Cuộc chiến bảo vệ "hậu phương lớn"
Xã hội - Ngày đăng : 05:42, 15/04/2015
Trên các khu vực biên giới, giới tuyến và các mục tiêu trọng yếu nội địa, chúng tăng cường tung gián điệp, biệt kích, biệt hải nhằm đồng thời “nội công ngoại kích”. Chúng huyênh hoang tuyên bố sẽ “đẩy lùi miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”.
Sẵn sàng nghênh địch
Trong giai đoạn đầu của chiến tranh phá hoại, các tuyến biên giới ven biển miền Bắc được coi là mục tiêu bắn phá trọng điểm như cửa sông Gianh, Thành phố Vinh, Bến Thủy, Cảng Hải Phòng, Thị xã Hòn Gai… Địch dùng tàu khu trục Ma đốc xâm phạm vịnh Bắc Bộ nhằm thu thập tin tức về các trận địa bờ biển đồng thời tung lực lượng biệt hải đánh phá đảo Hòn Mê - Thanh Hóa và Hòn Ngư - Nghệ An…
Ngày 5/8/1964, dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ đã huy động một lực lượng không quân và hải quân rất lớn gồm hàng trăm máy bay, tàu chiến tối tân ra Bắc để tiến hành ném bom, rải thủy lôi trên các khu vực có khu quân sự, khu vực đông dân cư, công xưởng, bến cảng và cả bệnh viện, trường học… Các đơn vị công an nhân dân vũ trang từ Quảng Bình đến Quảng Ninh phối hợp với lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ nổ súng quyết liệt, đánh trả máy bay địch khi chúng vừa xâm phạm bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngay trong trận đầu, các đơn vị đồn Roòn; khẩu đội đại liên, phân đội 2 Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình; Phân đội thuyền; đơn vị bảo vệ Cảng Hòn Gai đã lập công xuất sắc khiến quân địch hết sức bất ngờ.
Cầu Hàm Rồng từng là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ
Thất bại ngoài dự tính, đế quốc Mỹ bộc lộ hoàn toàn mưu đồ gây chiến tranh phá hoại lên toàn miền Bắc, hòng đánh phá "hậu phương lớn", cắt nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước yêu cầu cấp bách, các trận địa bắn máy bay, hệ thống công trình chiến đấu và hầm hào trú ẩn được quân ta gấp rút xây dựng. Tại vùng đất thép Vĩnh Linh, một trong những trọng điểm bắn phá của không quân và hải quân địch, các đồn trạm đã xây dựng nên 114 "làng hầm" với tổng chiều dài hơn 40km, nơi sâu nhất âm 30m cùng một hệ thống giao thông hào dài 2.000km. Tầng thứ nhất của địa đạo sâu 12m, là nơi sinh hoạt cho người dân; tầng thứ hai cách mặt đất 15m, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu đến 23m, dùng làm nơi tránh bom. Đây chính là kết quả của chiến dịch “nhà nhà đào địa đạo” với 18.000 công lao động của nhân dân xã Vĩnh Thạch trong thời gian hơn 2 năm.
Hệ thống địa đạo độc đáo này được thi công do sự chỉ đạo của Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang thời kỳ đó. Còn người trực tiếp chỉ huy việc đào địa đạo là đồng chí Lê Xuân Vi - Đồn trưởng đồn Vịnh Mốc - người được mệnh danh là “kỹ sư địa đạo”. Địa đạo Vĩnh Mốc hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để bám trụ chiến đấu lâu dài giành thắng lợi, mà còn đảm bảo ổn định đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân và bộ đội.
Sau đó, mô hình địa đạo Vĩnh Mốc đã phổ biến rộng rãi trên địa bàn Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… Hàng chục ngàn mét hào giao thông, hàng trăm trận địa bắn máy bay được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, tất cả đều sẵn sàng đáp trả cho mọi hành động khiêu khích của kẻ thù.
Kiên cường chống trả
Trong những năm tháng này, Cầu Hàm Rồng - cây cầu giữ một vị trí giao thông rất quan trọng nối trục đường bộ, đường sắt Bắc Nam - là một trong những địa danh hứng chịu nhiều bom đạn nhất của địch. Máy bay Mỹ liên tục đánh phá với cường độ rất cao với các chiến thuật khác nhau. Các đơn vị bảo vệ cầu đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi hơn 100 máy bay các loại. Khốc liệt và hào hùng nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng là vào các ngày 3, 4, 5 tháng 4/1965. Quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn cho cây cầu huyết mạch Hàm Rồng.
