Tội ác kinh hoàng của Tây lai và vụ thảm sát 286 người (Kỳ 2): Hắc y đảng và tội ác tàn độc
Xã hội - Ngày đăng : 07:44, 02/04/2015
Theo đuổi mục đích trên cùng với mưu đồ triệt tiêu lòng quả cảm của nhân dân, phá vỡ vỏ bọc chắc chắn của các cơ sở cách mạng, tên Tây lai này đã tổ chức các đội quân khát máu: Đảng Hắc y, UMDC.
"Đao phủ" Hắc y đảng
Với tư tưởng tôn thờ sức mạnh bạo lực, Leroy luôn cho rằng vũ lực có thể đập tan mọi ý chí sắt thép. Tin theo quan điểm trên, những năm tháng đầu đời binh nghiệp, tên Tây lai luôn áp dụng vũ lực với nhiều thủ đoạn tàn độc nhất.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1946, khi lên chức Quận trưởng An Hóa, Leroy mới thực sự có điều kiện phơi bày dã tâm thú vật của mình. Quan niệm dùng vũ lực để bình định chiến tranh, triệt tiêu hậu phương, vỏ bọc của cơ sở cách mạng, hắn công khai thành lập tổ chức Hắc y đảng chuyên trách việc tìm diệt, ám sát, giết người.
Thông tin về Hắc y đảng, nhiều bậc lão niên tại Bình Đại khẳng định: "Bọn chúng đúng là những kẻ giết người không ghê tay. Chúng toàn là những tên giang hồ vào tù ra tội, nổi tiếng ác ôn. Ngày xưa, chúng tàn bạo đến mức, ban đêm nếu thấy người mặc áo đen là không ai dám ra khỏi cửa, không dám ngủ".
Theo những tài liệu lịch sử thu thập được tại địa phương, Hắc y đảng bao gồm một nhóm người, thành phần chủ yếu là những tử tội được Leroy chiêu dụ vào tổ chức trên làm nhiệm vụ ám sát, giết người. Cái tên Hắc y đảng xuất phát từ cách thức ăn mặc và dấu hiệu riêng của tổ chức khát máu trên. Theo đó, khi hành động, Hắc y đảng luôn mặc quần áo đen theo kiểu nhẫn giả (Ninja) Nhật Bản. Đảng trên có lúc cũng được gọi là đảng Sọ người vì trên mũ luôn có phù hiệu sọ người cùng 2 đòn xương trắng bắt chéo.
Hắc y đảng hay đảng Sọ người ra đời, nhanh chóng trở thành tay đao phủ, máy chém di động của Leon Leroy và nỗi khiếp đảm của người dân An Hóa. Mục đích của chúng không chỉ là tổ chức phá hoại, gây rối loạn an ninh trật tự trong làng ấp, tìm diệt những cán bộ cách mạng mà còn khủng bố tinh thần nhân dân bằng nhiều cách.
Lính Lê dương Pháp trước khi tấn công quân Việt Minh
Tài liệu Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lộc Thuận ghi nhận: "Thường đêm, chúng đi bắt bớ những người mà bọn chúng tình nghi hoạt động cách mạng và phần lớn là người giàu có, có nhiều tiền, vàng, để sau đó gia đình phải chạy lo lót tiền vàng. Nếu gia đình không lo lót nổi thì chúng tra tấn đủ mọi thứ cực hình đem đi thủ tiêu bằng cách chặt đầu hoặc mổ bụng rồi vu khống cho là Việt Minh giết.
Nỗi khiếp đảm mang tên Hắc y đảng âm ỉ, lặng lẽ ẩn dưới mọi ngõ vắng, mọi tán dừa, mỗi nhà dân. Bất cứ lúc nào, bất cứ gia đình nào cũng có thể bất ngờ trở thành con mồi trong tầm ngắm của bọn đao phủ đảng Sọ người. Lúc bấy giờ, những gia đình có tiền của luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ, còn người dân nghèo thì bị chúng hà hiếp, chà đạp, những người lớn tuổi sống tại Bình Đại khẳng định. Ngược lại, đối với cán bộ cách mạng, những người bị chúng cho là có dính líu đến Việt Minh, nếu rơi vào tay chúng, bọn đao phủ có quyền tự quyết bằng cách giết không tha một cách công khai".
