Những vụ trọng án chấn động dư luận qua lời kể của các cảnh sát phòng kỹ thuật hình sự (Kỳ 4)
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 23/03/2015
Kỳ 4: Hành trình đi tìm sự thật kỳ án “nhận nhầm xác con” xôn xao dư luận một thời
Trong khi gia đình bà Hồng vỡ òa trong niềm vui sướng thì nỗi đau lại ập đến gia đình nạn nhân thực sự là bà Hương ở tận TP.HCM. Vụ việc hi hữu này đã làm cho Công an tỉnh Bến Tre một phen đau đầu và vất vả.
Cái chết bất thường
Một ngày cuối tháng 6/1998, người dân xã Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) phát hiện có xác người nổi lập lờ trong đập nước. Thông tin này nhanh chóng được báo lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến tre. Ngay khi nhận được tin báo từ người dân, cơ quan CSĐT nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau khi vớt được xác nạn nhân lên bờ, cơ quan CSĐT xác định, nạn nhân là một thanh niên khoảng 15-16 tuổi, trên người mặc chiếc áo phông trắng và quần bò màu xanh. Để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân, Phòng kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Bến Tre tiến hành khám nghiệm tử thi, đồng thời lấy dấu vân tay để xác định danh tính của nạn nhân.
Trao đổi với PV, đại tá Trịnh Văn Bản, Trưởng phòng PC54 cho biết: “Sau khi khám nghiệm tử thi, chúng tôi xác định nạn nhân mới bị chết trong vòng 2-3 tiếng trước. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân là do bị ngạt nước. Chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng, không thấy trên người nạn nhân có ngoại lực tác động như bị đánh đập hay giằng co. Vì vậy, chúng tôi kết luận đây không phải là một vụ án mạng. Nạn nhân sơ xuất rơi xuống nước, không bơi được nên đã chết đuối”.
Trong khi cơ quan CSĐT đang lấy dấu vân tay của nạn nhân để xác định danh tính, thì thông tin trên đã lan truyền sang các xã lân cận. Nhiều gia đình không thấy con ở nhà cũng đến để nhận dạng xem có phải con mình không. Trong những người đến kiểm tra, có bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Nam). Bà Hồng cho biết, con trai của bà mấy hôm nay đã không thấy về nhà.
Nạn nhân được phát hiện đang nổi lập lờ trong đập nước
Khi vừa đến nơi, bà Hồng khóc òa vì nhận thấy nạn nhân chết đuối kia rất giống Trần Văn Cường (15 tuổi) con trai của mình. Để cho chắc chắn hơn, bà đã nhờ những người ở đó báo với gia đình bà để mọi người cùng đến nhận dạng. Khi chồng và những người trong gia đình bà Hồng tới nơi, ai cũng khẳng định người xấu số chính là Cường. Bởi lúc đi khỏi nhà, Cường cũng mặc đúng chiếc áo phông trắng, chiếc quần Jean màu xanh và đặc biệt là chiếc răng khểnh thì không thể nhầm đi đâu được.
Thậm chí, gia đình bà Hồng mang cả ảnh của Cường đến để nhận dạng. Những người có mặt ngày hôm đó đều thừa nhận, do người thanh niên bị chết đuối nên khuôn mặt có phần hơi biến dạng, còn tất cả các nét đều rất giống với Cường con trai bà Hồng. Ngay cả vị trí chiếc răng khểnh cũng đặt “đúng chuẩn”.
Thấy cả gia đình bà Hồng đều xác định đó là Cường, cơ quan CSĐT cũng tạo điều kiện để gia đình bà Hồng được đưa thi thể của Cường về mai táng. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan CSĐT vẫn tiến hành giám định dấu vân tay của nạn nhân với dấu vân tay của Trần Văn Cường xem có thực sự trùng khớp hay không.
Một mực khẳng định nạn nhân là con trai của mình
Sau khi lấy dấu vân tay của nạn nhân về, các chiến sĩ Phòng PC54 nhanh chóng tiến hành giám định. Có một điều bất ngờ đã xảy ra: Dấu vân tay của nạn nhân không trùng khớp với dấu vân tay của Trần Văn Cường được lưu lại khi làm chứng minh thư. Sợ có điều nhầm lẫn, các chiến sĩ Phòng PC54 phải kiểm nhiều lần xem có sai sót chỗ nào không. Nhưng kết quả đều cho thấy dấu vân tay của nạn nhân không phải là dấu vân tay của Cường, con trai bà Hồng.
