai cả của mẹ là Tống Văn Hiếu đã anh dũng hy sinh tại khu vực Rú Nài, tỉnh Hà Tĩnh. Rồi thời gian sau đó, do bệnh tật triền miên nên ông Tống Văn Hiền cũng vĩnh viễn ra đi.
Giờ mẹ sống một mình trong căn nhà tình nghĩa
Đau thương mất mát cứ dồn dập ập đến với gia đình của mẹ. Thời khắc ấy tưởng chừng như mẹ gục ngã. “Ông ấy mất để lại cho tôi cả đàn con thơ, đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi. Lúc đó đói lắm…”, mẹ Hiền nhớ lại.
Rồi sau đó, 4 người con tiếp theo của mẹ lần lượt lên đường nhập ngũ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1972, một lần nữa mẹ nhận được giấy báo tử từ đơn vị khi anh Tống Văn Xiên, con trai của mẹ đã hy sinh tại chiến trường Lào. Rồi một người con khác trở về sau khi bị thương nặng tại chiến trường.
Các con mẹ đã vĩnh viễn ra đi, hòa máu mình tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền của dân tộc. Dòng máu Thái Lan của mẹ chảy trong cơ thể các anh cũng hòa mình vào đất Việt trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Dù đau đớn nhưng mẹ tin, ở nơi suối vàng, các con mẹ vẫn tự hào vì được cầm súng, được chiến đấu, được cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh đuổi giặc Mỹ thống nhất nước nhà. Để hôm nay, mỗi mùa hoa nở, mỗi nụ cười, mỗi thời khắc vinh quang của dân tộc, mẹ tự hào vì có một phần đóng góp từ những hy sinh của các con mẹ.
Năm 2014, để ghi nhận những hy sinh, cống hiến của mẹ, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ. Ngày đón nhận danh hiệu cao quý đó, mẹ nghẹn ngào trong nước mắt: “Nhà nước tặng mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ vinh dự lắm. Mẹ cũng được chính quyền xây cho một căn nhà tình nghĩa. Mẹ thấy rất tự hào khi các con mình đã hy sinh, cống hiến cho cuộc chiến tranh giải phóng đất nước”.
Hiện mẹ Hiền đang sống một mình trong căn nhà tình nghĩa, các con cháu của mẹ đều sống quây quần quanh đó không xa. Dù tuổi đã cao nhưng mẹ còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Chia tay mẹ khi ánh chiều đã ngả sau sườn núi, chúng tôi cũng chỉ biết thầm cầu chúc cho mẹ có thêm thật nhiều sức khỏe, sống thật lâu hơn nữa bên cháu con.