Người dân Hàm Rồng khi đó đã chứng kiến giây phút ba người chiến sỹ Công an vũ trang là Phạm Gia Huấn, Nguyễn Hữu Nghị, Trần Văn Liền rời vị trí chiến đấu qua cầu về bờ Nam, toàn thân tơi tả đen sạm vì khói bom, đất cát và máu nhưng tinh thần kiêu hãnh dũng cảm lắm. Đây là ba người trong tổ trung liên của Phân đội 3 - Công an nhân dân vũ trang Thanh Hóa bố trí trên hòn núi Ngọc ở bờ Bắc cầu Hàm Rồng, là một hỏa lực quan trọng trong trận địa "bàn tay xòe" nổi tiếng.
Tận dụng và phát huy ưu thế tuyệt đối của địa hình hiểm hóc, Phân đội 3 bình tĩnh chờ máy bay địch bổ nhào đúng tầm mới nhằm đầu máy bay địch bắn, khiến giặc lái Mỹ vô cùng hoảng sợ. Sau nhiều lần bị công kích, địch cũng phát hiện, tập trung tổ chức tấn công liên tục vào hỏa điểm lợi hại này. Ba người chiến sỹ bị bom đạn Mỹ hất khỏi công sự và vùi lấp trong đất. Nhưng các anh đã nén đau để tiếp tục cầm súng chiến đấu. Chiến công và tinh thần anh dũng của họ đến nay lịch sử địa phương vẫn còn ghi. Các anh đã đánh trả 20 đợt bắn phá ác liệt của địch, bắn cháy 4 máy bay Mỹ.
Nữ tự vệ Hà Nội bắn máy bay Mỹ, tháng 12/1972
Cùng với các hoạt động bắn phá ác liệt, Mỹ cũng tung ra miền Bắc hàng trăm toán gián điệp biệt kích, người nhái với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Một trong những chiến thuật khác mà Mỹ kì vọng sẽ làm tê liệt miền Bắc Việt Nam là dùng thủy lôi phong tỏa các luồng vận tải trên sông, cảng sông và cảng biển ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa. Chúng cho rằng có thể ngăn cản việc Việt Nam tiếp nhận những chuyến hàng từ các nước XHCN và mang hàng chi viện cho miền Nam. Ngày 26/2/1967, không quân Mỹ bắt đầu thả những quả thủy lôi đầu tiên gồm các chủng loại: Thủy lôi từ trường, thủy lôi âm thanh, thủy lôi chạm nổ, thủy lôi áp suất hòng đánh chìm các loại tàu chiến, tàu vận tải của ta.
Với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, chúng ta chủ động tìm cách chống phong tỏa thủy lôi. Kết quả, từ năm 1967 tới 1972 các lực lượng công binh hải quân, dân quân tự vệ của ngành hàng hải và các đồn công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ tại các khu vực cửa sông, cảng biển như đồn Tràng Cát, đồn Cát Hải, đồn Trà Lý, đồn Lạch Trường… đã phá được hàng nghìn quả thủy lôi các loại. Lượng hàng hóa, nhân lực tiếp tế cho miền Nam không giảm mà vẫn tăng. Riêng đoàn tàu không số đã vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn hàng hóa vũ khí đưa vào miền Nam. Con đường viện trợ của các nước XHCN cho miền Bắc vẫn thông suốt cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại.
Oai hùng "Điện Biên Phủ trên không"
Thất bại nặng nề trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Mỹ tăng cường thực hiện chiến tranh phá hoại lần thứ hai với quy mô và cường độ đánh phá hơn hẳn. Từ ngày 6/4 đến ngày 29/12/1972, bằng thủ đoạn đánh phá tàn bạo và xảo quyệt, Mỹ đã ném xuống miền Bắc 210.000 tấn bom đạn có sức phá hoại và sát thương lớn với. Đặc biệt, từ ngày 18 đến hết ngày 29/12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược không quân bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc nước ta.
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí, quân và dân miền Bắc đã chiến thắng vẻ vang bắn rơi hàng trăm máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái, bắn cháy 9 tầu chiến. Trong chiến thắng chung đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi hàng chục máy bay B.52 và F.111 cùng nhiều máy bay phản lực khác. Ngày 15/1/1973, Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn miền Bắc Việt Nam.
Trong 12 ngày đêm ấy, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 254 vừa tham gia bắn máy bay tầm thấp, vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, như Đại đội 42 bảo vệ Đài Phát thanh Mễ Trì, nhiều lần địch dùng B52 ném bom rải thảm xuống khu vực, nhưng vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ mục tiêu. Các đơn vị của Trung đoàn 600 trong chiến tranh phá hoại đã đào hàng nghìn mét giao thông hào, hầm phòng tránh, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cuộc họp của Trung ương. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã lập chiến công và thành tích xuất sắc được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo biểu dương khen ngợi.
Có thể nói, thắng lợi của quân dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam đã buộc chính quyền của Tổng thống Ních - xơn phải tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá miền Bắc nước ta vào ngày 15/1/1973.