Nói về điều này, đại tá Bản cho biết: “Do nạn nhân mới chết trong vòng 2-3 tiếng nên khuôn mặt cũng chưa biến dạng nhiều. Vì vậy, khi cả gia đình bà Hồng đều thừa nhận đó chính là người nhà của mình chúng tôi nghĩ họ khó có thể nhầm lẫn được. Chúng tôi đã phải giám định rất kỹ lưỡng dấu vân tay của nạn nhân và Cường. Sau khi đã kiểm tra mọi thứ, chắc chắn không thể có gì nhầm lẫn, chúng tôi mới dám kết luận. Người thanh niên bị chết đuối không phải là Trần Văn Cường”.
Lúc này, gia đình bà Hồng đang làm đám tang và chuẩn bị chôn cất người thanh niên xấu số mà gia đình bà Hồng cho rằng đó chính là con trai mình. Cơ quan CSĐT tới thông báo, nạn nhân không phải là Cường đồng thời yêu cầu ngừng việc chôn cất. Cả gia đình bà Hồng đã phản đối. Họ cho rằng công tác giám định đã sai.
Đại tá Bản đang trao đổi với PV về vụ việc hy hữu xảy ra tại tỉnh Bến Tre
Đại tá Bản cho biết, lúc ấy gia đình Cường cho rằng, họ không thể nhầm. Họ lập luận rằng, một người nhìn nhầm đã đành, đây cả bố mẹ, anh chị em đều khẳng định đó là Cường thì làm sao mà nhầm được. Thay vì xem xét lại, người thân của Cường cho rằng phía cơ quan CSĐT đang cố tình gây khó dễ để họ không thể chôn cất con.
Chia sẻ về điều này đại tá Bản nói: “Chúng tôi đến thông báo nạn nhân không phải là Cường thì gia đình bà Hồng nghĩ chúng tôi đang làm khó dễ. Do có quen biết với lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre nên họ đã gọi điện lên phàn nàn về việc này. Nhận được thông tin, Phó giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng PC54 kiểm tra thật kỹ xem có gì nhầm lẫn trong công tác giám định hay không và xác định xem nếu nạn nhân không phải là Cường thì là ai?”.
Ngay trong đêm đó, bằng các phương pháp nghiệp vụ, Phòng PC54 xác định nạn nhân chết đuối tại đập nước thuộc xã Thành Thới B chính là Phùng Chân Hùng (15 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM). Để chắc chắn không bị sai sót, ngay sáng hôm sau các chiến sĩ Phòng PC54 đã liên hệ với Công an quận 8 và Công an phường, nơi nạn nhân cư trú để giám định lại dấu vân tay một lần nữa. Kết quả cho thấy dấu vân tay của nạn nhân trùng khớp với dấu vân tay của Phùng Chân Hùng.
Khi cơ quan CSĐT tìm đến gia đình của Hùng thì được bố mẹ cháu cho biết, Hùng đang xuống nhà bà ngoại ở tỉnh Bến Tre vẫn chưa về. Sau khi nghe thông tin vụ việc, có nạn nhân bị chết đuối ở xã Thành Thới B, dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay của Hùng, bố mẹ nạn nhân lập tức xuống Bến Tre nhận dạng.
Gia đình bà ngoại của Cường cho biết cách đây hai ngày, Hùng xin phép trở về TP.HCM để hôm sau còn đi học. Họ cho rằng Hùng về đến TP.HCM nên cũng không quan tâm. Sau đó, gia đình của Hùng được cơ quan CSĐT đưa đến nhà bà Hồng để nhận con. Tuy nhiên, lúc đó gia đình bà Hồng đã đưa người thanh niên xấu xố kia đi chôn. Khi đưa ảnh của Hùng ra thì gia đình bà Hồng mới thấy người trong hình rất giống Cường. Nhưng lúc đó gia đình bà vẫn còn bán tín bán nghi và chưa tin con mình vẫn còn sống.
Đến ngày hôm sau, Cường đi chơi với bạn trở về, gia đình bà Hồng mới hoàn toàn tin người nằm dưới mộ không phải con trai bà mà là một người khác. Lúc này gia đình bà vỡ òa trong niềm vui sướng vì con trai mình vẫn còn sống và đã trở về.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Phải có thêm lòng yêu nghề Chia sẻ với PV, đại tá Bản nói: “Công việc của chúng tôi ngoài sự đòi hỏi phải tỉ mỉ, tận tụy thì phải có thêm lòng yêu nghề. Qua sự việc này, nếu chúng tôi không có cái tâm kiên quyết tìm ra sự thật bằng được thì chắc chắn việc nhầm lẫn hy hữu này có lẽ không được tìm ra sớm đến vậy”. |