Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc - Kỳ 1: Con đường máu!
Xã hội - Ngày đăng : 15:36, 28/03/2015
Ký ức về những tháng ngày bạt núi làm đường chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của những thanh niên xung phong ngày ấy.
Khắp nẻo đường là máu
Người ta nhắc đến con đường Hạnh Phúc như một minh chứng về sức mạnh tập thể của một thời làm nên những huyền thoại. Đặc biệt, trong bối cảnh miền Bắc vừa giải phóng lại phải bước ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ, khó khăn chồng lên khó khăn. Con đường ấy như một biểu tượng của tinh thần yêu nước.
Con đường mang tên Hạnh phúc
50 năm sau ngày thông đường, con đường Hạnh Phúc vẫn mềm mại như một dải lụa trắng vắt qua nhiều dãy núi xanh biếc màu thời gian. Để có được con đường trải nhựa phẳng lỳ, xe cộ chạy bon bon xuyên qua những dãy núi như ngày nay là công sức của hàng nghìn thanh niên xung phong đến từ 6 tỉnh phía Bắc là Cao Bằng, Bắc kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Khối óc và bàn tay của những con người kiên trí, bền gan đã đẩy lùi những khó khăn, bất chấp nguy hiểm và kết quả là khoảng cách giữa vùng núi xa xôi bậc nhất của tỉnh Hà Giang với thành phố đã được rút ngắn.
Ông Phạm Quang Bút (SN 1942, trú tại tổ 6, Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang) là một trong những cựu thanh niên xung phong ngày ấy. Ông Bút nay tóc đã bạc phơ, lại mắc chứng ho mãn tính, nhưng khi nhắc đến lịch sử của con đường này thì ông hào hứng lắm.
Ông Bút kể, con đường Hạnh Phúc được Khu ủy Việt Bắc vận động thanh niên 6 tỉnh miền Bắc tham gia, bắt đầu khởi công vào tháng 9/1959 và hoàn thành 3/1965.
Bấy giờ ông Bút mới 20 tuổi, quê ở huyện Gia Lộc (Hải Dương), nhưng sau đó vì con đường thi công quá khó nên khi nghe tin Hải Dương và Nam Định cũng được tham gia làm tuyến đường này thì ông Bút xung phong đi ngay.
50 năm đã trôi qua, nhưng ông Bút vẫn còn nhớ những giai điệu hồi đó ông đàn mỗi khi buồn
“Thú thực với các anh lúc bấy giờ tôi mới 20 tuổi, nói đến chuyện đi lên đây làm đường thì vợ con và gia đình tôi ngăn cản nhiều lắm. Nhưng vì nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã thuyết phục vợ để tôi được đi nhưng nào ngờ cái duyên trời định lại giữ tôi ở lại luôn”, ông Bút chia sẻ.
Theo ông Bút, khắp nẻo đường bấy giờ toàn là mồ hôi và máu của những thanh niên xung phong đã đổ xuống. Ngày ấy, nơi nơi đều dán khẩu hiệu “an toàn đi trước sản xuất”, “chủ quan thì tử sớm”...Thậm chí nhiều nơi còn chuẩn bị sẵn áo quan để nhắc mọi nhớ cần an toàn trong khi thi công.
Những cựu thanh niên xung phong ngày đó cho biết, khi đó có hơn 2.000 người nhiệt huyết và khí thế hừng hực lên Hà Giang nhưng không phải ai cũng trụ nổi cho đến khi hoàn thành. Tất cả là 14 người đã ngã xuống, hàng trăm người không chịu nổi những khó khăn vất vả mà bỏ về.
Sau một hồi im lặng và những tiếng thở dài, ông Bút đôi mắt đỏ hoe nói tiếp về một người đồng đội xưa, thậm chí cho đến bây giờ thi thoảng người anh ấy vẫn hiện về trong những giấc mơ đứt đoạn của đời ông.
“Anh Đào Ngọc Phẩm (quê Thái Nguyên), hai chúng tôi cùng một đơn vị, khi nghỉ ngơi vẫn thường ngồi tâm sự với nhau về chuyện gia đình. Nhưng sự hy sinh của anh ấy những người chứng kiến ngày hôm đó sẽ nhớ mãi. Khi đang thi công con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng, một hòn đá lớn bỗng dưng từ phía trên đỉnh rơi xuống, anh Phẩm nhảy vô đẩy hai bố con người H’Mông ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hai bố con lúc đó đã thoát chết, nhưng anh đội trưởng đơn vị thì đã mãi mãi nằm lại dưới vực sâu, có lẽ giờ hồn anh đã hòa vào dòng sông Nho Quế”, ông Bút ngậm ngùi kể.
Con đường kỳ diệu
Đường quá nhiều đá tai mèo nên việc phá đá gặp khó khăn đã là một nhẽ, nhưng chuyện thiếu nước, tinh thần đi xuống của những thanh niên xung phong lúc bấy giờ lại là bài toán vô cùng nan giải.
Ông Bút cho biết, những đồng đội đi cùng đoàn ông đã có vài người bỏ về vì không chịu đựng nổi những khó khăn, có những người đã không chịu nổi sự khắc nghiệt của cao nguyên đá.
Hàng ngày bà Suốt vẫn lên nghĩa trang 14 cựu thanh niên xung phong đã khuất để quét dọn
“Chúng tôi phải tiết kiệm từng giọt nước, ngay cả khi rửa mặt xong cũng phải giữ nước lại để sau còn rửa tay rửa chân, rồi giặt quần áo chứ không ai được đổ đi cả, nước lúc đó là vàng. Nhà báo cũng thấy đấy, ngay khi có cả hồ treo như bây giờ cũng thế cả thôi, mùa cạn thì hiếm nước lắm. Hàng ngày người dân ở chốn này vẫn phải cõng nước từ thung lũng lên đỉnh núi chứ sung sướng gì đâu”, ông Bút cho biết thêm.
Hôm chúng tôi lên thăm nghĩa trang 14 thanh niên xung phong đã nằm lại miền cao nguyên đá, tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Suốt, Chủ tịch Hội thanh niên xung phong Yên Minh 50 năm trước.
Bà Suốt kể, hồi đó do con đường toàn đá nên tai nạn diễn ra liên miên, số người bị thương nhiều vô kể, chết cũng không ít. Nhiều người từng háo hức xung phong lên đây làm được một thời gian thì bỏ về, riêng bà cũng từng có suy nghĩ sẽ bỏ dở trong khi con đường chưa hoàn thành.
Nhắc đến con đường huyền thoại này, bà Suốt vừa nói vừa lau nước mắt: “Tôi còn nhớ lắm, ngày đó dùng thuốc nổ phá đá làm con đường này mà đồng đội tôi đã ngã xuống, cũng từng có lần tôi tận mắt chứng kiến một chị ở đơn vị bạn bị hòn đá bỗng dưng từ trên núi lăn xuống đè lên chân kêu thất thanh. Khi đó cả đơn vị tôi dùng xà beng, cuốc, xẻng mất một giờ đồng hồ mới giải cứu được chị ấy. Năm 1964, trong lúc mở đường đi qua xã Pải Lủng (Đồng Văn), đồng chí Vũ Cao Vân, quê ở Nam Định cũng bị hòn đá đè lên người mà hy sinh, những người có mặt hôm đó ai cũng bàng hoàng”.
Để bây giờ, 50 năm đã trôi qua, con đường lên 4 huyện miền cao nguyên đá đã phẳng phiu, những thanh niên xung phong thời bấy giờ gặp lại nhau vỡ òa trong hạnh phúc. Đúng là những con người huyền thoại làm nên cung đường huyền thoại.