Đi tìm những bài võ uy chấn thiên hạ của các Danh tướng xưa (Kỳ 1)
Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 19/06/2015
Trong loạt bài viết này, báo điện tử Công lý xin trân trọng giới thiệu tới độc giả một số bài võ của một số danh tướng mà PV có dịp được tiếp xúc với truyền nhân hoặc các tư liệu liên quan.
Kì 1: Lật mở bí ẩn về bộ võ thư đầu tiên ghi chép các bài võ của nhiều danh tướng
Vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay các cuốn sách ghi chép về các bài võ của các danh tướng xưa còn lại không nhiều. Một trong những cuốn sách hiếm hoi ấy là Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch là Sao chép binh thư võ thuật của những vị tướng qua nhiều đời khác nhau). Và đến nay những bí ẩn trong cuốn sách này vẫn đang được giải mã từng ngày.
Truyền kỳ về cuốn võ thư đầu tiên
Theo đó, vào thời Hậu Lê, tại kinh thành Thăng Long có một nhà sư rất am tường và giỏi võ nghệ. Ông bỏ công sức suốt một thời gian rất dài để lặn lội, sưu tập binh thư, võ thuật của các danh tướng. Bằng sự am tường võ thuật của mình, cộng với những gì sưu tầm được, ông soạn ra pho bí kíp Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp. Sau khi hoàn tất pho sách về võ thuật của các danh tướng này, lo sợ bị thất truyền, ông lập ra môn phái Long Hổ không hồng. Với ý nghĩa rằng, Long và Hổ tượng trưng cho sự “uy”, “mãnh”, còn không hồng tượng trưng cho ánh mặt trời. Theo môn quy thì môn phái này mỗi đời chỉ nhận và truyền dạy cho một đệ tử. Và tên hiệu của mỗi đệ tử đều phải bắt đầu từ chữ “Hư”. Nhà sư sáng lập ra môn phái này có tên hiệu là Hư Minh.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh loạn lạc thời Trịnh – Nguyễn khiến đệ tử của phái Long Hổ không hồng đi dần xuống phương Nam. Vào thời Tây Sơn thì môn phái này đã được truyền đến đời thứ 8 cho một người tên là Nguyễn Trung, hiệu là Hư Linh Ẩn. Sau khi vua Gia Long lên ngôi thì bộ sách Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp này bị hủy diệt như nhiều bộ sách võ khác ở đất Bình Định. Và cũng kể từ đó, bộ sách này chỉ được truyền lại bằng trí nhớ qua các đời đệ tử chân truyền phái Long Hổ không hồng. Tính đến Thượng tọa Thích Tịnh Quang, hiệu là Hư Linh Thông mất năm 1990 là đời thứ 12. Và đời thứ 13 là Vạn Hạnh, hiệu là Hư Linh Tử.
Ông Nguyễn Đông Hải
Truyền nhân Hư Linh Tử tên thật là Nguyễn Đông Hải, tuổi mới ngoài 40, sinh ở xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 12 tuổi, Nguyễn Đông Hải đã xuất gia vào chốn cửa thiền. Sư thầy Thích Tịnh Quang lúc ấy chỉ có vỏn vẹn 2 đệ tử là Vạn Lạc, hiện trụ trì chùa Lộc Sơn. Người thứ 2 là Vạn Thanh – Nguyễn Đông Hải.
Sau 4 năm chuyên tâm học kinh kệ, một đêm nọ Vạn Thanh được sư phụ gọi riêng ra bảo: “Thầy thấy con có tư chất, tính tình điềm đạm, có thể học võ được. Nhưng điều quan trọng là con có thích học không?”. Vạn Thanh đáp: “Ðược thầy thương, truyền dạy con rất thích ạ!”. Thế là lúc nửa đêm, khi gà gáy, một thầy một trò huỳnh huỵch luyện thập bát ban. Xen giữa những buổi thị phạm, là những bài học khẩu quyết bằng tiếng Hán cổ, là những lần thầy cầm tay trò tô theo từng nét bút những chữ Hán loằng ngoằng, là những câu chuyện kể về lai lịch của Lục tướng tằng vương... lẫn xuất xứ của môn phái Long Hổ không hồng.
Vẫn chưa giải mã hết những bí ẩn
Có sách quý, lại được thầy chỉ bày tận tụy, sư Vạn Thanh dốc lòng học tập, nghiền ngẫm. Dù chỉ được truyền lại theo khẩu quyết, nhưng Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp cũng được Hư Linh Tử ghi lại gần 150 bài. Tuy nhiên, để nắm được hết lẽ huyền diệu của pho bí kíp này, anh biết cái mình còn thiếu là vốn chữ Hán cổ còn yếu, sở học về triết lý phương Ðông còn non. Thế là năm 26 tuổi, Hư Linh Tử một mình một tay nải vào Sài Gòn tìm học ở khoa Ðông - Nam Á các Trường Đại học Sư phạm. Sau hơn bốn năm đèn sách Hư Linh Tử đã dần dần lĩnh hội được Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp. Sau đó, Hư Linh Tử cũng mới thấu hiểu mỗi bài võ trong Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp đều có hai mục đích: chiến đấu và rèn sức khỏe.
