Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc-Kỳ 2: Tình yêu nảy nở trên công trường đá
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 30/03/2015
Ở lại với cao nguyên đá
Con đường Hạnh Phúc đã thấm bao mồ hôi, máu và nước mắt của những thanh niên xung phong ngày ấy. Trải qua bao năm tháng, con đường huyền thoại này lại càng được nén chặt hơn bởi những dấu chân của biết bao anh bộ đội cụ Hồ và bà con dân bản.
Ở thời điểm ấy, chỉ với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, búa người dân Việt Nam đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, khâm phục khi hoàn thành con đường xuyên qua trùng trùng điệp điệp là núi non hiểm trở. Có lẽ, điều cốt yếu để làm nên con đường chính là ý chí, sự đoàn kết và lòng quyết tâm.
Ông Thêm nhớ lại những tháng ngày gian khổ trên cung đường Hạnh phúc
Từ khi mở đường cho tới khi hoàn thành đã có không biết bao nhiêu thanh niên xung phong ngã xuống. Những câu chuyện hào hùng về những chàng trai, cô gái mở đường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cùng với đó là những câu chuyện tình yêu tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích.
Những câu chuyện này được chính những nhân chứng sống kể lại đã làm sống lại cả một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Và, câu chuyện của ông Thêm, bà Nở là một trong những câu chuyện luôn khiến người nghe phải bồi hồi, xúc động.
Mùa Xuân ở thị trấn Mèo Vạc, sương sớm phủ trắng cả một vùng đồi núi, thời tiết se se lạnh. Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) ông Lã Văn Thêm (SN 1934) rót chén trà nóng mời khách. Ông bảo, sở dĩ cho đến tận ngày hôm nay ông vẫn giữ thói quen đội mũ là để tưởng nhớ thời thanh niên bạt núi làm đường.
Ông Thêm quê gốc ở Nam Định, mồ côi cả cha lẫn mẹ vào đúng nạn đói năm 1945. Cũng từ đó, ông theo người cô ruột của mình phiêu bạt lên đất Lạng Sơn, ăn khoai, sắn sống qua ngày. Cho đến năm 1959, khu ủy Việt Bắc vận động thanh niên xung phong 6 tỉnh phía Bắc đi làm đường, hàng ngàn thanh niên đã viết đơn tình nguyện xin đi, trong đó có ông Thêm. Khi đó, ông Thêm 20 tuổi, người nhỏ bé loắt choắt cũng tình nguyện góp chút sức nhỏ tạo đà giúp miền núi phát triển tiến gần hơn với miền xuôi.
“Tôi chưa từng đến Hà Giang, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một nơi mà người dân phải sống khổ sở như thế, khắp những dãy núi đều là đá, người dân phải cõng đất từ thung lũng lên đỉnh núi trồng ngô. Tôi không nghĩ là sau này và cho đến bây giờ tôi đã quyết định ở lại mảnh đất đầy khó khăn nhưng đáng sống này”, ông Thêm tâm sự.
Tình yêu ở cung đường Hạnh Phúc
Trên công trường Hạnh Phúc, có biết bao đôi uyên ương đã hội ngộ để rồi cuối cùng tình yêu đã níu chân họ ở lại đây. Ông Thêm, bà Nở cũng là một trong những đôi vợ chồng nên duyên từ con đường Hạnh phúc.
Bà Phạm Thị Nở (SN 1951, vợ ông Thêm) cho biết, những năm làm công trường ông Thêm vốn nổi tiếng chăm chỉ, nên khi được tuyển vào đơn vị thanh niên xung phong bà đã có cảm tình với ông.
Bà Thêm kể về chuyện tình của mình
“Lúc bấy giờ thanh niên 6 tỉnh làm công trình đường Hạnh Phúc mà nhân lực còn thiếu nhiều, phần vì một số ít người nản chí nên bỏ về. Do đó khu ủy Việt Bắc mới vận động thêm 2 tỉnh nữa tham gia làm đường là Hải Dương và Nam Định, nghe tin tôi đã quyết định xung phong lên Hà Giang làm đường và gặp ông Thêm ở đó”, bà Nở nhớ lại.
Theo ông Thêm, lúc đầu ông không hề biết bà Nở, nhưng sau những lần tâm sự lúc nghỉ giải lao cả hai mới biết là đồng hương của nhau. Vì biến cố gia đình, ông Thêm phải phiêu bạt lên miền núi và thật không ngờ ở nơi thâm sơn cùng cốc, ông lại có thể gặp được một người con gái cùng làng, xã với mình.
Ông Thêm kể: “Ngày xưa đi làm đường người ta biết tôi cùng quê với bà ấy nên vẫn hay chọc hai chúng tôi, gán ghép chúng tôi với nhau nên nhiều lúc xấu hổ đỏ mặt. Ban ngày tôi làm đường, bà ấy giặt quần áo phải đến đêm mới có thời gian để anh em nói chuyện và chúng tôi mến nhau bao giờ không hay. Đến khi con đường làm gần xong thì xa nhau một thời gian, đó là thời điểm thử thách tình cảm”.
Ông Thêm cho biết, khi con đường làm gần xong rất nhiều người xin về nghỉ phép một thời gian rồi biền biệt không trở lại công trường nữa. Khi thấy nhiều người chết hoặc bị thương trên con đường huyền thoại ấy, ông bà Thêm cũng từng có ý định mỗi người đi một ngả, nhưng có lẽ vì nỗi nhớ của hai trái tim đang rung động, mà hai người trở lại công trường cho đến khi đường Hạnh Phúc làm xong.
Câu chuyện tình yêu của ông bà còn tiếp nối cho đến khi ông Thêm quyết định trở về Nam Định, nơi ông sinh ra để thưa chuyện trăm năm với gia đình bà Nở thì ông bị gia đình bà Nở chối từ. Lý do được đưa ra là ông quá nhỏ, và họ sợ ông sẽ không phải là bờ vai vững chắc để bà Nở nương tựa cả đời. Phải đến mãi sau này, khi có cơ hội tâm sự với người cha của bà Nở, ông mới thực sự lấy được lòng gia đình.
Một nửa thế kỷ đã trôi qua, câu chuyện của ông Thêm, bà Nở là một trong số những câu chuyện kỳ diệu như chuyện cổ tích của những thanh niên xung phong một thời làm đường ngày đó. Tình yêu đôi lứa cũng chính là một phần giúp thế hệ trẻ ngày đó làm nên con đường huyền thoại mang tên Hạnh phúc.
Con đường ấy giờ là biểu tượng tập thể, biểu tượng tình yêu của những con người lịch sử làm nên công trình có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thiêng liêng liêng.