Lửa vẫn cháy trong tim người lính
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 28/04/2015
Những khoảnh khắc “đóng đinh” trong ký ức
Ngồi trong căn nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, ông Bàng Nguyên Thất, nguyên là chiến sỹ thông tin thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 66 bộ binh, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 kể lại vanh vách từng trận đánh mà ông đã từng kinh qua khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam.
Ông đặc biệt hào hứng khi nhắc đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ông Thất cho hay, khi ấy ông mới hơn 20 tuổi, may mắn thuộc quân số đơn vị được giao nhiệm vụ chủ công mũi thọc sâu đánh, chiếm Dinh Độc Lập. Ông bảo, đó là một trận đánh chiến lược mà cả hai bên đều trang bị vũ khí hiện đại nhất của bên mình.
Sau 40 năm, khi nhắc lại trận đánh bạt vía quân thù ông vẫn như đang sống trong không khí hào hùng tiến lên giết giặc của quân ta. Gương mặt ông giãn ra khi nhắc tới cụm từ: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ông kể, đêm 29 rạng sáng ngày 30/4, Trung đoàn bộ binh 66 được giao nhiệm vụ chủ công mũi thọc sâu, xuất phát hành quân bằng cơ giới. Với tốc độ thần tốc, 5 giờ sáng đoàn quân đã ra đến xa lộ Biên Hòa, tiến về hướng Sài Gòn. Qua cầu Rạch Chiếc, khoảng 30 phút sau thì đến đầu cầu Sài Gòn. Tại đây, địch dùng xe tăng chốt chặn trên cầu và bố trí các ổ kháng cự cùng một số tàu chiến dưới sông chi viện cho lực lượng trên bờ.
Địch tạo thế gọng kìm nhằm ngăn chặn và tiêu diệt quân ta. Ngay lập tức, lực lượng bộ binh của ta được lệnh khống chế, tiêu diệt chúng, sau đó tiến về trung tâm thành phố.
Lúc này, trên chiếc xe Jeep tiến về Dinh Độc Lập có Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn, lái xe Đào Ngọc Vân, trợ lý tác Trung úy chiến Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý chính trị Trung úy Phùng Bá Đam, chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin truyền đạt Nguyễn Huy Hoàng.
Khi qua cầu Sài Gòn, theo chỉ đạo của cấp trên, Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn lệnh cho Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ ngồi lên xe Jeep chỉ huy trung đoàn tiến vào Dinh Độc Lập. Khi đến trước cổng Dinh Độc Lập, chiếc xe tăng thứ nhất của ta húc vào cổng phụ, do lực phản mạnh nên chết máy. Chiếc xe tăng thứ hai hùng dũng lao lên húc đổ cổng chính cùng xe Jeep tiến thẳng vào trong. Khi đó là vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 30/4.
Ông Bàng Nguyên Thất xem lại những bức ảnh kỷ niệm một thời hoa lửa
Khi xe Jeep dừng ở sảnh Dinh, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh tiến tới và nói: “Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng toàn bộ nội các chính quyền đang chờ quân giải phóng trên lầu 1 để bàn giao".
Sau khi Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với cấp chỉ huy của ta, Đại úy Phạm Xuân Thệ tuyên bố đanh thép: "Các ông bị bắt làm tù binh, không có gì để bàn giao cả". Đại úy Phạm Xuân Thệ yêu cầu Dương Văn Minh phải lập tức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tránh thương vong cho cả hai bên. Nhưng, khi đó nhân viên Đài phát thanh Sài Gòn bỏ chạy hết không có ai vận hành tín hiệu thu - phát từ Dinh Độc Lập tới Đài phát thanh Sài Gòn. Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội hội ý nhanh và thống nhất đưa Dương Văn Minh cùng Vũ Văn Mẫu đến Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng.
Cuộc áp giải lịch sử
Đài phát thanh Sài Gòn cách Dinh Độc Lập 3km, việc áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu được lên phương án hết sức cẩn trọng.
Dương Văn Minh được bố trí ngồi ghế đầu bên trong chiếc xe Jeep, Đại úy Thệ ngồi bên ngoài, bên tay trái là lái xe Đào Ngọc Vân. Ghế sau, ngồi giữa là Vũ Văn Mẫu, bên phải là Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, bên trái là Trung úy Phùng Bá Đam. Chiến sỹ Bàng Nguyên Thất ngồi sau cùng bên phải, Nguyễn Huy Hoàng ngồi sau cùng bên trái. Theo sát phía sau có hai xe tải chở bộ binh của Tiểu đoàn 7 áp tải bảo vệ.
Lúc này, quân ta đã làm chủ Đài phát thanh Sài Gòn, tuy nhiên, các kỹ thuật viên nhà đài đã bỏ chạy hết. Đại úy Phạm Xuân Thệ lệnh cho Thượng úy Hoàng Trọng Tình thuộc Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) cử người đi tìm nhân viên kỹ thuật của đài về tiếp tục công việc, đồng thời cho dẫn Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên phòng bá âm.
Bức ảnh quân ta dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4 được một nhà báo người Pháp chụp lại đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam (Trong ảnh, ông Bàng Nguyên Thất đi đầu bên tay trái)
Đại úy Phạm Xuân Thệ chính là người chắp bút nội dung lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Khi đó, đồng chí Bùi Văn Tùng thuộc Lữ đoàn tăng 203 đơn vị phối thuộc cùng vào Dinh Độc Lập là người đọc lời chấp nhận đầu hàng.
Khi phía ta ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh thì gặp một chút trục trặc về kỹ thuật là chiếc máy ghi âm của đồng chí Đinh Thái Quang, trợ lý tuyên huấn trung đoàn bị kẹt băng, không ghi được. Lúc đó, có một nhà báo nước ngoài nói: "Tôi có máy, đề nghị dùng máy của tôi ghi âm". Ghi xong nghe lại thấy đạt yêu cầu, đồng chí Phạm Xuân Thệ lệnh cho phát trên đài phát thanh, cứ 15 phút phát lại một lần. Lúc đó vào khoảng 12 giờ 15 phút ngày 30/4.
Sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát đi thì các tỉnh chưa giải phóng cũng được giải phóng rất nhanh chóng. Sau đó đoàn tiếp tục dẫn Dương Văn Minh về Dinh Độc Lập an toàn và giao lại cho Ủy ban Quân quản quản lý.
Sau ngày 30/4/1975, những người lính ngồi trên chiếc xe Jeep tiến vào Dinh Độc Lập theo sự phân công của cấp trên mỗi người làm một nhiệm vụ. Ngày hòa bình lập lại, họ thường xuyên ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm của “một thời hoa đỏ”. Những người lính ấy còn về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội đã ngã xuống trong những trận chiến ác liệt. Quả thật, với những người lính, dù thời chiến hay thời bình thì tình đồng đội vẫn luôn tỏa sáng, tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc luôn cháy trong tim.