Nhân dân An Hóa những năm 1945, 1946 không bất ngờ khi chứng kiến nhiều cán bộ Việt Minh bị hành quyết hàng loạt, công khai ngay tại các làng, xã. Ghi nhận tại nhiều tài liệu địa phương, khi rơi vào tay bọn Hắc y đảng, những người bị tình nghi là Việt Minh ban ngày đều bị chúng tra tấn, tra khảo bằng những cách thức dã man, tàn độc nhất như: Dùng kìm nhổ móng tay, móng chân, bẻ răng, dùng dây thép gai xuyên thủng hai bàn tay kéo rê qua khắp các xóm làng rồi chặt đầu.
Trong trường hợp gặp phải sự phản ứng, đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, bọn chúng bí mật đem người ra bắn vào ban đêm tại cầu Phú Thuận, cầu vàm Bình Trung, cầu tàu Bến Đình, vàm Bà Khoai, cột cờ chợ Bà Khoai. Độc ác hơn, sau khi hành quyết, chúng quyết đem xác đi giấu không cho người thân nạn nhân đem về an táng. Nếu muốn có xác, người thân nạn nhân phải dùng tiền, vàng lo lót, nếu như không đủ tiền, chúng băm xác rồi vứt xuống lòng sông sâu.
Những ác thú khát máu
Sau khi ra đời với vỏn vẹn vài cá nhân thuộc thành phần bất hảo trong xã hội, Đảng Hắc y nhanh chóng bành trướng trở thành bộ máy giết người, khát máu. Mỗi ngày, chúng luôn tìm cách giết cho được một vài người. Ngoài việc bất ngờ tự thân ập vào lùng sục các làng, ấp để truy tìm con mồi, Hắc y đảng còn được bọn tay sai, lính kín, mật thám, bọn bán nước cầu vinh ẩn mình trong làng ấp chỉ điểm, cung cấp.
Theo đó, việc giết chóc dường như trở thành một nhiệm vụ hằng ngày, thú tiêu khiển của bọn sát nhân mất nhân tính. Thế nên có những người đã chết với nhiều lý do oái oăm, oan khuất như: Trùng tên, trùng họ, có ngoại hình giống với những cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại địa phương bằng những kiểu giết chóc chỉ có ở thời Trung cổ. Ghi nhận tội ác kinh khiếp trên, tài liệu Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lộc Thuận viết: "Chúng giết người bằng nhiều kiểu cách dã man; đánh đập, tra tấn, bắn, chặt đầu, mổ bụng móc lấy gan ruột; man rợ nhất là chúng uống mật, ăn gan người, uống rượu say lại đi giết người".
Cũng theo tài liệu này, cầm đầu cỗ máy giết thuê trên là tên Ách Dìn, tức Giang Công Dần. Nhắc đến danh tính của tên tay sai máu lạnh, mất nhân tính Ách Dìn, các bậc lão Bình Đại còn rùng mình, khiếp hãi. Các cụ già nơi đây cho biết, Ách Dìn là một tên khát máu và dã man vào hàng bậc nhất.
Việc giết chóc đối với hắn gần như một thú vui, đặc biệt mỗi khi thấm rượu. Người già nơi đây còn kể lại chuyện trong một lần đàn em bắt được một cán bộ cách mạng, sẵn đang uống rượu, hắn quát: Mổ bụng, lấy mật thằng Việt cộng ra tao nhắm rượu thử xem sao mà nó dám đấu tranh trên đất tao rồi rót rượu có mật người ra cho đàn em cùng uống. Ngoài ra, Ách Dìn còn có nhiều tay chân đều là những đao phủ khát máu phụ giúp việc đàn áp, phá hoại an ninh trật tự, khủng bố tinh thần nhân dân như: Đội Trừ vốn là em cô cậu của Leo Leroy, cai phạm Ban Biện Lầu còn có tên là Võ Công Mưu ở Phú Thuận, ở Bình Trung có tên Quản Huỳnh.
