Ký ức không quên của vị Đại tá anh hùng
Xã hội - Ngày đăng : 09:42, 23/04/2015
Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vinh Quang, đơn vị bảo vệ cơ quan Thành ủy trong thời kỳ kháng chiến. Không khí hào hùng của một thời khói lửa cùng đồng đội làm nên chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã sống lại qua những câu chuyện của ông…
So với các căn cứ kháng chiến được xây dựng tại các vùng giải phóng rộng lớn như U Minh, Đồng Tháp Mười, Trung ương Cục tại Tây Ninh, Căn cứ kháng chiến trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là các căn cứ cắm sâu trong lòng địch, có nhiều đặc trưng riêng để phù hợp với cuộc đấu tranh tại đô thị. Căn cứ kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vừa là hậu phương, đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sỹ cách mạng sống và chiến đấu ngay tại Sài Gòn, trung tâm đầu não của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Chính vì thế, cuộc chiến tại căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định luôn diễn ra vô cùng khốc liệt.
Đại tá Lê Văn Lên (thứ hai từ phải qua) kể lại những kỷ niệm hào hùng
Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Văn Lên ôn lại những kỷ niệm về trận chiến đầu tiên của ông tại căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định: “Khu Sài Gòn - Gia Định, khu tam giác sắt Củ Chi luôn là cái gai trong mắt quân đội Mỹ và VNCH. Xuyên suốt cuộc chiến, Mỹ liên tục đưa quân đánh phá, vừa thả bom na-pan, xe tăng, tàu chiến bao vây nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Tại Củ Chi, anh Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) chỉ đạo rất tỉ mỉ và hết sức sáng tạo xây dựng phát triển địa đạo, xây dựng chiến hào. Với phương châm “mỗi viên đạn là một kẻ thù”, Đại tá Lê Văn Lên và các đồng đội trong Tiểu đoàn Vinh Quang đã làm quân thù nhiều phen khiếp vía. Vì luôn chủ động nên khi quân địch tấn công địa đạo Củ Chi, anh em đánh trả quyết liệt, bắn rơi 5 máy bay, diệt hàng trăm tên địch. Sau đó, đơn vị được cấp trên khen thưởng Huân chương chiến công hạng 2 cho tập thể và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cho các chiến sỹ”.
Cuộc sống trong căn cứ kháng chiến ở địa đạo Củ Chi có phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Có những thời điểm toàn bộ quân ta phải rút xuống lòng đất bên trong 250km địa đạo vì quân địch đã sử dụng bom, chất độc hóa học… nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Mặc dù vậy, tinh thần chia ngọt sẻ bùi của các đồng đội là những kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí ông.
Trong cuộc chiến, nhiều lần căn cứ phải di chuyển do địch đánh phá ác liệt, dù chuyển đến địa bàn nào, Khu ủy cũng đều nhận được sự đùm bọc, chở che của nhân dân. Tình quân dân “như cá với nước” để lại cho Đại tá Lê Văn Lên nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. “Cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ cách mạng trong vùng căn cứ cực kỳ anh dũng, oanh liệt với sự hy sinh to lớn nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương của đồng bào, đồng chí, đồng đội”, ông Lên bồi hồi nhớ lại. Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng từng nhận định, thắng lợi tại căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là nhờ chúng ta xây dựng thế trận lòng dân, quyết tâm kháng chiến “một tấc không đi, một li không rời” ngay tại sào huyệt của kẻ thù.
Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền là nơi khắc sâu trong ký ức của nhiều chiến sỹ cách mạng hoạt động trên căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nơi đây, các chiến sĩ được đồng bào nơi đây cưu mang, nuôi dưỡng, giúp đỡ. Suốt nhiều năm đồng bào nơi đây đã nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ cho trên 20 tổ chức cách mạng bí mật hoạt động, không bị địch phát hiện ngay trung tâm đầu não của chế độ cũ, nơi các căn cứ quân sự của chế độ cũ dày đặc để bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ.
Đại tá Lê Văn Lên nhớ lại, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại căn cứ cách mạng Bảy Hiền, chỉ đến 6 giờ sáng ngày 30/4/1975 ta đã giành toàn bộ chính quyền, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được cắm trên trụ sở hành chính tại khu dân cư này. Một điều rất đặc biệt của cách mạng Bảy Hiền là trong ngày và đêm 30/4/1975 lịch sử, đồng bào cùng lực lượng cách mạng tại đây đã thức suốt đêm để may cờ, viết khẩu hiệu, nấu cơm để chuẩn bị cho cuộc mít tinh mừng chiến thắng và kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động tại trường Nguyễn Thượng Hiền vào sáng sớm ngày 1/5/1975 với khoảng 10.000 người tham gia.
Mặc dù trong quá trình kháng chiến, Đại tá Lê Văn Lên hai lần bị địch bắt trong khi chiến đấu, dù phải chịu biết bao gian khổ, hi sinh nhưng ông vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, đó cũng là niềm tự hào mỗi khi ông nhắc đến. Ông vinh dự được tham gia viết “Hồi ký căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (1945-1975)”, kể lại những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc về những người thật, việc thật ở căn cứ kháng chiến. Những câu chuyện về lòng quả cảm của ông và đồng đội sẽ truyền lửa đến thế hệ thanh niên, để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.