Năm 1997 tròn 30 tuổi, Vạn Thanh - Hư Linh Tử hết duyên với cửa Phật. Anh hạ sơn và từ đây trở thành võ sư Nguyễn Ðông Hải - Hư Linh Tử. “Thật đáng tiếc là quý thầy Tịnh Quang, Hạnh Hòa cũng như mình đều không rõ sư Hư Minh - tác giả của bộ võ thư này. Chỉ biết ngài sinh năm 1534 tại miền Bắc, vào Nam tu luyện rồi khởi viết sách này vào năm 1561, đến năm 1590 thì mất” - ông Đông Hải giải thích. Càng đáng tiếc hơn, vẫn theo lời ông Đông Hải, đến nay ông vẫn chưa có điều kiện dịch hết được bộ võ thư mà mình may mắn có được. Theo ông, dịch bộ sách võ cổ này phần nào giống như là việc “giải mã” một thư tịch hiểm hóc vì cách viết về binh thư, võ thuật của người xưa rất cô đọng, phải tốn nhiều thời gian nghiền ngẫm.
Bằng những gì đã “giải mã” được, ông Đông Hải khẳng định rằng, bộ cổ thư về võ học này ghi chép phép dùng binh (binh pháp) cũng như các chiêu pháp, đòn thế (võ thuật) của các vị vua, vị tướng nước ta kể từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời Lê Lợi, trong đó có các vị danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão... Phần binh thư của cuốn sách rất đáng quý, nhưng theo ông Đông Hải và thượng tọa Hạnh Hòa, phần võ thuật của bộ cổ thư này có ý nghĩa rất thiết thực. Đây là những bài bản chứa đựng những chiêu thức võ thuật của các vị võ tướng vốn được rút ra từ tinh hoa võ thuật của dân tộc.
Pho bí kíp Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp
“Ngoài các mục binh thư mưu lược, binh thư đồ trận, mục thiết thực với việc học võ thuật của mình là mục binh thư thao lược trong bộ sách này. Nó dạy cho mình các thao mẫu. Tất cả đều có thứ bậc từ thấp lên cao, thao trên triệt tiêu (đoạn) hao dưới. Như “nguyên sinh thao” - thao thấp nhất - bị phá bởi thao kế trên là “cương sinh thao”, nhưng thao này lại bị phá bởi thao kề trên là “ngạnh sinh thao”, cứ thế thao trên lần lượt phá thao kề dưới, đến thao cao nhất là “tam sinh thao”. Hay như trong bài đại đao của Lý Thường Kiệt cũng vậy, cứ tuần tự cái trên sẽ triệt phá (đoạn) cái dưới kề: Thời đao đoạn kiếm/kiếm đoạn thương thần/trùng binh đoạn pháp/pháp đoạn hùng binh...”, ông Đông Hải sơ lược.
Với khoảng 300 bài gốc cho những thao mẫu, chiêu pháp về võ thuật trong bộ sách này, theo ông Đông Hải, nếu có điều kiện biên dịch - nghiên cứu để ứng dụng, bộ võ thư cổ này sẽ góp vào như là một giáo trình võ thuật lớn làm phong phú và nổi bật hơn cho nền võ cổ truyền VN nói chung và võ Bình Định nói riêng. “Cái hay của phần võ thuật trong bộ sách cổ này thì đã thấy. Chỉ một số thao mẫu, những chiêu pháp mới được đưa vào dạy cho võ sinh ở sân võ của chùa, nhưng đã thu được những kết quả đáng nói”, ông Đông Hải khẳng định.
Người lưu giữ bộ sách quý về Tây Sơn Tam kiệt Ngoài Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp, thiền sư Tịnh Quang còn truyền lại cho ông Đông Hải - bộ Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao. Đây là tác phẩm của ông Nguyễn Trung Như - một tướng Tây Sơn người làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bộ sách ghi lại những chiêu pháp, thao lược đặc biệt của Tây Sơn tam kiệt cũng như của các danh tướng Tây Sơn như Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, đô đốc Lộc, Bùi Thị Xuân... và của cả tác giả Nguyễn Trung Như. Cũng như với bộ Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp, thời còn là sư tăng ở chùa Long Phước, ông Đông Hải đã dịch và đưa vào dạy cho nhiều lớp võ sinh một số chiêu pháp, thao mẫu trong Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao. |
(Còn nữa)