Với chủ trương ác ôn hóa bộ máy cầm quyền của mình và đàn em, tay sai, Quận trưởng Leroy ngoài việc chú ý phát triển, hậu thuẫn cho những đội quân khát máu theo kiểu Hắc Y đảng mà còn tìm cách lôi kéo tha hóa bọn cai tổng, làng, chủ ấp, biến lực lượng này thành trợ thủ đắc lực. Thế nên, hắn hậu thuẫn, hết sức tạo điều kiện cho những cá nhân tổ chức bán nước, khuyến khích quyền tự do bắn giết theo kiểu tiền trảm hậu tấu.
Những hình ảnh này cũng là ký ức chung của người dân Bến Tre
Ngược lại, đối với những cá nhân, tổ chức tỏ ý chống đối hoặc không dứt khoát, Quận trưởng Leroy tìm mọi cách sa thải hoặc cho Hắc y đảng bí mật thủ tiêu rồi vu khống cho Việt Minh. Tài liệu Lịch sử đấu tranh xã Lộc Thuận ghi nhận: Hương cả Lung, hương sư Huy, hương chủ Ưng, hương quản Xông, hương hào Đến đều là những nô bộc, trợ thủ tận tụy phò tá bàn tay nhuốm máu dân chúng của Leroy.
Bằng những chiến lược thâm độc, tàn bạo trên, nỗi ám ảnh về con ác thú khát máu Tây lai Một On bao trùm cả cù lao An Hóa. Tuy nhiên, những chiến lược trên lại là điểm cộng cho con đường chinh phục đỉnh cao đời binh nghiệp của Leroy. Rất nhanh chóng, thực dân Pháp nhận thấy sự tích cực và thành công của vũ khí thử nghiệm mang dòng máu lai này.
Để ghi nhận sự đóng góp của y, cuối năm 1946, Leon Leroy được thăng hàm đại úy. Ba năm sau, tháng 12/1949, Quận trưởng Leroy tiếp tục được đeo hàm đại tá và giữ chức Tỉnh trưởng Bến Tre. Sự thăng tiến như diều gặp gió của Leroy mang lại cho hắn nhiều cơ hội hơn trong việc đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng, khủng bố tinh thần dân chúng. Cấp hàm mới, chức vụ mới đem lại cho hắn những quyền lực mới, cho phép hắn biến hóa một cách đa dạng chủ trương ác ôn hóa chiến tranh của mình.
Theo đó, dựa trên những trung đội lính thân binh đầu đỏ ngày nào, Leon Loroy đẩy mạnh công tác mộ binh, bắt lính, xây dựng các đơn vị lưu động, mở ra một cách thức mới trong chủ trương ác ôn hóa chiến tranh với những cuộc thảm sát mà điển hình nhất vụ thảm sát 286 người ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Một trong những đơn vị lưu động như vậy là đơn vị UMDC.
Châm ngòi cho lòng căm thù, phẫn nộ của nhân dân Những chiến lược hung hiểm, tàn bạo của Leon Leroy đã châm ngòi cho lòng căm thù, phẫn nộ của nhân dân Bến Tre thêm sục sôi. Những năm 1946, 1949 nhân dân, bộ đội chủ lực của Bến Tre kết hợp dân quân địa phương tiến hành những trận phản kích lực lượng địch và tìm cách tiêu diệt tên ác ôn Leroy. Năm 1946, trong trận đánh chiếm đồn Nhà giấy tại ngã tư Lộc Thuận, Leroy cũng bị thương nặng nhưng may mắn thoát chết. Sau đó, cuối năm 1949, công an xung phong huyện đã phục kích tại xã Quới Sơn (Châu Thành) bắn tên Leon Leroy bị thương nặng. Hắn phải nghỉ một thời gian dài để về Pháp chữa bệnh. Sau đó hắn được đề bạt đại tá và trở về làm Tỉnh trưởng Bến Tre (12/1949). |